Triển vọng từ trồng cây Giganti phục vụ chăn nuôi

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/1/2011 | 3:14:14 PM

YBĐT - Để giúp nông dân xã Báo Đáp (Trấn Yên) lựa chọn giải pháp phù hợp, đáp ứng một phần lượng thức ăn phục vụ cho chăn nuôi, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây Giganti làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ” tại 15 gia đình có đủ điều kiện và đang trực tiếp chăn nuôi trâu, bò, lợn, cá, thỏ ở 8/17 thôn của Báo Đáp.

Là một trong những gia đình thiếu lao động, những năm gần đây, ông Nguyễn Văn Thân ở thôn 13, xã Báo Đáp đã phải thu hẹp diện tích sản xuất nông nghiệp để dành thời gian tập trung đầu tư cho chăn nuôi. Gia đình ông đã chọn nuôi lợn, gà và thỏ để phát triển kinh tế gia đình, tuy nhiên với giá cả thức ăn như hiện nay để nuôi 10 con lợn/lứa, 100 con gà và phải đi lấy cỏ cho 20 con thỏ ăn hàng ngày với gia đình ông là hết sức khó khăn.

Tháng 9/2009, ông Thân đã trồng hơn 4 sào cây Giganti theo chương trình của đề tài. Qua trao đổi, ông cho biết: “Giống cây này dễ trồng, không tốn công chăm sóc lại năng suất và rất giàu chất dinh dưỡng, ngoài làm thức ăn cho trâu, bò, thỏ thì giống cỏ này cũng là nguồn thức ăn cho lợn và gia cầm”.

Với diện tích trên đã đáp ứng được nhu cầu thức ăn xanh cho chăn nuôi của gia đình ông. Đặc biệt, do hàm lượng dinh dưỡng cao nên các con vật nuôi của ông lớn rất nhanh và khỏe mạnh, ông Thân khẳng định: “Trước gia đình chỉ nuôi được 3 lứa lợn/năm nhưng nay nhờ cây này gia đình tôi đã xuất bán được 4 lứa/năm và bình quân trọng lượng mỗi con đều tăng 10%, còn khi cho gà ăn cỏ, gà nhanh lớn, đẻ nhiều hơn, do đó cũng chăn nuôi như mọi năm. Năm 2010, tiền lãi từ gia đình tôi đã tăng thêm gần 10 triệu đồng”.

Cùng ở thôn 13, xã Báo Đáp, ông Nguyễn Văn Sảng đã trồng xung quanh bờ rào, dưới tán cây ăn quả với diện tích hơn 3 sào cây Giganti để làm thức ăn cho trâu, lợn, cá và gia cầm. Ông Sảng cho biết, “Đây là loại cây mới nên bước đầu trâu chưa ăn quen, nhưng khi đói sẽ ăn bình thường, đến nay con trâu của gia đình tôi đã quen với loại thức ăn mới này, đối với lợn thì tôi cho ăn thẳng luôn còn đối với gia cầm, cỏ Giganti sẽ được phối trộn với thức ăn khác thay cho rau xanh, bình quân 1 tháng tôi cắt 3 tạ cỏ phục vụ cho chăn nuôi”.

Xét về hiệu quả kinh tế, theo ông Sảng, nếu như trước kia để nuôi 20 con lợn/lứa thì nhà ông phải trồng vài sào khoai lang để làm nguồn thức ăn, nhiều khi vẫn không đủ thức ăn cho lợn và hàm lượng dinh dưỡng thấp, đối với cây cỏ này, có thể tiết kiệm được 5 triệu đồng/sào do chuyển đổi cây trồng.

Cây Giganti thuộc họ ô-rô, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được du nhập vào nước ta từ năm 1993, đây là loại cây thân bụi, tán lá tròn, năng suất có thể đạt tới hơn 80 tấn/ha vào năm thứ 4.

Đặc điểm dinh dưỡng của cây Giganti là rất giàu protein, chứa đủ các axit amin cần thiết, riêng hàm lượng đường cao hơn 2 - 3 lần cỏ hòa hảo, hàm lượng chất khô, năng lượng, can xi và phốt pho cũng cao hơn, chất sơ ở mức trung bình.

Cây Giganti có thể trồng trên đồi, vườn tạp, trồng theo bờ mương, bờ ao, bờ sông, trồng làm hàng rào, dưới tán cây ăn ăn quả, cây công lâm nghiệp, cây vừa phát triển tốt vừa hạn chế được các loại cỏ dại.

Cây Giganti được dùng làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.

Qua hơn 1 năm thực hiện Đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây Giganti làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ” tại xã Báo Đáp cho thấy: Cây Giganti là loại cây trồng có tốc độ phát triển nhanh, năm đầu đã cho thu hoạch 3 lứa, năng suất đạt gần 23 tấn/ha giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của người dân địa phương, không những giải quyết vấn đề thức ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi mà còn nâng cao năng suất hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích đất, đồng thời chống xói mòn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Kỹ sư Trần Thị Hoàn Liên - Phó trưởng Trạm Khuyến nông Trấn Yên cho biết thêm: “Cây Giganti là loại cây dễ trồng, lại trồng được ở tất cả các chất đất những nơi bị che khuất ánh sáng mà những cây trồng khác không phát triển được, là loại cây kháng bệnh tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao và giải quyết được vấn đề thức ăn cho tất cả động vật ăn cỏ. Do tính ưu việt của cây cỏ Giganti nên rất nhiều hộ dân trong và ngoài xã Báo Đáp đến xin cây giống về trồng”.

Trên cơ sở thành công bước đầu của việc trồng cỏ Giganti tại địa bàn, chủ trương của xã Báo Đáp ngay trong năm 2011 là sẽ tận dụng vườn tạp, diện tích dưới tán cây để đưa cỏ Giganti bổ xung vào cơ cấu cây trồng phục vụ cho chăn nuôi. Với vai trò là cán bộ phụ trách kinh tế của xã Báo Đáp ông Phùng Ngọc Hải khẳng định. “Năm 2011, chúng tôi phấn đấu sẽ trồng thêm 10 ha cây Giganti và sẽ mở rộng thêm diện tích vào những năm sau để đảm bảo nguồn thức ăn cho chăn nuôi”.

Việc đưa cây cỏ Giganti vào trồng tại xã Báo Đáp là giải pháp rất hiệu quả cho ngành chăn nuôi trong tiến trình đô thị hóa hiện nay. Sau hơn một năm thực hiện đề tài cho thấy, việc mở rộng diện tích trồng cây Giganti trong các thôn của xã Báo Đáp và sang các địa phương khác của huyện Trấn Yên là điều rất cần thiết, bởi cây Giganti sẽ giúp cho người chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, từ đó tạo điều kiện cho người dân mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao mức thu nhập cho nhân dân.

Thanh Hùng

Các tin khác

YBĐT - Vụ đông xuân 2010 - 2011, huyện Lục Yên phấn đấu gieo cấy 3.350 ha lúa nước, trong đó, lúa lai chiếm 70% và lúa thuần chiếm 30% cơ cấu giống.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định cho các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Vinashin được vay vốn ngân hàng với lãi suất 0% để trả nợ tiền lương, nợ BHXH, bảo hiểm y tế, kể từ ngày 10/1.

Sáng kiến lùa trâu xuống vùng thấp tránh rét đã giảm được số gia súc bị chết.

“Phổ biến và hướng dẫn ngưòi chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm và đảm bảo vệ sinh, giúp nông dân chủ động trồng cỏ, dự trữ thức ăn khô: rơm, rạ, cỏ khô…”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh.

Tình hình cung cấp điện trong năm 2011 sẽ còn khó khăn.

Theo dự báo, tình hình cung cấp điện năm 2011 sẽ tiếp tục gặp khó khăn, vì vậy, để khắc phục khó khăn này và giảm tải khả năng thiếu điện, EVN đã tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt Cơ chế giá điện theo thị trường và Đề án giá điện năm 2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục