Giá sắn tăng cao: Mừng nhiều, lo không ít!
- Cập nhật: Thứ năm, 23/12/2010 | 8:47:15 AM
YBĐT - Thời điểm này, nông dân trong tỉnh Yên Bái đang rộ mùa thu hoạch sắn với niềm vui lớn vì giá bán đang ở mức cao. Tuy nhiên, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tỏ ra lo ngại tình trạng nông dân đổ xô trồng sắn sẽ phá vỡ quy hoạch và xâm chiếm đất rừng.
Nông dân huyện Yên Bình thu hoạch sắn.
(Ảnh: Hoàng Nhâm)
|
Giá thu mua của các nhà máy chế biến đã lên đến 1.650 đồng/kg củ tươi, có nơi thương lái còn mua 1.900 đồng/kg và thời điểm này, giá sắn thu mua của nhà máy đã lên 2000 đồng/kg - đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay. Với mức giá này, người trồng sắn lãi cao bởi theo tính toán của các hộ dân trồng 1 ha sắn sau khi thu hoạch trừ chi phí cho lãi khoảng 17-18 triệu đồng.
Sắn được giá, người dân có thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhà nào trồng nhiều thu cả trăm triệu đồng - số tiền không nhỏ với nhiều hộ nông thôn miền núi. Điều này đã giúp cho cây sắn được xếp vào hàng "top ten" các loại cây trồng cho thu nhập cao. Đặc biệt, vài năm trở lại đây mặc dù không phải là cây trồng được khuyến khích nhưng diện tích sắn luôn tăng mạnh, sắn được coi là cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Văn Yên là huyện có diện tích trồng sắn nhiều nhất tỉnh với khoảng 5.000 ha. Đi dọc tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã nằm ngoài vùng quy hoạch đều thấy màu xanh bạt ngàn của sắn. Cây sắn không chỉ được trồng ở các xã trong vùng quy hoạch mà đã có mặt hầu hết ở các xã, kể cả vùng cao, vùng sâu. Không thể phủ nhận, cây sắn góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng, nhiều nhà từ trồng sắn có thể xây được nhà, sắm được ti vi, xe máy.
Tuy nhiên, khi sắn lên ngôi lại lần nữa đặt ra cho ngành quản lý nỗi lo, đó là việc phá vỡ quy hoạch. Đáng lo nhất là tình trạng người dân sẽ xâm chiếm đất rừng để trồng sắn. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Văn Yên thì từ đầu năm tới nay, Hạt đã phát hiện và xử lý 12 vụ vi phạm phát nương làm rẫy với tổng diện tích trên 3 ha. Tuy nhiên, đó chỉ là con số phát hiện được còn thực tế diện tích xâm chiếm đất rừng còn lớn hơn rất nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu do áp lực về lương thực, nhiều hộ thiếu đất sản xuất đã tìm cách xâm chiếm đất rừng đặc biệt khi giá sắn cao nhiều hộ lấy đất trồng sắn. Xã Quang Minh có diện tích trồng sắn ổn định là 300 ha nhưng theo lãnh đạo xã thì diện tích thực tế phải 400 ha. Việc lo nhất với chính quyền xã lúc này là công tác quản lý bảo vệ rừng vì việc xâm chiếm rừng khoanh nuôi là không tránh khỏi. Theo báo cáo của UBND xã thì chỉ tính riêng năm 2010 có 8 hộ dân ở thôn Minh Khai xâm chiếm vào rừng khoanh nuôi tái sinh với diện tích khoảng 4.800 m2.
Giá sắn tăng cao, nông dân lãi lớn. (Ảnh: Bãi tập kết nguyên liệu của Nhà máy chế biến sắn Yên Bình).
Ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: “Cây sắn đã góp phần phát triển kinh tế của xã. Tuy nhiên, chúng tôi đang lo nếu giá sắn tăng cao sẽ dẫn đến nhân dân đổ xô trồng sắn. Và để có đất, họ sẽ "cắn" vào rừng khoanh nuôi tái sinh, dẫn tới công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn”. Không riêng gì Quang Minh mà các xã khác cũng vậy. Để có đất trồng sắn họ nhiều hộ dân đã xâm chiếm vào rừng khoanh nuôi tái sinh với hình thức mỗi năm gặm nhấm vào rừng vài chục đến vài trăm mét vuông.
Ông Đinh Văn Mạnh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Văn Yên cho biết: “Mấy năm gần đây, giá sắn nguyên liệu tăng cao, lợi nhuận lớn đã "tiếp sức" cho người dân xâm chiếm đất rừng trồng sắn. Từ năm 2007 đến 2009, việc người dân phá rừng trồng sắn tương đối lớn với diện tích xâm chiếm mỗi năm từ 200 đến 300m2. Nếu có bị phát hiện thì chỉ nhắc nhở cùng lắm là phạt hành chính. Để ngăn chặn phá rừng lấy đất trồng sắn, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ diện tích rừng; rà soát toàn bộ diện tích rừng tự nhiên năm 2010, ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ dân; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm”.
Để cây sắn phát triển ổn định tránh tình trạng người dân thấy lợi trước mắt đổ xô trồng sắn vừa phá vỡ hệ thống cây trồng vừa có thể gặp bất trắc khi giá sắn xuống thấp thì việc làm trước mắt là tuyên truyền nhân dân nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch đối với từng cây trồng tại địa phương. Thay bằng việc mở rộng diện tích trồng sắn cần tập trung vào việc nâng cao năng suất nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác sắn bền vững, trong đó có việc áp dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao.
Thực hiện các biện pháp trồng xen canh, luân canh với các cây họ đậu, bón phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm cải tạo, tăng độ phì cho đất. Chỉ đạo quản lý diện tích, cơ cấu cây trồng trên địa bàn theo quy hoạch đã duyệt, đồng thời có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu cây công nghiệp...
Các huyện cần kiểm tra, rà soát diện tích quy hoạch của từng loại cây trồng trên địa bàn, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phá vỡ quy hoạch như phá rừng, xâm lấn đất rừng, phá bỏ các cây trồng đã quy hoạch để trồng sắn. Có như vậy, cây sắn mới phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Nguyễn Thông
Các tin khác
Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I năm 2011 là nội dung của Chị thị số 24/CT-UBND ngày 17/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
Bộ Tài chính chiều 22/12 công bố giảm thuế nhập khẩu xăng từ mức 12% xuống còn 6%, áp dụng đối với các tờ khai hải quan ngay từ ngày 1/1/2011.
Ngày 22-12, theo tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mấy ngày gần đây tuy không có thêm tỉnh, thành phố nào xuất hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhưng tại một số địa phương đang có dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc vẫn tiếp tục phát sinh thêm các ổ dịch mới.
Theo thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 60/NQ-CP, mỗi cá nhân hoặc tổ chức và người có liên quan của cá nhân hoặc tổ chức đứng đơn chỉ được tham gia góp vốn thành lập 1 ngân hàng (bao gồm cả ngân hàng đang hoạt động)...