Xã Nghĩa An: Phát triển nông nghiệp bền vững
- Cập nhật: Thứ tư, 9/3/2011 | 2:45:56 PM
YBĐT - Phát huy những lợi thế có được, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đang phấn đấu hàng năm đưa 75% diện tích lúa chất lượng cao vào sản xuất.
Nông dân xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra mạ đông xuân trước khi cấy.
|
Theo ông Nông Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, việc đầu tiên và cũng là lợi thế lớn nhất của xã Nghĩa An là sản xuất nông nghiệp. Xã đã có những bước đi cụ thể, từ thấp đến cao và quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu của nhân dân thể hiện rất rõ ở việc sử dụng các giống cây con mới vào sản xuất thay thế các giống địa phương. Xã đã áp dụng thành công 2 vụ sử dụng phân viên dúi sâu vào sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất thành công giống lúa lai F1 với năng suất khá cao.
Các ngành nghề dịch vụ liên quan đến nông nghiệp như xay xát gạo, chăn nuôi… cũng được xã khuyến khích phát triển. Đặc biệt toàn bộ diện tích canh tác lúa nước của xã được sử dụng cơ giới hoá với 31 máy bừa, 9 máy tuốt lúa, 3 xe ô tô, 15 xe vận tải nhỏ thay thế sức kéo của trâu, bò và sức lao động của người dân.
Chưa có ở đâu, nông dân lại tận dụng hết đất để đưa vào sản xuất nông nghiệp như ở Nghĩa An. Nậm Đông I và Nậm Đông II là hai thôn lớn nhất của xã có khu đất rộng 3 ha trước đây được nhân dân khai hoang thành ruộng nước nhưng do nguồn nước không ổn định, sản xuất bấp bênh nên xã qui hoạch để trồng cỏ voi, trồng màu và một phần làm bãi chăn nuôi gia súc.
Sau khi có công trình thuỷ lợi Huổi Phai hoàn thành có mương nước đi qua, nhân dân hai thôn đã khai phá lại bãi đất này thành ruộng nước 2 vụ nên năng suất lúa ở xã Nghĩa An tăng lên gần 13 tấn/ha, sản lượng lương thực có hạt tăng từ 1.658 tấn lên 1.785 tấn, đưa giá trị 1 ha canh tác đạt 75 triệu đồng.
Ngay trong những ngày này, Nghĩa An đang tập trung đưa các loại giống lúa có năng suất chất lượng cao vào gieo trồng. Các tổ chức, đoàn thể phụ trách các thôn bản đều xuống cơ sở vận động nhân dân thu hoạch cây vụ đông để đưa đất vào sản xuất.
Năm nào cũng vậy, Nghĩa An luôn hoàn thành đúng tiến độ sản xuất, cơ cấu giống cũng như thời gian gieo cấy, đảm bảo cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Song song với phát triển cây nông nghiệp, Nghĩa An xác định chăn nuôi là ngành được ưu tiên đầu tư để trở thành ngành sản xuất hàng hoá, là giải pháp quan trọng để khai thác mọi tiềm năng của kinh tế hộ gia đình.
Vì vậy, xã đã quan tâm việc quy hoạch bãi chăn nuôi tập trung, vận động nhân dân tổ chức đào hào, khoanh vùng trên 200 ha dành riêng cho chăn nuôi trâu bò; chuyển dịch từ chăn nuôi chăn thả sang chăn nuôi bán công nghiệp, tổ chức tốt việc tiêm phòng định kỳ, phòng chống dịch bệnh, chỉ đạo xây dựng tốt 2 mô hình thí điểm chăn nuôi gà và 1 mô hình chăn nuôi lợn sinh sản.
Đến nay đàn gia súc, gia cầm của xã được coi là lớn nhất trong các xã vùng Mường Lò với tổng đàn trâu có 589 con, đàn bò 118, đàn lợn 1.499 con và đàn gia cầm 12.900 con.
Hội Nông dân xã là một trong những đoàn thể đi đầu trong công tác vận động các hội viên tham gia tích cực phát triển kinh tế gia đình, nhiều gia đình hội viên đó thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Những năm về trước kinh tế đồi rừng chưa được chú trọng nhưng nay xã đưa lên thành một lĩnh vực lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương. Hàng năm tổ chức thực hiện tốt việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về trồng và bảo vệ rừng, có quy hoạch trồng rừng hợp lý, tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước.
100% diện tích rừng trồng được sử dụng giống mới nhằm rút ngắn chu kỳ sản xuất, bảo vệ có hiệu quả gần 600 ha rừng hiện có, tổ chức trồng mới được 247,5 ha rừng kinh tế.
Trong lâm nghiệp đã chuyển dịch mạnh từ việc khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh, phủ xanh đất trống đồi trọc sang trồng rừng kinh tế. Chỉ 5 năm tới khi được khai thác rừng kinh tế thì nhiều hộ dân của xã Nghĩa An không chỉ thoát nghèo mà còn trở nên giàu có.
Thực tế chứng minh cho thấy, nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp mỗi năm xã Nghĩa An đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5% - 6%, tỷ lệ hộ khá tăng 10%. Đặc biệt là hệ thống giao thông trong xó đó gần như được bê tông hóa, các nhà văn hóa thôn bản được xây dựng mới.
Trao đổi với chúng tôI, đồng chí Lường Lãng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Chủ trương xóa đói giảm nghèo luôn được Đảng bộ xã quan tâm. Để làm được việc này phải thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó đưa nhiều mô hình thử nghiệm sản xuất mới".
Phát huy những lợi thế có được, xã Nghĩa An đang phấn đấu hàng năm đưa 75% diện tích lúa chất lượng cao vào sản xuất, trồng mới 10 ha rừng kinh tế và đưa vào thực hiện các mô hình chăn nuôi bán công nghiệp như mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn siêu nạc, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 9,3 triệu đồng/năm.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
Giá vàng thế giới giảm cùng với thị trường USD tự do ngừng giao dịch đã kéo giá vàng miếng trong nước về mức 3,76 triệu đồng/chỉ phiên sáng 9/3.
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 11/NQ - CP của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Sáng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở KH - ĐT về những giải pháp của Yên Bái trong thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.
Ngày 8/3, NHNN ban hành quyết định tăng các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng lên 12%/năm.