Đi chợ thời "bão" giá
- Cập nhật: Thứ tư, 10/11/2010 | 8:53:06 AM
YBĐT - Liên tiếp những kỷ lục về giá vàng, giá đô la đến giá gạo, giá thịt và giá rau được xác lập! Khoan hãy đề cập chuyện đô la, vàng đang từng ngày “nhảy múa” nhưng tình trạng giá cả sinh hoạt mà toàn thứ thiết yếu lên giá do tiếp thêm cơ hội của hội chứng tăng giá vàng đã ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người làm công ăn lương, nhất là bộ phận dân cư có mức sống từ trung bình trở xuống.
Rau xanh là mặt hàng tăng giá nhanh nhất.
|
Khảo sát ngày 9/11/2010 tại chợ Hồng Hà (phường Hồng Hà), một chợ có mức giá vào loại trung bình ở thành phố Yên Bái (thông thường ở chợ Bách Lẫm (chợ Bến Đò) giá có thấp hơn, chợ Đồng Tâm (chợ Km4) giá cao hơn, các chợ khác có chênh nhau, tuy mức chênh không lớn và tùy từng mặt hàng), cho thấy: gạo tám thơm 15 nghìn đồng/kg, gạo tẻ thường 13 nghìn đồng/kg, gạo nếp Tú Lệ 18 nghìn đồng/kg. Thịt lợn, thịt gà và cá tươi giá cũng rất cao: thịt mông sấn 60 nghìn đồng/kg, ba chỉ 55 nghìn đồng/kg; sườn ngon 50 – 55 nghìn đồng/kg, thịt thăn 75 nghìn/kg, cá trắm cỏ (loại 2 - 3 kg bán cả con) giá 45– 50 nghìn đồng/kg, gà chưa mổ 75 nghìn/kg và gà mổ sẵn giá 125 nghìn/kg. Nhìn chung, gạo, thịt giá đã tăng mạnh so với mấy tháng trước, tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi thì tốc độ vẫn thua mặt hàng rau xanh.
Cũng tại chợ Hồng Hà vào ngày 9/11, giá các loại rau xanh vụ đông như cải củ, cải bắp... giá bán 14 đến 16 nghìn đồng/kg; bí đỏ 13 nghìn đồng, rau thơm nhất là các loại rau tổng hợp dùng để ăn lẩu, giá bán từ 20 đến 25 nghìn/kg.Còn tại chợ Đồng Tâm (Km 4, phường Đồng Tâm) giá phổ biến từ 12- 20 ngàn đồng/kg rau xanh nhất là các loại cải xanh, cải bắp, su hào và có đến 40% rau xanh có giá 20 ngàn đồng/kg ; thịt mông sấn 60 ngàn/kg, thịt thăn 70-75 ngàn, cá trắm khúc 60 - 65 ngàn/kg.... Cô Hà, tiểu thương ở chợ Hồng Hà cho biết: "Ba hôm nay giá có giảm đi so mấy buổi trước.Tuy nhiên, chẳng có hy vọng sẽ giảm hơn vì đã thành quy luật giá lên thì dễ, xuống rất khó, nhất là dịp giáp tết".
Theo đánh giá của rất nhiều người và cả theo cách giải thích “rất có lý" của những người bán hàng thì: "Bây giờ cái gì chẳng đắt! Hàng gì giá chẳng lên. Vàng lên thế cơ mà!". Thực tế thì ngày nào các bản tin tài chính trên Đài Truyền hình Việt Nam cũng mở đầu bằng những thông tin như: giá vàng đạt kỷ lục, sát ngưỡng 34, rồi 35, rồi sát ngưỡng 36 triệu đồng/lượng (hôm 8/11) và vượt mốc 38 triệu đồng/lượng (sáng 9/11) . Đô la sau một thời gian giữ giá thì bùng lên đến 20,5 rồi 21,7 ngàn VNĐ/USD. Giá đô la cao lại thêm thông tin thị trường khan hiếm... Đó là những yếu tố rất dễ gây tâm lý hoang mang cho người dân ở một đất nước tỉ lệ nhập siêu cao và đô la hóa như Việt Nam kéo theo “bão” giá các mặt hàng khác, trong đó có lương thực, thực phẩm đã nổi lên với cấp độ mạnh.
Một lý do khác cũng tác động đến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tình hình ngập lụt triền miên hết Bắc rồi lại Nam Trung bộ, thiệt hại về người và tài sản vô cùng nặng nề, thiệt hại sản xuất sau lũ càng không thể đo đếm.
Giá rau, giá thịt tăng mạnh còn bởi nguyên nhân cung không đáp ứng được cầu. Đối với các loại thịt, cá thì nghề chăn nuôi vừa trải qua một đợt khốn đốn vì giá thức ăn tăng mạnh và nhất là các trận dịch tai xanh. Tuy dịch bệnh này chưa xuất hiện ở Yên Bái nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá bán lợn hơi và nhu cầu của người tiêu dùng.
Một vấn đề không thể không nói đến nữa là các ngành nghề khác như công nghiệp, xây dựng phát triển nhanh đã thu hút một lực lượng lớn lao động nông thôn. Sau khi mùa màng xong, nhiều thanh niên nông thôn đi làm thợ xây, làm lao động thời vụ cho các xưởng chế biến gỗ, chè, nhà máy gạch... , ít còn mặn mà với nghề trồng rau hay nuôi lợn, nuôi gà. "Dễ hiểu thôi, ai biết được rau cải bắp 15 nghìn đồng một cân, trong khi đi làm tại các xưởng chè, xưởng gỗ người ta trả đến 100 nghìn đồng/ngày, lại phát quần áo lao động và nuôi cả cơm trưa. Đặc biệt, giá công bao thầu xây dựng nhà cửa đã lên tới trên, dưới 500 nghìn đồng một mét vuông thì không chừng vụ tới lúa còn bỏ chứ chưa kể đến rau nếu phân bón, thuốc trừ sâu tăng mạnh lại còn thêm chuyện hạn hán hay lũ lụt".
Giá gạo, rau xanh, thịt cá tăng đến chóng mặt đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là người làm công ăn lương, người hưởng các chế độ xã hội và nhất là người có thu nhập thấp ở thành thị. Nếu một gia đình hai vợ chồng đều có mức lương gấp hai lần mức lương tối thiểu thì khoản tiền chi tiêu cho việc đi chợ mua thức ăn đã chiếm một phần đáng kể trong số tiền có được hàng tháng. "Ông nhà tôi bị máu nhiễm mỡ, bác sỹ khuyên tăng cường ăn rau xanh. Giá rau thế này thì, hạn chế thịt hạn chế luôn cả rau còn gì. Hai vợ chồng mỗi ngày tiêu vào rau cũng 20- 30 nghìn đồng!".
Bà Huệ đi chợ về, trong làn có miếng thịt lợn và bó rau cải củ. Tiết kiệm thịt, cá vì đắt đỏ đã đành, bây giờ phải tiết kiệm cả rau vì lý do tương tự thì đúng là chuyện chưa từng có ở một nước nông nghiệp như Việt Nam. Mâm cơm đang đạm bạc trong thời “bão” giá, đó là một thực tế. Học sinh, sinh viên ở ký túc xá hay nhà trọ không có điều kiện nấu nướng, phải ăn cơm bụi, càng phải bóp bụng vì trước đây 10 nghìn đồng một suất cơm đã no và đủ chất, nay thì phải 12, 15 nghìn mới tạm ổn cho tuổi ăn, tuổi lớn và hay phải thức đêm.
Mọi giải thích như trên đều có lý, tuy nhiên tình hình giá lương thực, thực phẩm leo thang bởi những lý do ấy phần lớn bởi yếu tố tâm lý tác động, nói theo cách của người tiêu dùng là "tát nước theo mưa". "Mùa màng gặt hái xong, làm đất quãi rau xuống là lên vù vù. Mùa này ít sâu, trời mát, công chăm bón chủ yếu là tưới nước, vậy thì giá vàng, giá đô la đâu có liên quan!" - ông Ước, một người dân ở phường Đồng Tâm phát biểu. Nhưng rồi giá vẫn lên!
"Bão" vàng , "bão" đô nay "bão" cả rau xanh, người dân quả không còn biết bấu víu vào đâu nhất là những gia đình “thường thường bậc trung” hoặc kém hơn thế đang nuôi con ở các trường chuyên nghiệp. Trước tình hình giá tăng, mới đây Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành phải lập đoàn kiểm tra về giá cùng các biện pháp bình ổn thị trường nhằm chống tăng giá do đầu cơ, trục lợi để người dân an tâm. Ai cũng mong cho "bão" nhanh tan, giá cả ổn định để người dân bớt phần cơ cực.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Qua 5 năm triển khai việc trồng rừng theo Dự án 661, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã trồng được gần 70,6 ngàn ha.
YBĐT - Triển khai Chương trình 135 giai đoạn II về thực hiện hợp phần Hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, vừa qua, Công ty TNHH Hải Sơn đã chuyển giao cho xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) 21 máy nông nghiệp gồm 2 máy tuốt, 14 máy cày bừa, 5 máy động cơ phun thuốc trừ sâu, trị giá hơn 287 triệu đồng.
Trước sự biến động mạnh của thị trường vàng, ngoại tệ, chiều ngày 9-11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã chia sẻ quan điểm của mình với báo chí.
YBĐT - Do địa hình đồi núi dốc, các thôn, bản phân bố không tập trung, thời tiết khí hậu khô hanh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là mùa mưa bão. Mặt khác, xã Xà Hồ (Trạm Tấu) chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc phát triển kinh tế xây dựng cuộc sống mới của đồng bào.