32 năm phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/12/2010 | 9:10:55 AM

YBĐT - Để xứng đáng là một trong những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế tỉnh Yên Bái, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong xu hướng hội nhập và phát triển, đội ngũ cán bộ, công nhân lao động Công ty Điện lực Yên Bái luôn trân trọng, kế thừa những thành quả của 32 năm qua và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp...

Khánh thành Dự án năng lượng nông thôn II, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
Khánh thành Dự án năng lượng nông thôn II, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.

Sở Điện lực Hoàng Liên Sơn được thành lập theo Quyết định số 24/ĐT-TCCB ngày 25/4/1979 của Bộ Điện và Than. Khi mới thành lập, Sở có 88 cán bộ công nhân viên và 25 đảng viên. Do tính chất hoạt động phân tán của ngành, mặc dù ít đảng viên nhưng vẫn được Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn quyết định thành lập Đảng bộ, tổ chức công đoàn và Đoàn thanh niên cơ sở.

Cơ sở vật chất ban đầu của Sở Điện lực rất nhỏ bé, tiếp nhận lưới điện 35 kV của Sở Phân phối điện IV với gần 50 km đường dây lấy từ Nhà máy Thủy điện Thác Bà, 03 trạm trung gian 35/10 KV với công suất 4160 KVA. Ngay khi ký biên bản bàn giao giữa Sở Phân phối điện IV, Đảng ủy, Ban giám đốc Sở Điện lực Hoàng Liên Sơn đã có những biện pháp kịp thời để lãnh đạo cán bộ, công nhân viên nhanh chóng ổn định tổ chức, đời sống đồng thời xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quy hoạch lưới điện, quản lý vận hành, cung cấp, ổn định điện phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế của địa phương.

Những cán bộ, kỹ sư, công nhân đã không quản khó khăn, gian khổ, ngày đêm lăn lộn khắp các địa bàn trong tỉnh khảo sát, thiết kế, xây dựng đường dây, lắp trạm biến áp. Đời sống cán bộ, công nhân thời kỳ đó vô cùng khó khăn và phải tổ chức tăng gia, chăn nuôi để cải thiện đời sống.

Tháng 7/1987, đường dây 110 KV Thác Bà - Lào Cai dài gần 80 km cùng với Trạm 110 KV Yên Bái và Trạm 110 KV Tằng Loỏng được xây dựng nhằm phục vụ công cuộc tái thiết khu vực các huyện phía bắc của tỉnh và Nhà máy Tuyển quặng Apatít Lào Cai. Đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự lớn mạnh của ngành điện lực Hoàng Liên Sơn. Lưới điện 110 kV đưa vào vận hành đã góp phần giải quyết nguồn cung cấp cho các phụ tải, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

Đến tháng 10/1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn được tách thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Sở Điện lực Hoàng Liên Sơn cũng được tách ra để thành lập Sở Điện lực Yên Bái và Sở Điện lực Lào Cai. Ngày 1/4/1998, thực hiện quyết định của Chính phủ chuyển chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực cho Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) quản lý, Sở Điện lực Yên Bái lúc đó với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất, kinh doanh về điện và được đổi tên thành Điện lực Yên Bái.  

Cùng với sự phát triển và trưởng thành của ngành Điện lực Việt Nam (EVN), trong 32 năm qua, Công ty Điện lực Yên Bái đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc; sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với sự phối hợp của các sở, ban, ngành đã tạo điều kiện cho Công ty Điện lực Yên Bái hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển lưới điện, bảo đảm đủ điện cho phát triển công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ và phục vụ sinh hoạt, nâng cao đời sống nhân dân cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Trong những năm qua, hoạt động điện lực đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương theo định hướng phát triển lưới điện trong từng giai đoạn theo tinh thần nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, tập trung đưa điện lưới quốc gia về các xã vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung…

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quan trọng, thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Yên Bái đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tham mưu cho UBND tỉnh Yên Bái, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc về định hướng phát triển lưới điện trong từng giai đoạn, phấn đấu nâng cao sản lượng điện thương phẩm, giảm tổn thất điện năng, nâng giá bán bình quân, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển kinh doanh đa ngành… đã làm lên thành công của đơn vị ngày hôm nay.

Bằng sự nỗ lực của cả tập thể, Công ty đã đạt được kết quả cụ thể như: hiệu quả vận hành hệ thống điện nâng cao; tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ hai con số (năm 1980) xuống mức một con số 5,2% (năm 2009); sản lượng điện tăng gần 30 lần so với năm 1980; doanh thu tiền điện năm 2010 ước đạt 390 tỷ đồng, vượt kế hoạch trên giao.

Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Công ty thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội rất quan trọng là phát triển lưới điện về các vùng nông thôn, miền núi. Tính đến cuối năm 2009, có 97% số xã, 93% số hộ dân và 91% số hộ dân nông thôn có điện, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVI đề ra là đến năm 2010, toàn tỉnh có 90% số hộ nông dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Hiện nay, chỉ còn 3 xã Tà Xi Láng, Làng Nhì (Trạm Tấu) và Chế Tạo (Mù Cang Chải) chưa có điện. Công ty phấn đấu đến năm 2011, tất cả 100% số xã có điện lưới quốc gia. Đến nay, Công ty quản lý vận hành một khối lượng tài sản đường dây và trạm biến áp lớn gấp gần 30 lần năm 1980 bao gồm: 1.316,6 km đường dây 35 KV, 3,3 km ĐZ 22 KV; 170,6 km đường dây 10 KV; 1.819,9 km đường dây 0,4 KV bao gồm dây trần và cáp bọc; hơn 900 trạm biến áp phân phối 35/0,4 KV và 10/0,4 KV với dung lượng 87.848 KVA, 9 trạm trung gian 35/10 KV dung lượng 27.400 KVA. 

 Góp phần cùng địa phương tháo gỡ khó khăn cho các vùng nông thôn, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội nông thôn Yên Bái phát triển và tạo sự công bằng trong sử dụng điện đối với mọi hộ dân từ thành thị tới nông thôn, giảm gánh nặng đầu tư cho người dân nông thôn và ngân sách của tỉnh, bảo đảm điều kiện cải tạo và đầu tư lưới điện bảo đảm an toàn trong sử dụng điện, tháng 7/2008, Công ty đã xây dựng Đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn giai đoạn 2008 - 2010 trình UBND tỉnh Yên Bái và Công ty Điện lực I (nay là Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc), theo kế hoạch sẽ có 119 xã đang dùng điện của các tổ chức kinh doanh điện năng như: hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, hợp tác xã điện năng, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn được bàn giao sang điện lực quản lý, nguồn vốn  được huy động để cải tạo lưới điện hạ áp được lấy từ vốn cải tạo sửa chữa lưới điện. Đây là một nỗ lực lớn của Công ty vì khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn vào vận hành, trách nhiệm quản lý sẽ tăng thêm trong khi biên chế lao động không tăng.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án, công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đã hoàn tất và về đích trước thời gian. Hiện nay, Công ty đang đầu tư vốn để cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn nhằm bảo đảm an toàn trong quản lý vận hành, nâng cao chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng.

Dự án Năng lượng nông thôn (RE II) giai đoạn I ở 37 xã triển khai từ cuối năm 2007 đã được các đơn vị thi công tập trung đẩy mạnh để hoàn thành đúng thời gian. Từ kết quả ban đầu của Dự án đã đạt được, tỉnh Yên Bái tiếp tục được Ngân hàng Thế giới (WB) đồng ý mở rộng Dự án. Theo kế hoạch sẽ có 29 xã thuộc 6 huyện, thành phố được tham gia Dự án RE II mở rộng. Sau khi Dự án hoàn thành, lưới điện nông thôn sẽ được cải thiện đáng kể, bảo đảm an toàn, tổn thất điện năng giảm, đặc biệt chất lượng điện áp được nâng cao. 

Để vận hành, cung cấp điện ổn định, an toàn, phục vụ sản xuất và đời sống, giảm thời gian mất điện, nâng cao sản lượng điện thương phẩm, Công ty đã đầu tư lắp đặt các thiết bị điện công nghệ cao, giúp cải thiện tình hình quản lý vận hành, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, bao gồm: 28 bộ cầu dao phụ tải, 29 bộ máy cắt tự đóng lại trên đường dây cao thế và nhiều thiết bị bù tự động, giúp cải thiện chất lượng điện năng, bảo đảm ổn định cung cấp điện.       

Ngoài nhiệm vụ chủ yếu là quản lý vận hành, cung ứng điện năng, Công ty Điện lực Yên Bái còn phát triển kinh doanh nhiều ngành nghề như: xây lắp đường dây và trạm biến áp, sửa chữa thiết bị điện, thiết kế, tư vấn thiết kế, gia công cơ khí mạ kẽm, sửa chữa thiết bị điện, kinh doanh viễn thông, truyền hình cáp và đã đạt được nhiều thành công.

Sau 4 năm tham gia thị trường viễn thông cùng các nhà cung cấp dịch vụ khác, kinh doanh viễn thông của Công ty đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường Yên Bái. Đến nay, đã có gần 35.000 khách hàng sử dụng các dịch vụ của viễn thông điện lực, EVN Telecom và doanh thu năm sau cao hơn năm trước.

Truyền hình cáp (THC) là một lĩnh vực kinh doanh mới được Công ty đưa vào khai thác từ đầu năm 2009 tại thành phố Yên Bái nhưng đã xây dựng được thương hiệu bằng chất lượng hình ảnh, âm thanh, giá rẻ và thái độ phục vụ tận tình, chu đáo. Chỉ hơn 1 năm sau khi đưa vào vận hành, đã có gần 8.000 khách hàng sử dụng dịch vụ THC, vượt mục tiêu đề ra. Đầu tháng 9/2010, mạng THC đã vươn đến thị xã Nghĩa Lộ bằng đường truyền cáp quang trên đường dây 110 kV. Doanh thu năm 2010 đạt 4,8 tỷ đồng, bằng 131% so với kế hoạch.

Tận dụng những lợi thế có sẵn, ngoài viễn thông và THC, Công ty mở thêm các dịch vụ khác để tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động. Mạ kẽm, nhúng nóng, sửa chữa máy biến áp, xây dựng đường dây và trạm biến áp, gia công cơ khí cấu kiện, thiết bị điện... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhiều hợp đồng kinh tế có giá trị cao được đặt hàng. Trước đây, khi máy biến áp (MBA) bị cháy, hỏng đều phải đem về Hà Nội sửa chữa thì nay có dịch vụ sửa chữa đã tiết kiệm chi phí vận chuyển, thời gian chờ đợi, nhân công và thời gian cấp điện trở lại cho khách hàng.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn là những bước chuyển biến sâu của Công ty trong những năm qua. Lưới điện đã được số hóa và tự động hóa toàn bộ bằng thiết bị tự đóng lại trên đường dây, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để lắp đặt máy cắt tự đóng lại ở các tuyến đường dây 35 kV, cầu dao phụ tải trên đường dây 10 kV nên việc cung cấp điện ổn định, liên tục, giảm tối thiểu thời gian mất điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Một giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng điện áp ở cuối đường dây, giảm tổn thất điện năng, nâng cao khả năng chuyên tải là việc lắp đặt các thiết bị bù tại các nút phụ tải các đường dây. Nhờ đó, chất lượng điện áp đạt chỉ tiêu theo quy định, tổn thất điện năng giảm đáng kể, góp phần giữ cho hệ thống điện vận hành ổn định và kinh tế hơn.

Năm 2009, Công ty Điện lực Yên Bái đã triển khai Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008 mang lại hiệu quả cao. Các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động nghiệp vụ đã được triển khai trong toàn ngành bằng hệ thống mạng máy tính nội bộ và các chương trình ứng dụng như phần kinh doanh điện, viễn thông, phần mềm kế toán, phần mềm tính tổn thất trên lưới điện, phần mềm quản lý công văn… đã tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công và có độ chính xác cao, thuận lợi, nhanh chóng trong công tác quản lý.

Xây dựng quy chế làm việc dân chủ, phát huy tinh thần chủ động và sáng tạo của mỗi cán bộ, công nhân viên là định hướng lớn của toàn ngành những năm qua. Thước đo năng lực làm việc, phẩm chất cán bộ là hiệu quả công việc. Người lao động làm việc theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, tự chủ trong mọi công việc. Mô hình khoán đến nhóm và người lao động ở các đơn vị sản xuất thực sự phát huy hiệu quả; chế độ lương, thưởng của người lao động gắn với trách nhiệm công việc được giao. Gắn việc thực hiện xây dựng quy chế dân chủ với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo nên một bước đột phá trong nhận thức, hành động và góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm của Công ty.

Công ty cũng đã làm tốt công tác tổ chức cán bộ, lựa chọn, đào tạo những cán bộ có đủ năng lực vào bộ máy quản lý; củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao phẩm chất và trình độ đội ngũ cán bộ; kiện toàn các tổ chức Đảng, đoàn thể; đẩy mạnh các phong trào thi đua và đoàn kết, tập trung trí tuệ của cả tập thể để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đơn vị thường xuyên quan tâm phát triển yếu tố con người với mục tiêu xây dựng một hệ thống tổ chức, một đội ngũ cán bộ trong sạch và vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.

Nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi bước phát triển, trưởng thành của ngành điện Yên Bái đều thể hiện tính năng động, sáng tạo, tinh thần vượt khó, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của từng cán bộ, kỹ sư, công nhân toàn ngành. Từ chỗ chỉ có 88 người, trong đó hơn 70% là công nhân và chưa qua đào tạo thì đến năm 2010, Công ty có 505 người, trong đó tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học và trên đại học là 30%, tăng 140% so với năm 1979; tỷ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng, trung cấp là 25%; lực lượng công nhân có tay nghề, qua đào tạo đã đáp ứng được những công việc khó, phức tạp và đáp ứng nhu cầu phát triển của Công ty.

Nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân đã có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm giá thành, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Hàng năm, Công ty đều tổ chức hội thi thợ giỏi, an toàn vệ sinh viên, văn hóa doanh nghiệp… tạo không khí học tập, lao động sôi nổi, thắt chặt tình đoàn kết và thi đua lao động sản xuất, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Đối với công tác xây dựng Đảng, những năm đầu thành lập, Công ty chỉ có 10 đảng viên, 1 Chi bộ Văn phòng Sở, còn các chi nhánh điện do số đảng viên ít nên phải sinh hoạt ghép. Đến nay, Công ty đã có 140 đảng viên, sinh hoạt tại 13 chi bộ cơ sở và Văn phòng Công ty có 3 chi bộ, 45 đảng viên; điện lực các huyện, thị, thành phố, phân xưởng sản xuất và trung tâm đều có chi bộ. Nhiều năm liền, Đảng bộ Công ty Điện lực Yên Bái đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

Công đoàn, Ban Nữ công, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên luôn được tạo điều kiện để phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, hoạt động có hiệu quả trong phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động xã hội, quyên góp ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo hàng chục triệu đồng mỗi năm. Các tổ chức đoàn thể luôn được công nhận đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Công ty đã giúp đỡ các xã vùng cao theo sự phân công của Tỉnh ủy Yên Bái đạt hiệu quả thiết thực.

Với những kết quả đó, Công ty Điện lực Yên Bái đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho 1 tập thể, 1 cá nhân; Thủ tưởng Chính phủ tặng bằng khen cho 2 tập thể, 1 cá nhân; Bộ Công Thương tặng bằng khen cho 40 tập thể, 20 cá nhân; 50 cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua ngành điện; UBND tỉnh tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2009", Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 24 tập thể, 20 cá nhân; Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng 20 bằng khen cho tập thể, cá nhân và tặng “Cờ thi đua xuất sắc năm 2009"; Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc tặng giải Ba trong phong trào thi đua năm 2009 và nhiều giấy khen cho các tập thể, cá nhân toàn ngành. 

Những phần thưởng cao quý này là niềm tự hào đồng thời là sự động viên, cổ vũ lớn lao đối với mỗi cán bộ, công nhân Công ty Điện lực Yên Bái. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành điện Yên Bái đã nỗ lực không ngừng, đoàn kết, nhất trí, phát huy dân chủ, huy động sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Đó là bài học lớn về ý chí tự lập, tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới và có một cơ chế quản lý hợp lý cùng ý chí vươn lên trong suốt 32 năm qua.

Những năm tới, Công ty đứng trước các thời cơ lớn và cả những khó khăn. Một sự kiện quan trọng đánh dấu bước chuyển đổi sâu sắc về tổ chức quản lý, nâng cao tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh của đơn vị đó là thành lập Công ty Điện lực Yên Bái. Với mô hình mới, Công ty đã có chuyển biến quan trọng về mô hình quản lý, cơ chế điều hành, định hướng hoạt động... vừa đầu tư phát triển lưới điện vừa cải tạo nâng cấp, xây dựng hệ thống lưới điện, bảo đảm vận hành an toàn, kinh tế đồng thời mở rộng kinh doanh đa ngành nghề trên cơ sở thế mạnh của kinh doanh điện. Đây là tiền đề quan trọng để Công ty bảo đảm năng lực cung cấp điện an toàn và tin cậy cho mục tiêu phát triển giai đoạn 2010 - 2020. 

Để xứng đáng là một trong những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế tỉnh Yên Bái, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong xu hướng hội nhập và phát triển, đội ngũ cán bộ, công nhân lao động Công ty Điện lực Yên Bái luôn trân trọng, kế thừa những thành quả của 32 năm qua và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh Yên Bái, xây dựng đơn vị phát triển bền vững, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặng Văn Thanh - Giám đốc Công ty điện lực Yên Bái

Các tin khác
Khu vực xây dựng Thủy điện Lai Châu tại xã Nậm Hàng (huyện Mường Tè, Lai Châu).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Thủy điện Lai Châu - công trình thủy điện lớn thứ 3 cả nước sau Thủy điện Sơn La và Hòa Bình sẽ chính thức được khởi công vào sáng ngày 22-12.

Thủ tục cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng và thủ tục cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng sẽ đươc ghép lại thành một và thực hiện trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Ngày 24/12 tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) sẽ tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (ảnh) tại Quảng Ngãi.

Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Yên Bái đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

YBĐT - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục