Dịch lở mồm long móng ở Yên Bình: Đã khống chế nhưng không chủ quan

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/11/2010 | 9:10:33 AM

YBĐT - Sau một thời gian tạm lắng, ngày 9/11/2010, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái lại xuất hiện dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu tại xã Tân Nguyên.

Nhân dân xã Yên Thành, huyện Yên Bình phát triển chăn nuôi gia súc. (Ảnh: Quang Thiều)
Nhân dân xã Yên Thành, huyện Yên Bình phát triển chăn nuôi gia súc. (Ảnh: Quang Thiều)

Sau khi phát hiện có dịch, huyện cùng ngành chức năng đã khoanh vùng dập dịch khá hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn không phát hiện thêm gia súc bị nhiễm bệnh, song huyện đã chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch LMLM bùng phát trở lại.

Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Yên Bình, ngày 9/11/2010, một số hộ dân ở xóm Cây Mít, thôn Khe Cọ xã Tân Nguyên đã phát hiện 6 con trâu mắc bệnh LMLM. Xóm Cây Mít có 9 hộ dân ở bên kia hồ, trong thời gian tiêm phòng vác xin LMLM do nước hồ lên cao nên toàn bộ số trâu trên vẫn chưa được tiêm phòng.

Đây là lần thứ 2 trong năm huyện Yên Bình xuất hiện dịch LMLM trên đàn gia súc, đầu năm dịch cũng đã bùng phát tại hai xã Tân Hương và Phúc An làm 41 con gia súc mắc bệnh.

Ngay sau khi phát hiện có dịch LMLM, huyện đã huy động cán bộ tập trung xuống cơ sở cùng chính quyền và nhân dân bao vây dập dịch, hướng dẫn nông dân cách chữa trị.

Tiếp đó, tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc hàng ngày ở toàn bộ các hộ chăn nuôi gia súc trong vùng dịch; dùng thuốc kháng sinh tiêm đề phòng nhiễm khuẩn và chữa triệu chứng bằng các loại chất chua và Xanh Meetylen.

Cán bộ thú y thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại xã và các hộ chăn nuôi. Xã cũng lập chốt kiểm dịch di động không cho gia súc ra vào khu vực nhiễm bệnh. Nhờ vậy, đến nay xã đã khống chế và không để dịch bệnh phát sinh.

Mặc dù dịch bệnh được khống chế nhưng huyện Yên Bình luôn chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch LMLM bùng phát trở lại.

Bà Hoàng Thị Tú, Phó trưởng Trạm thú y huyện cho biết: "Đến ngày 15/11, Yên Bình đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Song phương châm chỉ đạo của huyện là không chủ quan lơ là mà vẫn tiếp tục theo dõi, khoanh vùng địa bàn nghi nhiễm. Số trâu của các hộ bị mắc dịch cũng được nuôi cách ly và theo dõi chặt chẽ.

Hiện nay, dịch LMLM vẫn chưa có thuốc đặc trị, vì vậy để hạn chế dịch bệnh thì vấn đề quan trọng là tiêm phòng vắcxin triệt để cho đàn gia súc và công tác khử trùng tiêu độc cũng phải được duy trì thường xuyên".

Trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc thì công tác tiêm phòng đúng thời gian và liều lượng sẽ góp phần bảo vệ tốt nhất cho đàn gia súc. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trạm Thú y Yên Bình thì đến ngày 11/11/2010, toàn huyện mới tiêm phòng được 38.068 liều vắcxin LMLM, trong đó tiêm phòng tụ huyết trùng trâu bò 10.720 liều, tụ huyết trùng lợn được 7.183 liều, đạt gần 46% kế hoạch; dịch tả lợn 7.781 liều, đạt trên 49% kế hoạch.

Theo đúng quy định thì tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 80% mới đảm bảo an toàn cho đàn gia súc nhưng hiện nay bên cạnh các hộ chăn nuôi lớn theo hình thức trang trại rất chú trọng công tác tiêm phòng cũng như vệ sinh chuồng trại thì lại rất ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện việc này đầy đủ với lý do đưa ra là chu kỳ chăn nuôi ngắn, địa bàn ít xảy ra dịch. Do đó dù cán bộ thú y có vận động nhưng việc tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn vẫn chưa được các hộ chăn nuôi này chú trọng và đầu tư đúng mức.

Để phòng chống dịch bệnh, góp phần chăn nuôi ổn định, trong thời gian tới huyện Yên Bình xác định tiếp tục kiểm tra giám sát dịch bệnh, thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn gia súc; đẩy mạnh các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại; tiêm phòng triệt để đàn gia súc theo kế hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển buôn bán động vật và sản phẩm động vật; tuyên truyền hướng dẫn rộng rãi đến nhân dân để các chủ hộ chăn nuôi hiểu được tính chất nguy hại của dịch bệnh và hưởng ứng thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.

Đặc biệt khi dịch bệnh đang xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước như hiện nay thì tốt nhất là người dân không nên nhập gia súc ở địa phương khác, nhất là ở các địa phương đã xảy ra dịch bệnh về chăn nuôi.

Thông Nguyễn

Các tin khác

YBĐT - Thực hiện kế hoạch trồng 250 ha cây cao su trong năm 2010, huyện Văn Chấn đã giao chỉ tiêu và vận động nhân dân phối hợp cùng với Công ty Cao su Yên Bái chuẩn bị đất, cây giống và các vật tư phân bón phục vụ.

Giá thép thường tăng cao vào những tháng cuối năm.

Sự tăng giá mạnh của USD so với VND khiến giá phôi thép - nguyên liệu chính của ngành sản xuất thép tăng, kéo theo chi phí sản xuất tăng, buộc các nhà sản xuất phải nâng giá bán để theo kịp tỷ giá.

Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tuần qua lãi suất cho vay ít biến động so với tuần trước. Hiện nay, lãi suất cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, chi phí sản xuất doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 12-12,75%/năm; đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh khác 13-17%/năm; đối với phi sản xuất 18-20%/năm.

YBĐT - Số liệu xuất nhập khẩu vàng 12 năm qua do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu công khai trên diễn đàn Quốc hội ngày 23/11 thấp hơn nhiều so với tiết lộ gần đây của một số nguồn tin.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục