Đánh dấu sự thành công của Dự án phát triển 10.000 ha cao su tại Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/1/2011 | 3:29:31 PM
YBĐT - Việc đầu tư trồng cao su tại Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng hoàn toàn không "mạo hiểm" mà là hướng đi đúng đắn...
Ông Nguyễn Hồng Thắng - (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo các ngành kiểm tra vườn ươm cao su tại huyện Văn Yên.
|
“Việc trồng hoàn thành 330 ha cao su năm 2010 chưa phải là thành tích đáng nói nhiều, kế hoạch của chúng tôi là 500 ha, nhưng đây là kết quả bước đầu đánh dấu cho sự thành công của Dự án phát triển 10.000 ha cao su đại điền tại tỉnh Yên Bái đến năm 2016”. Ông Nguyễn Hồng Thắng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Yên Bái khẳng định với phóng viên Báo Yên Bái.
- Thưa ông, năm 2010, diện tích trồng cây cao su của Công ty được trồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 330 ha. Ông nói gì về kết quả này?
Tôi có thể khái quát một số nét chính như sau: Phát triển cây cao su ở vùng Tây Bắc nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng là chủ trương chung của Chính phủ nhằm xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã sớm nhận biết được lợi ích của cây cao su nên đã kêu gọi Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư từ năm 2008 nhưng đến tháng 4 năm 2010 mới chính thức thành lập Công ty Cổ phần Cao su Yên Bái để đầu tư, phát triển cao su trên địa bàn.
Bước đầu triển khai, Công ty gặp nhiều khó khăn do một số bộ phận nhân dân và cán bộ địa phương chưa hiểu hết chủ trương lớn của Chính phủ và của lãnh đạo tỉnh nhà.
Nhưng với sự quyết tâm lớn của lãnh đạo tỉnh, sự tích cực của các sở, ban, ngành liên quan và đặc biệt là sự ủng hộ của người dân làm nghề "rừng", những hộ đang canh tác trên đất chuyển đổi sang trồng cao su ... thì mọi việc cũng đã đi vào hoạt động bình thường.
Hiện tại trong thời tiết rét đậm như hiện nay cây trồng vẫn sống ổn định, phát triển bình thường. Đối với cây cao su đáng lo nhất là thời tiết lạnh, sương muối ... để phòng chống rét cho cây, chúng tôi đã cho tủ gốc bằng màng phủ PE trên toàn bộ diện tích đã trồng và phun nước lá để rửa sương muối...
Để có được kết quả này là sự cố gắng nỗ lực hết mình của toàn bộ cán bộ công nhân viên, lãnh đạo công ty. Bên cạnh đó là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND hai huyện Văn Chấn, Văn Yên và lãnh đạo các xã có trồng cao su... và đặc biệt là sự ủng hộ, sự vào cuộc của đồng bào trên địa bàn.
Vì thế, chúng tôi đều ý thức được rằng bằng mọi giá phải giữ được cho cây sống ổn định qua giai đoạn thời tiết giá lạnh và sẽ phát triển tốt vào vụ xuân tới.
- Việc đầu tư cho dự án cây cao su ở Yên Bái là rất lớn, trong khi Yên Bái chưa bao giờ trồng loại cây này. Căn cứ nào để Công ty "mạo hiểm" như vậy?
Quả thực, đây cũng là điều băn khoăn của nhiều cán bộ và người dân trong tỉnh Yên Bái. Công ty Cổ phần Cao su Yên Bái trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một trong 8 Tập đoàn kinh tế lớn nhất của nước ta.
Với dự kiến giai đoạn I trồng 10.000 ha cao su đại điền thì cần đầu tư trên 1.500 tỷ đồng vào tỉnh Yên Bái (nguồn vốn được đầu tư 50% từ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và các cổ đông thuộc Tập đoàn; 50% còn lại là vay ngân hàng).
Việc đầu tư trồng cao su tại Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng hoàn toàn không "mạo hiểm" mà là hướng đi đúng đắn, chắc chắn của Chính phủ và của lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc nhằm xoá đói, giảm nghèo, làm giàu cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Song, không vì thế mà Công ty đầu tư một cách tràn lan, không có khảo nghiệm.
Trái lại Công ty đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ban hành riêng cho vùng Tây Bắc. Cụ thể là: Trồng cao su ở độ cao dưới 600m so với mặt nước biển, độ dốc dưới 300. Trước khi trồng phải có điều tra, khảo sát và phân hạng đất đai tại vùng trồng.
Phải phân tích đặc tính của đất đai, thổ nhưỡng xem có phù hợp với cây cao su hay không, nếu không phù hợp sẽ không trồng, nếu phù hợp sẽ được phân hạng để có cơ chế chăm sóc thích hợp với từng loại đất nhằm đảm bảo phát triển đồng đều trên toàn diện tích.
Công tác phân tích đã và sẽ được thực hiện bởi đơn vị có đủ chuyên môn và kinh nghiệm trong ngành cao su cùng với sự tham gia của Viện nghiên cứu cao su Việt Nam và Ban quản lý kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... và ngay bên cạnh là tỉnh Hà Giang cũng đã trồng cao su được hàng chục ngàn ha, trải qua nhiều mùa rét nhưng cây cao su vẫn sống và phát triển rất tốt.
Không có lý do gì Yên Bái lại không trồng cao su thành công. Về vấn đề kỹ thuật, chúng tôi sẽ mở các lớp tập huấn, các khóa đào tạo hàng năm để đào tạo quy trình kỹ thuật cho công nhân. Tất cả cán bộ, công nhân viên trong công ty đều phải thuộc và vận dụng tốt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cây cao su.
Đúng là Yên Bái chưa bao giờ trồng loại cây này nên đây là một sự thay đổi, sự chuyển đổi trong cơ cấu cây trồng, trong chiến lược đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Mọi sự thay đổi nào thì cũng dẫn đến cân nhắc giữa cái được và cái mất, khi "cái được" lớn hơn và bền hơn "cái mất" thì nên làm và nên làm ngay.
Với tôi, tôi khẳng định đầu tư trồng cao su tại Yên Bái là hoàn toàn đúng đắn và sẽ là cây làm giàu cho người dân làm nghề rừng, cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
- Mục tiêu của Công ty trong năm 2011 là gì thưa ông?
Theo kế hoạch Công ty đề ra đến năm 2016 sẽ hoàn thành trồng xong 10.000 ha cao su đại điền. Theo đó mỗi năm phải trồng xong 1.500 – 2.000 ha. Riêng năm 2010 được xem là năm "khởi động" thành công. Phương châm của chúng tôi là: "làm đến đâu, chắc đến đó; làm đâu, được đó"; Không chạy theo số lượng mà phải quan tâm chất lượng, đặt chất lượng vườn cây lên hàng đầu.
Năm 2011 kế hoạch Công ty là trồng mới 1.500 ha nhưng nếu giải phóng mặt bằng kịp thời thì có thể trồng đến 2.000 ha. Đồng thời xây dựng trụ sở Văn phòng Công ty cũng như các khu nhà đội cho cán bộ, công nhân viên và người lao động ở, sinh hoạt phục vụ sản xuất của Công ty.
Hiện kế hoạch nay đang được triển khai, và Công ty đang tích cực tuyển chọn đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật... để phục vụ sản xuất năm 2011 và các năm tiếp theo. Giả sử nếu trồng mới 2.000 ha thì cần đến khoảng 450 ngàn lượt lao động tham gia các công đoạn, và sẽ có thêm khoảng 700 lao động được tuyển vào làm công nhân chính thức, lâu dài tại Công ty.
Đây là cơ hội cho con em các hộ gia đình làm nghề rừng, và cho đồng bào các dân tộc anh em trở thành công nhân của Công ty thuộc Tập đoàn kinh tế lớn. Tôi cho rằng, Yên Bái cần tập trung giải phóng mặt bằng càng sớm càng tốt và càng có nhiều diện tích trồng cao su thì càng có nhiều con em lao động địa phương vào công nhân.
Đó cũng là mục tiêu chung của Đảng và Chính phủ nhằm thực hiện nhiệm vụ làm cho “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Xin cảm ơn ông!
Quang Tuấn
Các tin khác
Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu giữ ổn định giá bán, thay vào đó, doanh nghiệp được sử dụng thêm quỹ bình ổn để bù phần chênh lệch do giá xăng, dầu thế giới tăng cao.
YBĐT - Sau hai năm triển khai dự án, huyện Lục Yên đã xây dựng được các mô hình sản xuất giống và thâm canh khoai môn cho năng suất, chất lượng cao với diện tích gần 20 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Minh Chuẩn, Phan Thanh và Khánh Hòa.
Từ nay đến ngày 30-6-2011 sẽ tăng 10% giá cước phổ thông nguyên toa container đối với hàng hóa ...