Cú hích mang tên 135
- Cập nhật: Chủ nhật, 2/1/2011 | 9:58:02 AM
YBĐT - Với người dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn (gọi tắt là vùng cao), Chương trình 135 của Chính phủ đã trở nên quen thuộc, gần gũi và cần thiết như chính làng bản, ngôi nhà, ruộng nương của họ.
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra xây dựng và khai thác mỏ sắt xã Chấn Thịnh (Văn Chấn).
|
Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã tạo ra những đổi thay căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của đồng bào các dân tộc. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - dân sinh có vai trò là “cú hích” động lực để vùng cao nhanh chóng giảm nghèo, đi lên một cách bền vững…
Tập trung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng
Giao thông là lĩnh vực ưu tiên đầu tư nhằm tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, hoàn thiện mạng lưới giao thông các vùng và trong tỉnh. Trưởng ban Dân tộc Yên Bái - ông Hoàng Trung Năng cho biết: “Riêng vốn đầu tư cho phát triển giao thông là 203 tỷ đồng, chiếm 65,3% tổng vốn của Chương trình giai đoạn 2006 - 2010. Tập trung vốn đầu tư phát triển giao thông là chủ trương, quyết định đầu tư đúng đắn của Chính phủ, của UBND tỉnh và xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu có tính cấp thiết của các địa phương, đồng bào các dân tộc. Kết thúc giai đoạn 2, Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng 376 công trình đường với chiều dài trên 346 km và 48 công trình cầu, cống, ngầm các loại”.
Huyện Trạm Tấu trong số 52 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư đã mở mới 25 km đường giao thông nông thôn với chiều dài 29 km; làm mới 3 cầu treo, cầu bê tông. Trong đó, tuyến đường liên xã từ Bản Mù đi Làng Nhì, Phình Hồ - Làng Nhì, Tà Xi Láng đã phá thế độc đạo của các xã, thôn, bản diện khó khăn nhất của huyện, tạo thông thương trong vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường an ninh - quốc phòng. Huyện Mù Cang Chải, nhờ vốn đầu tư của Chính phủ mà 100% số xã có đường ô tô tới trung tâm.
Riêng năm 2010 đã đầu tư mới 10 công trình đường giao thông, giá trị đầu tư trên 12,5 tỷ đồng. Huyện Lục Yên, trong gần 42 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đã tập trung đầu tư xây dựng 107 công trình giao thông. Trong đó, 84 tuyến đường được xây dựng, 45 km đường được làm mới và cải tạo, xây dựng, sửa chữa 17 cầu các loại. Tới nay, 100% số xã có đường ô tô tới trung tâm, 80% số xã có đường giao thông cho xe cơ giới (xe máy trở lên) từ trung tâm xã đến thôn, bản.
Huyện Văn Chấn, sau 5 năm đã đầu tư xây dựng 66 công trình đường giao thông, trong đó mở mới 48 km đường từ trung tâm xã tới thôn, bản; xây dựng 19 cầu, cống các loại. Kết thúc giai đoạn, huyện có thêm 3 xã có đường ô tô tới trung tâm; 95% số thôn, bản có đường giao thông đi lại được bằng xe cơ giới.
Nguồn vốn của Chương trình cũng đã tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế - dân sinh khác như: thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Từ năm 2006 - 2010, Yên Bái đã được đầu tư 97 công trình thủy lợi, 49 công trình điện, 45 phòng học và nhà ở cho giáo viên, xây dựng mới và sửa chữa 9 trạm y tế xã.
Chương trình còn đầu tư 5 công trình nước sinh hoạt, 2 công trình chợ, 73 nhà sinh hoạt cộng đồng, san tạo và giải phóng mặt bằng cho 6 công trình, lập mới quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho 59 xã. Kết thúc giai đoạn 2 Chương trình 135, trên 311 tỷ đồng đã được Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở Yên Bái.
Có sự đầu tư của Chương trình 135 vùng cao Yên Bái ngày càng thêm khởi sắc.
Góp phần giảm nghèo nhanh
Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn của Yên Bái từ 59,4% đầu giai đoạn đến hết năm 2010 giảm còn 29,8%, vượt mục tiêu đề ra. Mù Cang Chải có 13 xã, 100% thôn, bản đặc biệt khó khăn được đầu tư trên 55 tỷ đồng xây dựng 73 hạng mục công trình.
Tới đầu tháng 12.2010, đã có 58 hạng mục, công trình đưa vào sử dụng, trong đó 24 công trình thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho trên 900 ha ruộng nước, góp phần thúc đẩy phong trào thâm canh, tăng vụ. Diện tích gieo cấy lúa 2 vụ đã đạt 1.500 ha, tăng 514 ha; tổng sản lượng lương thực cây có hạt từ 14.700 tấn năm 2006 tăng lên 19.000 tấn năm 2010.
Huyện Trạm Tấu, nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã có điều kiện thuận lợi giảm nhanh số hộ nghèo. Trong 5 năm, mỗi năm, huyện giảm bình quân 346 hộ nghèo, cả giai đoạn có trên 1.700 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 64,3% năm 2006 tới năm 2010 giảm còn 48,16%.
Huyện Văn Chấn, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông và thủy lợi đã tạo ra động lực và năng lực mới cho phát triển kinh tế. Xe cơ giới đã có thể về gần hết số thôn, bản của các xã diện 135 và 80% số xã đã có công trình thủy lợi nhỏ, bảo đảm tưới cho 85% diện tích ruộng cấy lúa. Kinh tế địa phương có nhiều khởi sắc: tăng trưởng 12,9% bình quân, thu nhập bình quân đầu người 9,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,67%.
Nhìn tổng thể, Chương trình 135 giai đoạn 2 ở Yên Bái đã đạt các mục tiêu đề ra. Đó là: số hộ có thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/năm đạt 80%; xã có đường giao thông cho xe cơ giới (xe máy trở lên) từ trung tâm xã đến thôn, bản đạt 85%; xã có công trình thủy lợi nhỏ đạt trên 90%, bảo đảm năng lực tưới khoảng 75% diện tích ruộng 2 vụ lúa; tỷ lệ xã có trường, lớp học kiên cố, bán kiên cố đạt 90%, nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 49%; xã có trạm y tế kiên cố đúng tiêu chuẩn đạt 70%; tỷ lệ xã có điện đạt 95,4%, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 77%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 68%.
Để “cú hích” thành động lực mạnh
Trường THCS xã Lao Chải (Mù Cang Chải) được xây dựng khang trang, tạo thuận lợi cho việc dạy và học của thầy và trò.
Kết thúc năm 2008, Yên Bái có xã Việt Hồng và Quy Mông (Trấn Yên) cơ bản hoàn thành mục tiêu và được đưa ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135. Năm 2010, có thêm 5 xã là: Hạnh Sơn, Bình Thuận (Văn Chấn); Khánh Thiện (Lục Yên); Văn Lãng (Yên Bình); Kiên Thành (Trấn Yên) hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chương trình 135 giai đoạn 2 thực sự là “cú hích” mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của Yên Bái. Để “cú hích” đó trở thành động lực mạnh hơn trong thời gian tiếp theo, nhiều vấn đề đặt ra với các cấp ngành, địa phương.
Trưởng ban Dân tộc Yên Bái - ông Hoàng Trung Năng đề nghị nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về Chương trình 135; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong thực hiện Chương trình 135 và chính sách dân tộc khác.
Từ thực tiễn triển khai, thực hiện thời gian qua cho thấy cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về Chương trình 135 tới đồng bào vùng dân tộc; có phương pháp và hình thức phù hợp để động viên, sử dụng người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ trong việc tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện chương trình và chính sách dân tộc ở cơ sở giúp người dân hiểu, tích cực tham gia, thực hiện.
Công tác quy hoạch cần đi trước một bước, bảo đảm phù hợp với lợi thế về điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, xuất phát từ đòi hỏi thực tế và có sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân. Tỉnh tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, bố trí đội ngũ cán bộ có tâm huyết, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi và có chính sách ưu đãi đặc thù, động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc.
Về tầm vĩ mô, nguồn lực đầu tư hỗ trợ cần đủ mạnh, Quốc hội và Chính phủ tăng cường phân cấp cho các tỉnh để chủ động việc quy định đối tượng cụ thể hưởng thụ, cơ chế hỗ trợ, trình tự quản lý đầu tư phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Trung ương tiếp tục điều chỉnh chuẩn nghèo và phân định lại 3 khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc theo trình độ phát triển Chương trình 135 trong thời gian qua để góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng hưởng lợi, làm thay đổi cơ bản về diện mạo của vùng cao.
Tuấn Anh
Các tin khác
Ngày 1.1, giá vàng trong nước tăng mạnh 350.000 đồng/lượng so với trước đó một ngày. Giá mua bán vàng SJC trên thị trường tự do dao động quanh 36,15-36,35 triệu đồng/lượng.
Trong tổng số 420 tỷ đồng đầu tư cho các dự án tu bổ đê điều trên địa bàn thành phố năm 2011, các dự án xử lý đê, kè sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ chiếm gần 213 tỷ đồng, vốn của Bộ NN&PTNT là 34 tỷ đồng, ngân sách thành phố là hơn 95 tỷ đồng.
Hội nghị của Chính phủ họp với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế và ngân sách nhà nước năm 2011 đã kết thúc vào chiều 31-12-2010, tại Hà Nội.