Trăn trở Phúc Ninh
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/6/2011 | 3:31:28 PM
YBĐT - Để những tiềm năng và sức lao động của người dân Phúc Ninh, huyện Yên Bình (Yên Bái) trở thành nội lực và được phát huy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới thì câu chuyện đầu tiên để giải quyết “những cái nhất” ở đây có lẽ vẫn là con đường.
Cho dù khá thuận tiện nhưng năng lực vận tải hàng hóa của các tàu khách đến Phúc Ninh cũng không bằng vận tải đường bộ.
|
Phải ở thế hệ của các ông Hà Kim Cẩn hay ông Triệu Kim Kết mới có thể kể đầu đuôi về cuộc chuyển dân, nhường đất cho xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà hồi những năm 60 của thế kỷ trước. “Đất Phúc Ninh (Yên Bình) bên dòng sông Chảy xưa trù phú, dân đông lắm, giờ đã chìm sâu trong lòng hồ ba bốn chục mét rồi. Ngày chúng tôi vào đây chỉ có vài chục hộ thôi!”...
Trên ngôi nhà sàn vững chãi đã được làm lại lần thứ ba kể từ ngày chuyển tới đây (năm 1966), ông Triệu Kim Kết ở thôn 1 tự hào kể với chúng tôi như thế. Cả vùng chợ Ngọc màu mỡ đã chìm sâu dưới lòng hồ. Người dân với niềm tin lớn lao vào Đảng và Bác Hồ kính yêu mà bỏ nhà cửa vào núi tìm đất trồng lúa, trồng sắn xây dựng quê mới.
Sau 45 năm, từ 2 thôn giờ chia thành 4 thôn, Phúc Ninh đã có 263 hộ với 1.196 nhân khẩu, trong đó người Tày chiếm tới 80%, còn lại là người Dao, người Nùng và người Kinh. Điều đáng quý là tất cả người dân ở đây đã được dùng điện lưới quốc gia; trạm y tế được đầu tư cùng với triển khai các chương trình y tế. Xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, 3/4 thôn đã ra mắt xây dựng làng văn hóa.
Đất Phúc Ninh bám theo mép hồ tới tám, chín cây số, diện tích có gần 2.281 ha nhưng có tới 53% là mặt nước hồ nên cuộc sống của người dân chủ yếu vẫn phải bám đất ruộng, đất rừng và khai thác thủy sản. Nước hồ lên xuống nên 34,1ha gieo cấy vụ mùa đến vụ xuân chỉ còn 21,4ha; diện tích đất trồng màu cũng chỉ đạt 70-80ha; rừng có trên 200 ha.
Đồng bào các dân tộc ở Phúc Ninh đã sớm tiếp thu và áp dụng KHKT vào gieo cấy bằng chủ yếu các giống lúa tiến bộ nên năng suất đạt bình quân 42tạ/ha/vụ. Chăn nuôi chưa ở quy mô lớn nhưng hầu như hộ nào cũng có trâu, bò, lợn với tổng đàn trâu bò khoảng 500 con, đàn lợn 800 con, là nguồn thu đáng kể cho đồng bào.
Đoạn đường bê tông được ghi nhận dẫn xuống bến tàu thủy hồ Thác Bà.
Phúc Ninh có diện tích nhỏ nhất và số dân ít nhất thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng ngần ấy năm, Phúc Ninh trù phú xưa nay vẫn chịu tiếng nghèo khó nhất, ít nhà xây nhất, đường đi xấu nhất thì quả là câu chuyện phải bàn. Cùng với trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã được kiên cố hóa, cả xã mới chỉ có 3 hộ xây được nhà.
Theo thống kê của xã thì ở đây không có hộ giàu, hộ khá và trung bình chiếm đa số, theo tiêu chí mới còn 54/263 hộ còn trong diện nghèo. Tỷ lệ này sẽ còn rất cao nếu như mỗi năm xã không nỗ lực để đưa được từ 12 đến 18 hộ ra khỏi diện nghèo trong 5 năm gần đây.
Một cán bộ xã cho biết, cách đây năm sáu năm, Phúc Ninh được coi là xã xa xôi hẻo lánh, mỗi lần anh em ra huyện họp thật vất vả, mà chủ yếu phải đi bằng đường thủy. Cả xã hiện có 2 đoạn đường bê tông nằm ở thôn 1 và thôn 4 với tổng chiều dài khoảng 1.400m nhưng đây chỉ là những đoạn đường dẫn xuống bến tàu thủy.
Đoạn nối tuyến Vĩnh Kiên - Yên Thế (khu vực xã Cảm Nhân) đến trung tâm xã dài 6 km đã được Chương trình 135 đầu tư rải cấp phối, trong đó có 2 km thuộc địa bàn Phúc Ninh như mở ra cơ hội lớn cho địa phương. Thế nhưng sau 5 - 6 năm nó đã xuống cấp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa lưu thông ra vào xã.
Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh - Hứa Văn Dũng cho biết: “Người dân Phúc Ninh chỉ có 6 km từ trung tâm xã ra đến xã Cảm Nhân mà giá bán từ con gà, con lợn, con bò, đến giá gỗ rừng trồng đã chênh lệch rõ ràng với các xã bạn. Ngược lại giá vật tư, phân bón và các hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống lại cao hơn bên ngoài”.
Đoạn tiếp đó là đường dân sinh qua địa bàn xã nhưng được đầu tư của Nhà nước đã mở rộng từ trung tâm xã đi ngược thôn Làng Ven của xã Ngọc Chấn, xuyên tận tới Xuân Long rồi ra tuyến Vĩnh Kiên - Yên Thế vẫn là đường đất. “Trời nắng thì đi, trời mưa thì nghỉ, tôi thấy đo đi đo lại 3-4 lần rồi mà chẳng thấy làm” - ông Hoàng Quảng ở thôn 3 chỉ vào những con số viết trên thân cây bên đường phàn nàn vậy.
Thực tế, tuyến đường này đã mở ra khá lâu và có nền đường khá ổn định, nhưng hệ thống rãnh thoát chưa hoàn chỉnh; chưa kể còn một số điểm có độ dốc cao, đất nhiều sét khi gặp mưa nhỏ rất trơn, đi lại khó khăn.
Cái nghèo khó đã dai dẳng theo người dân Phúc Ninh gần nửa thế kỷ, nhưng giờ đây con đường qua xã lại như tiếp tục níu kéo để họ thua kém những địa phương khác của huyện. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI (2010 - 2015) đề ra mục tiêu: tăng trưởng kinh tế 12%, cơ cấu chuyển dịch theo hướng nông lâm nghiệp (75%) - công nghiệp (10%) - dịch vụ (10%), thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/người/năm. Đảng bộ xác định sẽ phát huy nội lực, tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước và các thành phần kinh tế để phát triển cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, Phúc Ninh sẽ bảo dưỡng, nâng cấp các đường trục liên thôn, cụm dân cư, mở thêm đường vành đai trong địa bàn xã, việc củng cố hệ thống thủy lợi tiếp tục được quan tâm.
Để những tiềm năng và sức lao động của người dân ở đây trở thành nội lực và được phát huy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Bình thì câu chuyện đầu tiên để giải quyết “những cái nhất” ở Phúc Ninh có lẽ vẫn là con đường.
Quang Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ về thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã chủ động mở các lớp học nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho nhân dân và vận động nhân dân tham gia các lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức; phát triển mô hình tổng hợp vườn, ao, chuồng và rừng.
Kết thúc quá trình thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Thanh tra Chính Phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, sai phạm dẫn đến thua lỗ, thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ nhà nước và mắc nợ trên 96.000 tỷ đồng.
Hai cuốn sổ tay cung cấp những thông tin cần thiết trong việc quy hoạch, phát triển nguồn năng lượng điện từ gió.
Trường hợp EVN muốn tăng giá điện trên 5% thì phải báo cáo Bộ Công Thương để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện tối thiểu là ba tháng.