Yên Bình: Chăn nuôi thủy sản đang phát huy hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/12/2010 | 2:47:57 PM

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp Yên Bình luôn có những bước tiến mạnh mẽ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt trong chăn nuôi thủy sản. Yên Bình đã biết đưa những tiềm năng, lợi thế về mặt nước dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.

Cá tầm và khu nuôi cá tầm trên hồ Thác Bà.
(Ảnh: Tuấn Nghĩa)
Cá tầm và khu nuôi cá tầm trên hồ Thác Bà. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

Nói là vậy nhưng Yên Bình cũng trải qua bao thăng trầm trong nghề nuôi trồng thủy sản. Những năm 90 của thế kỷ trước, chăn nuôi thủy sản phát triển mạnh mẽ, nhà nhà nuôi cá lồng, cá ao, phong trào nuôi cá diễn ra mạnh mẽ trên khắp các miền quê, vùng sông nước. Cá chim trắng, rô phi đơn tính, trê lai, chép lai, trắm cỏ... đã được người dân rất ưa thích và mở rộng diện tích mặt nước để nuôi trồng.

Theo đó, sản lượng khai thác mỗi năm đạt hàng ngàn tấn cá, tôm. Mỗi khi nhà có khách chủ nhà ra lồng cá bắt những con cá 3-4 kg lên mời khách, nhà không nuôi cá lồng ra hồ làm mẻ lưới là có cá, tôm ăn cả tuần. Ăn cá tươi mãi cũng chán, người dân đánh bắt về đem kho rồi phơi ăn quanh năm. Nhưng thời "hoàng kim" ấy cũng dần qua đi, bởi sự phát triển tự phát, thiếu kiến thức khoa học của người dân khiến hàng loạt lồng cá bị nhiễm bệnh, nhiều người đã phá sản, nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác cũng cạn kiệt bởi cách đánh bắt "hủy diệt". Người dân lại trở về với đồng áng vốn có ngàn năm, cái đói cái nghèo không sao thoát nổi đối với nhiều gia đình. Người dân Yên Bình, người dân vùng hồ muốn ăn tôm cá lại phải ra chợ mua của người dân từ nơi khác mang đến bán.

Trước thực trạng chăn nuôi thủy sản tụt hậu, huyện Yên Bình quyết tâm vực dậy nghề nuôi tôm, cá. Với lợi thế trên 15 ngàn ha mặt nước hồ Thác Bà và 450 ha ao hồ nhỏ trong dân, huyện đã phát động phong trào chăn nuôi thủy sản tới hầu hết các xã vùng ven hồ. Mặc dù nguồn vốn ngân sách của huyện rất hạn hẹp, song để thúc đẩy nghề nuôi cá huyện đã có chính sách hỗ trợ giúp người nuôi với mức 3 triệu đồng/lồng nuôi cá thường, 25 triệu đồng/lồng nuôi cá tầm và 4 triệu đồng/ha nuôi quảng canh. Song song với đó huyện còn phối hợp với Trung tâm Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông mở hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật, thâm canh nuôi trồng thủy sản tới các hộ dân ven hồ. Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo các xã có diện tích ruộng cấy lúa một vụ năng suất thấp sang đào ao thả cá với diện tích hàng chục ha.

 Nhờ vậy, nghề nuôi cá, nhất là nuôi cá lồng đã hồi sinh trở lại, dọc các xã ven hồ từ Xuân Lai, Vĩnh Kiên, Phúc Ninh, đến thị trấn Yên Bình, Phú Thịnh, Thịnh Hưng đâu đâu cũng thấy người dân nuôi cá lồng. Nếu như năm 2008, toàn huyện mới có hơn chục lồng cá thì đến nay đã có trên 400 lồng cá nuôi trên hồ Thác Bà, sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 1.200 tấn, giá trị đạt 4-5 tỷ đồng. Nuôi cá lồng trên hồ cho thu nhập từ 14 - 15 triệu đồng/lồng, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 7 - 8 triệu đồng/lồng. Thôn Ao Khoai xã Thịnh Hưng có vài chục nóc nhà nhưng số lồng cá nhiều gần bằng số dân trong thôn. Người dân trước đây chỉ sống dựa vào làm chè và chăn nuôi gia cầm là chính, nay thêm nghề nuôi cá trên hồ do đó cuộc sống ngày một khấm khá hơn.

Nhiều hộ gia đình từ nghèo khó nay đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như gia đình Nguyễn Đức Thịnh, ban đầu với 6 ha ao, hồ gia đình anh nuôi cá trắm cỏ và rô phi đơn tính theo hình thức quảng canh. Sau thấy nuôi cá lồng hiệu quả anh đầu tư 25 triệu đồng làm 5 lồng, để chủ động nguồn cá giống anh còn làm cả ao để ương nuôi cá bột và cá hương. Nắm bắt được kỹ thuật nuôi cũng như làm tốt khâu phòng bệnh, cùng với nguồn thức ăn dồi dào cá lớn nhanh như thổi. Có vốn cùng với vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện anh tiếp tục đầu tư làm thêm 25 lồng nữa nuôi trên hồ Thác Bà. Bình quân mỗi năm gia đình anh xuất bán trên 7 tấn cá thu lãi trên 100 triệu đồng.

Nét mới trong phát triển nghề nuôi cá ở Yên Bình là không phát triển ồ ạt, phong trào mà chăn nuôi phải là những hộ hiểu biết kỹ thuật, không chỉ nuôi cá cho năng suất mà nuôi cả cá tầm đặc sản. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015, đưa sản lượng chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản lượng sản xuất nông nghiệp; trong đó phát triển mạnh chăn nuôi cá tầm đặc sản trên hồ Thác Bà. Huyện phối hợp với Công ty Cá tầm Phương Bắc để chuyển giao công nghệ và cung ứng con giống, thức ăn đồng thời bao tiêu sản phẩm.

Với lợi thế về mặt nước và truyền thống nuôi cá của người dân trong vùng cùng với những định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp chắc chắn nghề nuôi cá ở Yên Bình sẽ ngày một phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

P.V

Các tin khác
Nông dân thôn Hà Thịnh, xã Sơn Thịnh chăm sóc khoai tây vụ đông. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Chương trình tăng vụ ở vùng cao phấn đấu đạt trên 780 ha, trong đó có 450 ha cây đậu tương trở lên. Vùng ngoài đưa các giống ngắn ngày vào gieo cấy lúa đông xuân, mùa sớm để đảm bảo thời vụ trồng cây ngô đông.

YBĐT - Đến nay, dịch lở mồm long móng ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã lan ra 5 xã: Púng Luông, Zế Su Phình, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Cao Phạ. 483 con gia súc đã bị nhiễm dịch, gồm: 399 con trân bò, 84 con lợn, đến nay đã chết 47 bê nghé.

Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm chiều 21-12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết dịch cúm gia cầm cũng như dịch heo tai xanh đã cơ bản được khống chế.

12 loài cá nước ngọt mới phát hiện tại Việt Nam vừa được Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang (WAR) công bố ngày 21/12. Những loài này được phát hiện trong các cuộc điều tra tại Phú Quốc từ cuối năm 2008 đến nay.Trong số đó có những loài khá phổ biến ở Phú Quốc và quen thuộc với người dân địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục