Thống đốc NHNN: Kiên quyết ổn định thị trường vàng
- Cập nhật: Thứ ba, 23/8/2011 | 2:06:54 PM
Tại buổi giao ban báo chí thường kỳ của Bộ Thông tin Truyền thông sáng nay (23/8), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định cơ quan này đã và đang triển khai các biện pháp nhằm kiên quyết ổn định thị trường vàng trong nước.
Nghị định mới sẽ tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng thị trường tự do.
|
Dự kiến, tháng 9 tới, cơ quan này sẽ trình Chính phủ Ban hành Nghị định mới về vàng, thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP.
Xóa bỏ vàng miếng trên thị trường tự do
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sau thời gian lấy ý kiến các cơ quan liên quan, đến nay Dự thảo Nghị định này đã được hoàn tất để có thể đệ trình lên Chính phủ xem xét ban hành.
Theo đó, về sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép sản xuất vàng miếng. Về nguyên tắc, đây là hoạt động hạn chế kinh doanh và cần được quản lý chặt chẽ. Do đó, tùy thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng nhưng sẽ rất hạn chế.
Đối với lưu thông vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vàng được thực hiện mua bán vàng miếng với tổ chức, cá nhân nhằm thu hẹp đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi đối với việc quản lý hoạt động mua bán này.
Về xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Trong lĩnh vực sản xuất, gia công vàng trang sức và mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Riêng hoạt động gia công nhỏ lẻ của cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã không cần xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mà được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Về mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ một số điều kiện theo quy định tại Nghị định nhưng không cần xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Ngoài ra, phải xây dựng cơ chế phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành chủ yếu về việc quản lý chất lượng và kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, do Việt Nam là một nước tiêu thụ vàng, không có mỏ khai thác lớn nên không thể có nhiều vàng để bán ra can thiệp. Số vàng hiện nay trên thị trường trong nước chủ yếu là nhập khẩu, nên nhiệm vụ trước mắt là điều hành làm sao để giá trong nước hài hòa với thế giới ở mức độ cho phép. Nếu mức giá trong nước chênh lệch quá cao sẽ dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm giá.
“Kinh nghiệm cho thấy nếu giá trong nước cao hơn thế giới trên 400.000 đồng là không ổn. Dưới mức này thì chấp nhận được. Do vậy, nếu bình ổn giá vàng tránh đầu cơ, sẽ giữ giá trong nước cao hơn thế giới không quá 400.000 đồng,” Thống đốc khẳng định.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, không có chuyện thua lỗ trong đợt nhập vàng vừa qua. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ cho nhập khi thấy xu hướng còn lên. Trong số 5 tấn vàng cho phép nhập, hiện các doanh nghiệp đã nhập về được khoảng 3 tấn. Trong khi đó, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, lượng vàng trong dân hiện có khoảng 300-500 tấn.
Không nên kéo dài điệp khúc "sốt-cấp quota"
Trong khi người đứng đầu ngân hàng trung ương đưa ra những tuyên bố chính thức về giải pháp cho thị trường vàng, nhiều chuyên gia lại có ý kiến cho rằng không nên cứ kéo dài mãi điệp khúc: Cứ sốt là lại cấp quota nhập khẩu!
Theo các chuyên gia, không phải là nước sản xuất vàng, Việt Nam không thể chi phối và kiểm soát giá vàng thế giới. Sự “đỏng đảnh vô thường” của giá vàng thế giới luôn là yếu tố dẫn dắt, kéo theo sự lệch pha ngoài dự kiến so với giá trong nước.
"Nhưng để giá vàng trong nước liên tục cao hơn giá vàng thế giới tới cả hơn triệu đồng/lượng như hiện nay thì các cơ quan quản lý cần phải tính toán lại," một chuyên gia nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cũng cho hay: "Điều quan trọng lúc này là phải làm sao để thị trường vàng thế giới và thị trường trong nước thông suốt với nhau. Nghĩa là giá cả phải ngang bằng nhau hoặc nếu chênh lệch thì không đáng kể. Chứ nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới nhiều sẽ dẫn tới nhập lậu vàng, tình trạng đầu cơ sẽ xuất hiện.
Đến lúc này, những người đầu cơ sẽ gom USD từ thị trường chợ đen để mua vàng ở nước ngoài về. Hoặc ngược lại, giá vàng thế giới cao hơn giá vàng trong nước sẽ dẫn tới xuất lậu. Mà gom nhiều USD sẽ đẩy tỷ giá lên cao gây bất ổn đến tình hình ngoại hối và tác động tới lạm phát".
Vậy, làm thế nào để kéo giá vàng trong nước xuống ngang bằng với giá thế giới? Thực tế, sự chênh lệch giữa giá mua, bán vàng trên thị trường và chênh lệch giá trong nước với giá quốc tế lớn như hiện nay khiến các đơn vị kinh doanh vàng có nhiều cơ hội gây áp lực lên cơ quan quản lý cho nhập vàng. Nhưng hoạt động nhập khẩu vàng của các đơn vị kinh doanh vàng sẽ tiếp tục bào mòn ngoại tệ của đất nước, dù rằng 3 tháng qua họ đã ròng rã "vét" hàng chục tấn vàng xuất khẩu, trị giá 1,23 tỷ USD.
Có ý kiến cho rằng, việc cấp quota cho các doanh nghiệp tự nhập vàng về chỉ có thể chữa "cháy" thay cho thị trường giống như năm 2009 và năm 2010 Ngân hàng Nhà nước từng làm. Do đó, thay vì cấp quota cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước nên đứng ra can thiệp bằng cách nhập vàng vào, sau đó cung ứng ra thị trường thì hiệu quả mới nhanh.
Thực tế cho thấy, khi được cấp quota rồi, không phải doanh nghiệp nào cũng nhập vàng về ngay mà họ phải chờ thời điểm thích hợp, tính toán thiệt-hơn. Nhưng nếu thị trường tiếp tục nóng, doanh nghiệp lại đổ cho Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép không kịp thời.
Ông Trần Trọng Quốc Khanh-Giám đốc Trung tâm vàng của Ngân hàng Á châu (ACB) cho rằng, với quyền năng và công cụ sẵn có, Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ nguồn lực để thực hiện việc “giữ vàng dài hạn” tốt hơn nhiều so với người dân. Thay vì dùng biện pháp hành chính quản lý xuất khẩu vàng như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có thể tổ chức việc thu mua vàng trong nước (hoặc thông qua một số đơn vị đầu mối) theo giá thế giới quy đổi.
Theo ông Khanh, giải pháp này sẽ đạt ít nhất 4 mục tiêu: Bổ sung vàng trong dự trữ quốc gia để tăng vị thế và sức mạnh can thiệp của Ngân hàng Nhà nước; duy trì được số vàng dự trữ trong nước, không giảm vì xuất khẩu; tạo niềm tin cho dân khi Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng điều tiết hỗ trợ thị trường; thúc đẩy sự canh tranh bình đẳng về giá để bảo vệ quyền lợi người dân.
Các doanh nghiệp muốn mua được vàng của dân, buộc phải nâng giá lên theo sát giá thế giới hoặc bằng giá chào mua của Ngân hàng Nhà nước, nhờ đó triệt tiêu động cơ xuất khẩu vàng.
Tuy nhiên, theo ông Khanh, trong ngắn hạn, có lẽ giải pháp mua vàng này vẫn để ngỏ. Dù dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng có nêu điều khoản “bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối Nhà nước”, nhưng từ lúc hoàn thiện và ban hành nghị định mới cho đến khi ra thông tư hướng dẫn sẽ còn phải mất nhiều thời gian. Hơn nữa, hiện nay giá vàng đang đứng ở mức cao, sẽ có nhiều băn khoăn liệu nên mua vàng ở mức giá nào và với số lượng bao nhiêu, dẫu rằng số vàng nắm giữ trong dự trữ quốc gia của Nhà nước vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
Theo những gì đã lặp đi lặp lại ở trận “bão” vàng hôm 8-9/8 vừa qua, đoạn kết của kịch bản này thường là Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, rồi giá vàng trong nước rớt nhanh, về sát hơn giá thế giới. Đến hôm nay (23/8), hạn ngạch nhập 5 tấn vàng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho một số đầu mối vẫn còn hiệu lực, nhưng dường như số vàng cho nhập này chưa đủ sức “giải khát” cho thị trường trong nước.
Tuy nhiên, không lẽ nhà điều hành chưa tìm thấy phương thức hữu hiệu nào khác ngoài điệp khúc “sốt - cấp quota” đã cũ kỹ và đầy bất an với thị trường tài chính?
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Nghị định số 51/CP của Chính phủ và Thông tư số 153 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, kể từ ngày 1/4/2011, tất cả các loại hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành không còn giá trị sử dụng, thay vào đó, các doanh nghiệp có quyền lựa chọn việc tự in hoặc đặt in hóa đơn.
YBĐT - Có dịp trở lại Cao Phạ - xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, trước mắt chúng tôi là màu xanh của lúa, ngô và của rừng. Xa xa có những con đường mới mở vươn dài về tới các bản làng có những mái nhà được lợp ngói prô xi măng sáng trắng. Thấp thoáng trong nắng vàng là nét hoa văn đẹp mắt trên váy áo của người phụ nữ Mông lên nương, tiếng hát của trẻ thơ vang vọng từ những mái trường thân yêu đã cho chúng tôi cảm nhận về cuộc sống no ấm ở nơi vùng cao này.
Ngày 22/8, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á tăng hơn 1%, trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ xô vào vàng, coi vàng như một nơi trú ẩn an toàn trước mối lo ngại về suy thoái kinh tế tại Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
YBĐT - Ngày 22/8, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng chống lụt bão năm 2011 và triển khai nhiệm vụ phòng chống lụt bão trong thời gian tới. >>>Phòng chống bão lũ: Chủ động, kịp thời