Đẩy mạnh phát triển các loại hình doanh nghiệp
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/3/2011 | 9:05:24 AM
YBĐT - Trong những năm qua, Yên Bái đã có nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư hợp lý, nhờ vậy số lượng doanh nghiệp phát triển ngày một nhiều từ số lượng đến cơ cấu ngành nghề.
Công nhân Công ty cổ phần Cầu Yên Bái chuẩn bị đổ bê tông mặt cầu Bến Cao, xã Chấn Thịnh (Văn Chấn). (Ảnh: Quang Thiều)
|
Doanh nghiệp đã có sự đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp này phát triển mạnh hơn nữa cần có những cơ chế, chính sách và những nhóm giải pháp cụ thể.
Thời điểm năm 2005, toàn tỉnh mới có 369 doanh nghiệp (21 doanh nghiệp Nhà nước, 348 doanh nghiệp ngoài quốc doanh), 240 hợp tác xã. 5 năm qua, Yên Bái đã có những cơ chế chính sách, thu hút đầu tư hợp lý, các doanh nghiệp phát triển nhanh và mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hết năm 2010, toàn tỉnh có trên 1.000 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần (tăng gấp 3 lần so với năm 2005), tổng vốn đầu tư trên 20 ngàn tỷ đồng; 330 HTX tăng 1,4 lần.
Cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi rõ nét, 50% số doanh nghiệp được đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vốn kinh doanh đã tăng gấp 3 lần, doanh thu cũng tăng 3,5 lần. Từ hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho trên 23 ngàn lao động trực tiếp. Song bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục, đó là số doanh nghiệp nhiều nhưng chất lượng chưa cao, quy mô nhỏ, vốn ít...
Để phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, tỉnh cần tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện chính sách phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất từng địa bàn, tạo điều kiện mạnh hơn nữa để mọi công dân nắm bắt và phát triển, đầu tư làm giàu cho mình và xã hội. Phải xây dựng được một nhóm các doanh nghiệp của tỉnh đáp ứng được tiêu chí về quy mô kinh doanh với số vốn trên 200 tỷ đồng, doanh thu kinh doanh trên 100 tỷ đồng.
Tập trung xây dựng phát triển sản xuất ở những lĩnh vực thế mạnh: sản xuất xi măng, khai thác chế biến khoáng sản, chè, quế và chế biến gỗ rừng trồng... tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất, hoặc gia nhập thành viên của tổng công ty. Thành lập hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để gắn kết các doanh nghiệp với nhau trong sản xuất. Hướng sự phát triển doanh nghiệp gắn với hoạt động thị trường chứng khoán. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các quy hoạch ngành, quy hoạch sản xuất, từ đó định hướng cho doanh nghiệp việc lựa chọn dự án để đầu tư.
Với quy mô một cơ sở sản xuất gạch, một xưởng chế biến gỗ và 2 xe tải, cơ sở kinh doanh tổng hợp của anh Trần Mạnh Hiền, ở thôn Khe Quyền, xã Đông An (Văn Yên) hàng năm tạo việc làm cho từ 20 - 25 lao động, với mức lương ổn định từ 1,8 - 2 triệu đồng/người/tháng. (Ảnh: Đức Thành)
Đối với các doanh nghiệp cần phải đổi mới, đổi mới từ tư duy chiến lược sản phẩm đến thị trường, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp nếu không nguy cơ tụt hậu và thất bại rất dễ xảy ra. Mỗi doanh nghiệp phải có kế hoạch xây dựng các bước phát triển cho riêng mình, tăng cường mối liên doanh, liên kết trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Câu nói "Buôn có bạn, bán có phường" từ xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thế nhưng đã bao năm qua các doanh nghiệp chè, chế biến gỗ rừng trồng, chế biến khoáng sản... cùng sản xuất làm ra một sản phẩm, chất lượng ngang nhau nhưng khi bán mỗi người một hướng dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá trị, mất thương hiệu. Sản phẩm của các doanh nghiệp Yên Bái làm ra bị các doanh nghiệp lớn hơn chi phối và "đánh cắp" thương hiệu bởi cách làm ăn "mạnh ai nấy chạy".
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất phải thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường một cách căn cơ, bài bản và lâu dài. Doanh nghiệp chè, chế biến gỗ rừng trồng, chế biến khoáng sản phải đi vào chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao chứ không nên xuất bán nguyên liệu thô bởi những tài nguyên, khoáng sản nhiều nhưng không phải vô tận, nếu cứ ào ào khai thác bán thô như hôm nay thì chỉ vài ba năm nữa liệu có còn? Do vậy trong khai thác, chế biến chúng ta cần tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên khoáng sản.
Một vấn đề không thể không nói đến là trình độ quản lý cũng như đội ngũ cán bộ kỹ thuật, lao động trong doanh nghiệp còn nhiều hạn chế cần được bồi dưỡng. Trong thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng trong đào tạo nguồn nhân lực, tuy nhiên chúng ta cần đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực lao động tại các nhà máy, phân xưởng, dự án xây dựng chứ không nên làm như hiện nay. Kinh phí đào tạo phải có sự tham gia của người đi học, doanh nghiệp và Nhà nước, có như vậy hiệu quả mới cao, đào tạo xong mới làm được việc.
Giải quyết tốt các yếu kém, tồn tại, doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh hơn và đóng góp nhiều hơn vào kinh tế - xã hội địa phương và cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Dự án "Phát triển tổng hợp cộng đồng" giai đoạn 2008-2010 của tổ chức Bánh mỳ Thế giới tài trợ tại xã Khánh Hoà (Lục Yên) đã đem lại những hiệu quả nhất định đến đời sống người dân.
YBĐT - Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Trạm Tấu, tính từ tháng 1/2011 đến 27/2/2011, trên địa bàn 5 thôn thuộc 4 xã của huyện Trạm Tấu đã xảy ra dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc.
Mức “trần” lãi suất huy động đã được chính thức quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 3.3.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, xe máy nguyên chiếc tăng 72,4% và ô tô nguyên chiếc tăng 79,5% trong 2 tháng đầu năm.