Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải: "Môi trường" phải an toàn bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/8/2011 | 9:22:00 AM

YBĐT - Với sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có nhiều nỗ lực bảo tồn các loài và sinh cảnh sinh trưởng. Vấn đề đặt ra, là làm thế nào để "môi trường" của KBT thực sự an toàn và bền vững?

Gấu đen châu Á trong rừng Chế Tạo.
Gấu đen châu Á trong rừng Chế Tạo.

>>>Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải - điểm đến hấp dẫn / Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải: Cần nỗ lực lớn cùng nguồn lực đầu tư

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (gọi tắt là Khu bảo tồn) là khu bảo tồn (KBT) điển hình của cả khu vực Tây Bắc với tổng diện tích trên 20.290 ha thuộc địa phận 10 xã của 3 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu. Thời gian qua, với sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực bảo tồn các loài và sinh cảnh sinh trưởng. Vấn đề đặt ra, là làm thế nào để "môi trường" của KBT thực sự an toàn và bền vững?

Vẫn nỗi lo "mất an toàn"

Thống kê của Hội đồng bảo vệ rừng (BVR) huyện Mù Cang Chải, địa phương này có 19 bản của 5 xã là: Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt, Lao Chải, Chế Tạo; tỉnh Sơn La có 6 bản của 3 xã là: Nậm Păm, Hua Trai, Ngọc Chiến thuộc huyện Mường La; tỉnh Lai Châu có 8 bản của xã Khoen On và xã Tà Mông thuộc huyện Than Uyên nằm trong ranh giới KBT.

Ba tỉnh có 10 xã nằm trong KBT nhưng có tới 33 xã nằm giáp ranh. Hầu hết người dân sống vùng này là đồng bào dân tộc thiểu số, còn bị ảnh hưởng tập quán canh tác lạc hậu. Tập quán sản xuất lạc hậu và thiếu đất sản xuất lương thực khiến họ vẫn phá rừng lấy đất sản xuất. Đốt nương là nguy cơ lớn nhất đe dọa môi trường và sự an toàn cho KBT.

Nhiều vụ cháy rừng xảy ra vùng giáp ranh KBT được phát hiện nhưng rừng ở các bản thuộc các xã nằm trong KBT vẫn cháy, như ở Sua Lông, xã Nậm Khắt; Trống Sua, xã Dế Xu Phình (Mù Cang Chải); Nộng Bon, xã Hua Trai (Mường La - Sơn La)... Việc giám sát, tuần tra giúp các địa phương phát hiện kịp thời, chỉ đạo chữa cháy, hạn chế được ảnh hưởng tới KBT nhưng các thành viên Hội đồng BVR địa phương không ai dám chắc là lửa sẽ không bùng lên ở rừng thuộc KBT và ngay các xã trong KBT chứ chưa nói xã vùng giáp ranh.

"Môi trường" KBT còn đứng trước nguy cơ mất an toàn bởi tệ săn, bẫy thú rừng, khai thác lâm sản trái phép. Diện tích lớn, trải rộng nhiều địa bàn, địa hình hiểm trở... là khó khăn cho quản lý, giám sát. Cán bộ kiểm lâm phối hợp với các tổ tuần tra rừng bước đầu đã kịp thời lập một số biên bản vi phạm, tang vật gồm: 2 súng săn, 2 cặp bẫy sắt, 12 dao nhọn, 6 cưa xẻ gỗ, 4 búa chặt gỗ... Về căn bản việc săn bẫy thú và khai thác lâm sản giảm nhưng vẫn diễn ra. Mất an toàn cho KBT có khi xuất phát từ việc không liên quan gì tới nhận thức, trình độ, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Ví như việc quyết định đầu tư xây dựng công trình thủy lợi vào trong KBT.

Mới đây, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh điển hình vùng Tây Bắc Việt Nam đã đứng trước việc không tự bảo vệ được mình nếu ngành chức năng không lên tiếng, chính quyền địa phương không cương quyết - đó là việc đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi ở bản Hua Đán, xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, nơi nằm trong diện tích đã khoanh vùng bảo vệ.

Củng cố "vành đai" bảo vệ từ gốc

Những người dân ở vùng cao là người bảo vệ tốt nhất - FFI, ngành kiểm lâm, Hội đồng bảo vệ rừng Mù Cang Chải thấy rõ điều này và vành đai bảo vệ tại gốc lập nên từ các xã trong KBT. Từ năm 2007 - 2008, khu vực bảo vệ nghiêm ngặt gồm bản Nả Háng, Sua Lông, Nả Khắt (xã Nậm Khắt); bản Kể Cả, Tà Sung (xã Chế Tạo), Hoa Đán (xã Khoen On, tỉnh Lai Châu) và bản Chống Khua (xã Lao Chải) đã thành lập tổ tuần tra. Năm 2009, thành lập thêm 2 tổ tuần tra và giám sát sinh học hoạt động các xã vùng ngoài. Lực lượng kiểm lâm tăng cường cán bộ địa bàn, trực tiếp tham mưu giúp chính quyền xã chỉ đạo các bản tổ chức tuần tra, giám sát bảo vệ.

Việc tuyên truyền về pháp luật bảo vệ rừng gắn với vai trò, ý nghĩa của bảo vệ KBT được chú trọng, nhận thức của người dân và cán bộ cơ sở được nâng lên. Các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước cũng giúp bà con có điều kiện thuận lợi hơn cải thiện đời sống, từ đó góp phần làm giảm số vụ xâm phạm rừng. Tuy nhiên, việc củng cố "vành đai" bảo vệ tại gốc đang trở nên cấp thiết hơn do những hạn chế bộc lộ trong quá trình tổ chức thực hiện. Rừng trong KBT rộng mênh mông nhưng lực lượng tuần tra rất mỏng.

Thời điểm năm 2010 chỉ có 3 tổ với 14 thành viên, khu vực trọng điểm Chế Tạo chỉ có 2 tổ 10 thành viên, 4 xã vùng đệm chỉ có 4 người. Thành viên tổ tuần tra đa số trình độ văn hoá thấp, nhiều người không biết chữ nên xử lý vi phạm rất khó khăn, một số tổ viên khi tới phiên còn nhờ người nhà đi tuần tra, kiểm tra thay. Kiến nghị của Hội đồng BVR các xã trong KBT là tăng cường thêm cho họ cán bộ có trình độ, ít nhất là trình độ trung cấp; thành lập thêm tổ tuần tra để bảo đảm tuần tra đủ diện và trọng điểm. Các tuần tra viên cũng nói cần thêm trang bị, dụng cụ, phương tiện, tối thiểu nhất là túi ngủ, võng ngủ, bạt lều phục vụ tuần tra ở những nơi hiểm trở, qua đêm và kiến nghị trực tiếp hơn là tăng tiền lương cho các tổ tuần tra.

Củng cố "vành đai" tại gốc không chỉ có việc tập trung củng cố các tổ tuần tra và tăng cường các điều kiện cần có cho họ, giải pháp lớn là tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở địa phương; đầu tư truyền thông trực tiếp tới người dân trong và vùng đệm của KBT để cộng đồng chung tay, góp sức tạo "môi trường" an toàn, bền vững cho các loài và sinh cảnh quý trên chính quê hương mình.

Tuấn Anh

Các tin khác
Nhiều mẫu xe sang, siêu xe về Việt Nam dưới dạng xe đã qua sử dụng.

Kể từ hôm nay, 15/8, thuế nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ ngồi đã qua sử dụng có dung tích xilanh từ 1.500cc trở lên sẽ phải chịu thuế nhập khẩu hỗn hợp gồm thuế tính theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đang từ từ giảm dần.

Không cần sự thúc ép từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đang từ từ giảm dần. Nguyên nhân là do vốn huy động được đang “ứ” vì lãi suất quá cao.

Người dân xã Sơn A tích cực phát triển rau màu vụ ba, nâng cao thu nhập trên mỗi diện tích canh tác. (Ảnh: Ngọc Tú)

YBĐT - Thực hiện chức năng quyết định, Hội đồng nhân dân xã Sơn A (Văn Chấn) đã bám sát và cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ xã để xây dựng, ban hành nghị quyết về các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Các nghị quyết HĐND xã ban hành đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao.

Ảnh minh họa.

YBĐT - Chỉ tính riêng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã có tới 40% người dân bỏ chuồng, điều này được thể hiện qua lượng tinh cung ứng và phối giống cho lợn nái so với thời điểm quý I/2010 giảm 39%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục