Văn Chấn: Chăn nuôi thủy sản trở thành ngành kinh tế mạnh
- Cập nhật: Thứ năm, 18/8/2011 | 8:55:08 AM
YBĐT - Trong một vài năm trở lại đây đời sống nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao huyện Văn Chấn (Yên Bái) có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vùng quê đã trở nên trù phú tươi đẹp hơn.
Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đang phát huy hiệu quả.
|
Để có được những thành tựu đó, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của người dân còn có sự đóng góp không nhỏ từ ngành chăn nuôi thuỷ sản.
Những năm trước đây nói đến Văn Chấn là nói đến lúa, chè, cam, quýt và nhãn nhưng hôm nay phải nói thêm đến chăn nuôi thủy sản, bởi chăn nuôi thủy đặc sản đang trở thành một nghề, một ngành kinh tế có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nhiều gia đình ở thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Cát Thịnh, Nghĩa Tâm có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, xây dựng được nhà cửa khang trang cũng là nhờ chăn nuôi thủy đặc sản.
Văn Chấn giờ đây là “thủ phủ” của nghề nuôi ba ba mới được du nhập vào từ năm 1993 với 8 hội viên tham gia nuôi ban đầu. Nếu như năm 2009 mới có 353 hộ nuôi với diện tích ao nuôi là 4,2 ha thì đến nay đã tăng gấp đôi từ số hộ nuôi lẫn diện tích được trải đều ở 14 xã và thị trấn, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng.
Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển nuôi trồng thủy sản - thủy đặc sản đã có 29 hộ được hỗ trợ theo chương trình, trong đó có 4 hộ nuôi ba ba thương phẩm với quy mô 200 con trở lên trên 200 m2 ao/hộ và 25 hộ nuôi ba ba sinh sản với quy mô 10 cặp ba ba bố mẹ trở lên trên diện tích trên 100 m2 ao/hộ.
Theo các hộ chăn nuôi thì nuôi ba ba không khó nhưng đòi hỏi kỹ thuật chăn nuôi nghiêm ngặt, đặc biệt là phải có nguồn nước sạch và một vấn đề khá quan trọng là vốn đầu tư lớn hơn các loại vật nuôi khác nhưng bù lại là hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hộ gia đình nuôi ba ba với quy mô lớn và hiệu quả kinh tế cao với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như hộ gia đình ông: Nguyễn Hoành Cường, Nguyễn Mạnh Hùng ở thị trấn Nông trường Trần Phú, ông Nguyễn Tiến Sỹ ở xã Cát Thịnh. Hiện chưa có một thống kê chính xác nào, nhưng theo tính toán của các xã thì có trên 152 hộ nuôi ba ba có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm (thị trấn Nông trường Trần Phú 110 hộ, xã Cát Thịnh 40 hộ, Nghĩa Tâm 2 hộ); 37 hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Một trong những vấn đề mấu chốt mà nghề nuôi ba ba ở Văn Chấn phát triển mạnh là những hộ chăn nuôi đã biết liên kết và thành lập thành chi hội nuôi ba ba để giúp nhau về kinh tế, kỹ thuật chăn nuôi, con giống và bao tiêu sản phẩm.
Không chỉ phát triển mạnh nghề nuôi ba ba mà phong trào nuôi cá ao, cá ruộng cũng phát triển khá mạnh, đóng góp quan trọng vào xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Với lợi thế về đồng ruộng và nguồn nước cùng với khí hậu nên hàng năm, nhân dân vùng Mường Lò đưa vào nuôi trồng trên 554 ha cá ruộng (vụ mùa 234 ha, vụ đông 320 ha). Nuôi cá ruộng vốn đầu tư ít, kỹ thuật đơn giản phù hợp với người dân trong vùng nhưng lại cho hiệu quả kinh tế khá cao, năng suất bình quân đạt 200 kg cá/ha, nếu đầu tư thâm canh tốt có thể đạt 300 kg/ha. Như vậy bình quân mỗi năm từ nuôi cá ruộng, nông dân Văn Chấn cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn cá.
Nói về lợi ích từ nuôi cá ruộng ông Hoàng Dũng - Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Nuôi cá ruộng đem lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, dễ làm không tốn nhiều công sức, với phương thức này người dân không chỉ nuôi trên diện tích ruộng 2 vụ lúa mà còn nuôi cá vụ đông vẫn cho hiệu quả. Như vậy, nếu biết khai thác triệt để trên một diện tích canh tác thì người nông dân thu được 2 sản phẩm trên cùng một diện tích là cá và lúa”.
Bên cạnh đó, Văn Chấn còn sử dụng và đưa vào nuôi trồng trên 200 ha ao hồ tự nhiên và ao trong dân với hình thức nuôi quảng canh và một ít diện tích nuôi bán thâm canh, sản lượng hàng năm đạt trên 300 tấn cá. Mặc dù chăn nuôi thủy sản đã và đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nhân dân nhưng vẫn còn những hạn chế cần tháo gỡ. Đó là quy mô diện tích chăn nuôi mới ở các hộ gia đình và rất nhỏ lẻ; nguồn nước sạch để chăn nuôi thủy đặc sản vẫn chưa chủ động được nên rất khó phát triển theo quy mô lớn gắn hàng hóa với thị trường. Công tác quản lý giống trên địa bàn vẫn còn lỏng lẻo do đó chất lượng con giống đưa vào nuôi trồng chưa tốt và nguy cơ mất an toàn dịch bệnh...
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh của mình, từng bước giải quyết tốt những tồn tại này, chắc chắn ngành chăn nuôi thủy sản ở Văn Chấn sẽ phát triển mạnh mẽ, nhất là nuôi ba ba để trở thành ngành kinh tế chủ lực.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Nhiều sản phẩm chưa đảm bảo các yêu cầu VSATTP, tất cả các chi phí đầu vào tăng mạnh, giá thành sản phẩm tăng cao hơn tốc độ tăng giá xuất khẩu…
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tổng kinh phí chương trình khuyến nông trung ương giai đoạn 2011-2015 dự kiến là 1.423,29 tỷ đồng.
Nhập siêu trong 7 tháng đầu năm nay khoảng 5,41 tỷ USD, giảm đáng kể so với khoảng 6,44 tỷ USD nhập siêu trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhập siêu từ Trung Quốc vẫn đứng ở mức cao gấp 1,4 lần nhập siêu cả nước.
Để thực hiện mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng 17%, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp.