Doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản: “Thuốc thử” sức đề kháng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/3/2011 | 8:56:39 AM

YBĐT - Những năm qua, ngành khai thác và chế biến khoáng sản ở Yên Bái phát triển khá mạnh, đóng góp cơ bản vào giá trí sản xuất công nghiệp, nguồn thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho cả ngàn lao động.

Công ty liên doanh Canxi Cacbonnat (YBB) phấn đấu đạt doanh thu trên 136 tỷ đồng năm 2011.
Ảnh: Dây chuyền sản xuất đá hạt xuất khẩu của Công ty.   (Ảnh: Thanh Miền)
Công ty liên doanh Canxi Cacbonnat (YBB) phấn đấu đạt doanh thu trên 136 tỷ đồng năm 2011. Ảnh: Dây chuyền sản xuất đá hạt xuất khẩu của Công ty. (Ảnh: Thanh Miền)

Những tài nguyên quý giá của Yên Bái được khai thác, chế biến tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị như đá vôi cho sản xuất xi măng, đá trắng sản xuất bột siêu mịn làm nguyên liệu phục vụ các ngành công nghiệp nhựa, cao su, giấy, sơn...  Cùng với đó là khai thác và chế biến quặng sắt ở nhiều địa phương như Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên...

Đáp lại sự kỳ vọng của cả nền kinh tế, năm 2011, các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đều xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh với nhiều mục tiêu tăng trưởng mạnh cả về năng suất, sản lượng, doanh thu cũng như thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Mặc dù vậy, gần hết quý I của năm kế hoạch 2011 đã qua đi nhưng trước mắt các doanh nghiệp là đầy rẫy những khó khăn, trong đó có những khó khăn không thể khắc phục được!

Trước hết phải tính đến yếu tố đầu vào mà xăng dầu là một thí dụ. Theo tính toán của các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản thì chi phí cho vận tải chiếm từ 50 đến 60% trong cơ cấu giá thành do đặc thù ngành nghề. Những cỗ máy lớn dùng để khoan, đập, đào, xúc, những chiếc xe tải khổng lồ dùng vận chuyển nguyên liệu hay đưa hàng đi tiêu thụ, cái nào cũng có mức tiêu hao nhiên liệu vào loại “khủng”. "Khi giá xăng dầu tăng mạnh đương nhiên giá thành sản phẩm sẽ tăng. Tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào mỏ tốt hay xấu, tỷ lệ bóc tách lớn hay nhỏ, cự ly từ nơi khai thác đến nơi sản xuất, rồi từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ dài hay ngắn" , ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó giám đốc một công ty khai thác khoáng sản phát biểu.

Sau xăng dầu là điện. Tại Hội nghị khách hàng do Công ty Điện lực Yên Bái tổ chức mới đây, nhiều đại biểu khách hàng là doanh nghiệp cho biết: Giá điện tăng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng điện đắt chưa phải là điều đáng lo nhất mà thiếu điện mới đáng sợ. Tâm trạng đứng ngồi không yên từ việc phải cắt tiết giảm điện của các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp chế biến khoáng sản là dễ hiểu bởi sản lượng điện của các doanh nghiệp này rất lớn.

 Đơn cử như Nhà máy Xi măng Yên Bình nếu chạy hết công suất, sản lượng điện của doanh nghiệp này đã bằng cả thành phố Yên Bái cộng lại. Tiền điện là khoản chi đáng kể trong kế hoạch sản xuất, việc giá điện tăng trên 15% có nghĩa là giá thành sản phẩm phải tăng theo. Những ngày này, việc cắt điện luân phiên đã nhận được sự cảm thông và chia sẻ của người dân trong tình trạng chung của cả nước.

Trong các doanh nghiệp, việc hạch toán kinh tế cũng đã được cân nhắc tính toán, thay đổi cho phù hợp với tình hình chung. Tuy nhiên, không có điện để duy trì hoạt động sản xuất vẫn là khó khăn rất khó khắc phục, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất theo quy trình công nghệ phải duy trì hoạt động của lò nung như xi măng hay sản lượng hàng hoá làm ra phụ thuộc hoàn toàn vào giờ chạy máy như nghiền bột đá trắng... Mặc dù Nhà nước, ngành điện đã có chính sách ưu tiên điện cho sản xuất, nhiều nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản được đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện nhóm I nhưng điều đó không có nghĩa là việc cắt tiết giảm không diễn ra.

 

Công nhân Công ty liên doanh Canxi Cacbonnat (YBB) vận chuyển đá đến nơi chế biến. (Ảnh: Hồng Duyên)

Ông Đặng Mạnh Cường - Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Hưng Phát (xã Lương Thịnh, Trấn Yên) than thở: Hơn 100 ngày qua (trừ 3 ngày tết) hôm nào trời cũng sập sùi, mưa đất ướt nên không thể đào bới hay vận chuyển quặng sắt, thế là cả khu mỏ, cả nhà máy chế biến lặng lẽ đứng ngắm mưa, hơn 100 lao động ngồi chơi, lãi suất của 50 tỷ đồng tiền vốn bỏ ra cho dự án cứ nhấp nhổm. Làm quặng sắt ở Yên Bái không dễ, khi mà hàm lượng quặng rất thấp,  chỉ từ 30 đến 45%; tỷ lệ bóc tách trong quá trình khai thác cũng là vấn đề: để khai thác được một khối quặng phải đào từ 8 đến 12 m3 đất đá, có những điểm mỏ phải đào đến 15 m3. Quặng có hàm lượng thấp thì giá trị không cao, chi phí cho khai thác nhiều thì đào được quặng lên mặt đất bán luôn cũng lãi chẳng đáng kể, nếu phải chở từ quãng đường từ trăm cây số trở lên thì cầm chắc thua lỗ. Chính vì điều này mà nhiều điểm mỏ đã dừng khai thác từ một, hai năm trước, năm nay chắc chắn danh sách sẽ còn dài thêm.

Cơ chế thị trường và thời buổi khó khăn sẽ đào thải những doanh nghiệp “ốm yếu”, chỉ những công ty có tiềm lực thực sự mới có thể tồn tại. Hiểu rõ điều đó, nhiều giám đốc doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản thay vì nhăn nhó đã thể hiện ý chí quyết tâm của mình. "Mưa mãi rồi trời sẽ nắng lên thôi!", ông Đặng Mạnh Cường nói với hàm ý không chỉ những trận mưa dầm sẽ tạnh mà giai đoạn khó khăn sẽ phải qua đi. Cơ sở để doanh nghiệp tự tin là đầu ra cho sản phẩm quặng tinh khá rộng lớn, giá bán cũng sẽ thay đổi; vấn đề là hạch toán lại sản suất, tiết kiệm tối đa chi phí, khi thời tiết tốt cần phấn đấu mỗi ngày sản xuất trên 100 tấn quặng tinh, tương đương với trên 500 tấn quặng thô.

Ông Trương Ngọc Hoàn - Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Canxi  Cacbonnat YBB thông báo: Nhiều biện pháp trong sản xuất, kinh doanh của Công ty đã được đưa ra như tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, đặc biệt là giảm tiêu hao vật tư, nhiên liệu; áp dụng quy trình và phương án sản xuất phù hợp với việc làm ca 1 và ca 3, trong đó tập trung làm ca 3 để giảm áp lực về điện nói chung và của doanh nghiệp nói riêng; tập trung sản xuất mặt hàng có giá trị cao, tiến tới sẽ bắt tay với các doanh nghiệp bạn như mua lại hàng, vay hàng của nhau để thực hiện các hợp đồng kinh tế, không để mất bạn hàng, sai kế hoạch... Khó khăn đến đâu thì YBB cũng sẽ phấn đấu đạt doanh thu 136,68 tỷ đồng, xuất khẩu trên 90 tỷ đồng, nộp ngân sách 25 tỷ đồng, sản xuất 174,6 nghìn tấn đá vôi dạng hạt và 34,4 nghìn tấn đá vôi dạng bột trong năm 2011.

Khó khăn là không nhỏ nhưng “cái khó ló cái khôn”, ý chí quyết tâm để tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp nói chung và ngành nghề khai thác và chế biến khoáng sản nói riêng đều được thể hiện rõ qua phương án tổ chức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh quyết tâm và thành công ấy, chắc chắn sẽ có những doanh nghiệp ngừng nghỉ lâu dài hoặc vĩnh viễn, đó cũng là quy luật tất yếu của cơ chế thị trường. Khó khăn lúc này chính là “thuốc thử” đối với các doanh nghiệp để chứng minh bản thân có đủ sức tồn tại hay không tồn tại!

Lê Phiên

Các tin khác
Đại sứ John Nielsen và Thứ trưởng Trần Việt Thanh ký hiệp định gia hạn chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Đan Mạch thêm ba năm.

Đan Mạch tài trợ 45 triệu curon, tương đương 8 triệu USD, cho chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng mức phổ thông hiện nay là 25%.

Tại buổi giải đáp các vướng mắc về thuế do Bộ Tài chính và VCCI sáng 11/3, nhiều ý kiến đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%, thay cho mức 25% cũ. Thuế suất VAT cũng được đề nghị giảm xuống mức thấp hơn.

Theo Quyết định 315/QĐ-TTg, sẽ thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Xã Xuân Ái (Văn Yên) có 5 xưởng chế biến gỗ, phục vụ nhu cầu tiêu thụ gỗ rừng trồng của nhân dân địa phương.

YBĐT - 12 năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện có hiệu quả dự án 5 triệu ha rừng, đưa Yên Bái trở thành tỉnh xếp thứ 4 trong cả nước về độ che phủ và đứng thứ 3 về trồng mới so với các tỉnh Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục