Trỗi dậy Chè Văn Hưng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/2/2011 | 9:21:10 PM

YBĐT - Hiện nay, sản phẩm chính của Công ty là chè đen, hàng năm xuất khẩu 700 - 800 tấn sang Đài Loan, các nước Trung cận Đông và Nga.

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, Công ty cổ phần Chế biến và Xuất khẩu chè Văn Hưng (Công ty Chè Văn Hưng) không những trụ vững trong cơ chế thị trường mà sản xuất ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, nông dân trong vùng ngày càng được cải thiện, xứng đáng là đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Cuối năm, niên vụ sản xuất chè đã gần kết thúc, tuy nhiên cũng phải hẹn nhiều lần tôi mới gặp được Giám đốc Công ty chè Văn Hưng, bởi lẽ, đây là lúc để doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường, tìm kiếm hợp đồng mới cho niên vụ 2011.

Chị Nguyễn Thị Minh - Giám đốc Công ty là người đã gắn bó cả đời với nghiệp chè. Qua hơn 30 năm công tác, chị đã cùng Công ty trải qua nhiều thời điểm khó khăn, để hôm nay tiếp tục chèo lái doanh nghiệp đứng vững trong cơ chế thị trường.

Chị tâm sự: “Từ ngày thành lập đến đầu năm 1990 là thời điểm có nhiều khó khăn, sản xuất phân tán, năng suất chè thấp, sản phẩm không có nơi tiêu thụ do chưa qua chế biến. Tháng 6/1990, nhà máy chè đen xây dựng xong được bàn giao cho Công ty và cũng từ đây, chè búp tươi sản xuất ra có nơi tiêu thụ, người dân trong vùng nguyên liệu yên tâm thâm canh chè”.

Cùng với việc đầu tư thâm canh, Công ty đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, coi trọng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ, công nhân viên, coi đây là động lực chính để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ Công ty đã nghiên cứu và triển khai Đề tài “Đổi mới mô hình tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh” với 2 nội dung: chuyển hộ công nhân nhận khoán sang mô hình kinh tế trang trại và xây dựng các nhà máy chế biến nhỏ ở vùng sâu, vùng xa.

Đây là bước chuyển đổi đầu tiên trong quá trình đổi mới tư duy kinh tế. Chính từ sự đổi mới ấy, những người công nhân nông trường đã nhận khoán rồi trở thành chủ trang trại chè.

Ngay từ năm 1989, Công ty đã tiến hành giao đồi chè cho công nhân trực tiếp quản lý. Khi người công nhân trở thành chủ trang trại, họ tận dụng đất trống trong trang trại, tranh thủ thời gian tập trung thâm canh để đồi chè đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Đây là yếu tố mang tính quyết định kích thích sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo dựng những thành công cho Công ty. Hiện nay, vùng nguyên liệu của Công ty luôn ổn định với 500 ha chè.

Những năm 1992 - 1993, mặt hàng chè đen không có thị trường tiêu thụ, cán bộ của Công ty đã cải tiến thiết bị chế biến chè đen sang chế biến chè xanh, giải quyết đầu ra cho sản phẩm chè. Đây là giải pháp không chỉ cứu nguy cho Công ty mà còn được nhiều đơn vị ngành chè áp dụng.

Đến nay, các nhà máy của Công ty đều chế biến cả chè đen và chè xanh. Đó là điểm khác biệt mà nhiều doanh nghiệp ngành chè không có được. Các cán bộ kỹ thuật còn cải tiến hệ thống lò nhiệt sấy và hệ thống máy làm héo chè.

Những sáng kiến này đã làm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, không chỉ tiết kiệm cho doanh nghiệp mà còn khẳng định năng lực làm chủ công nghệ, tăng chất lượng hàng xuất khẩu, đem lại lợi ích cho người lao động. Cùng với đổi mới dây chuyền sản xuất, Công ty còn đi đầu trong đổi mới tổ chức quản lý điều hành sản xuất, bộ máy gián tiếp được bố trí gọn nhẹ trên cơ sở tiêu chuẩn hóa cán bộ.

Những năm 2003 - 2004, khi Công ty bắt đầu tiến hành cổ phần hóa thì gặp phải hàng loạt khó khăn, trong đó nặng nhất là mất thị trường xuất khẩu. Thời điểm này hầu như không có doanh nghiệp chè nào của Yên Bái đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến chè - điều kiện tiên quyết để xuất khẩu.

Đứng trước nguy cơ giải thể, doanh nghiệp xác định muốn tồn tại và phát triển phải hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Một dây chuyền chế biến chè đen theo công nghệ CTC hiện đại, tiết kiệm được nhân công lao động, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trị giá 14 tỷ đồng đã được đầu tư  thay thế toàn bộ dây chuyền cũ.

Đây quả là một quyết định táo bạo. Tuy nhiên, với một kỹ sư nông nghiệp cộng với những am hiểu về công nghệ của Giám đốc Công ty, sự đồng tình của các cổ đông nên việc đổi mới công nghệ đã giúp doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường.

Cùng với đó, lãnh đạo Công ty đã tổ chức qui hoạch, tiêu chuẩn hóa cán bộ, tổ chức nhiều loại hình đào tạo, tập huấn hướng dẫn cho công nhân và nông dân trong vùng nguyên liệu... Chính đội ngũ này là yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp và cũng là nhân tố để Công ty tiếp tục phát triển.

Hiện nay, sản phẩm chính của Công ty là chè đen, hàng năm xuất khẩu 700 - 800 tấn sang Đài Loan, các nước Trung cận Đông và Nga. Riêng năm 2010, Công ty sản xuất gần 1.000 tấn chè thành phẩm, doanh thu 20 tỷ đồng, nộp bảo hiểm và thuế 2,5 tỷ đồng. Đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của doanh nghiệp rất đáng ngợi khen.

Trước đây, Công ty chỉ tiến hành các dịch vụ kỹ thuật trên địa bàn 1 xã sở tại. Nay trên địa bàn các xã của 5 huyện, thị, Công ty đã tổ chức các loại hình dịch vụ từ vốn, kỹ thuật và tổ chức thu mua sản phẩm của cả công nhân và nông dân trong vùng. Nhờ đó, diện tích vùng nguyên liệu được mở rộng.

Cùng với diện tích, sản lượng chè búp tươi cũng không ngừng tăng lên. Hàng năm, Công ty còn tổ chức cho hàng ngàn lượt người thăm quan, học tập mô hình, đưa cán bộ kỹ thuật tới từng thôn, bản hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc, thu hoạch chè; hướng dẫn bà con ươm cây giống tại hộ gia đình, vừa tận dụng thời gian, giảm chi phí vừa thuận tiện cho các hộ trồng chè.

Đối với vùng nguyên liệu, hàng năm, Công ty đã đầu tư phân bón để nông dân có điều kiện thâm canh. Đây cũng là một trong những yếu tố gắn người sản xuất với doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, giải quyết đầu ra cho nông dân.

Xác định đúng đắn phương hướng sản xuất, xây dựng ổn định vùng nguyên liệu, phát huy năng lực nội sinh, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, phát huy sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, chú trọng công tác đào tạo nhân lực... đã giúp Công ty cổ phần Chế biến và Xuất khẩu chè Văn Hưng vượt qua những khó khăn, đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường.

Anh Dũng

Các tin khác
Ảnh minh họa

YBĐT - Mỗi vùng quê trên xứ sở của cây lúa này lại có niềm tự hào về hạt gạo quê mình, người Lục Yên tự hào có nếp cái hoa vàng, người Tú Lệ có nếp tan còn với tôi, tôi tự hào vì quê mình có gạo Bạch Hà.

YBĐT - Năm nay, Những người bán hàng hoa quả tỏ ra khá an tâm vì trời lạnh hoa quả giữ được sự tươi ngon lâu hơn. Giá cả các loại hoa quả không dao động nhiều so với năm trước, lên ở mức 2 – 3 nghìn đồng, hoặc 5 đến 10 nghìn đồng tùy vào từng loại hoa quả.

Nhà máy Xi măng Vinaconex Yên Bình.
(Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Cộng đồng doanh nghiệp Yên Bái trong những năm qua đã tiến một bước dài cả về số lượng và chất lượng.

YBĐT - Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Tân Mão, vào những ngày cuối năm này thị trường các mặt hàng hoá dường như đang rất sôi động khi mà Tết Nguyên đán đang đến gần.

 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục