Kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống Ngành Giao thông Vận tải (28/8/1945 - 28/8/2011):

Yên Bái: Tiếp tục đổi mới xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/8/2011 | 9:15:53 AM

YBĐT - Đến nay, Yên Bái đã có mạng lưới giao thông đường bộ rộng khắp với 6.703 km, trong đó có 4 tuyến quốc lộ với tổng số 377 km, 15 tuyến tỉnh lộ với tổng số 424 km, 5.694 km đường giao thông nông thôn - miền núi.

Đường Nguyễn Tất Thành (T.P Yên Bái) được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại. (Ảnh:  Quang Thiều)
Đường Nguyễn Tất Thành (T.P Yên Bái) được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại. (Ảnh: Quang Thiều)

Cách đây 66 năm, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông công chính, người căn dặn: “Giao thông là mạch máu của mọi việc. Giao thông tắc thì việc gì cũng khó. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng”. Thấm nhuần lời Bác dạy, trong suốt chặng đường 66 năm qua, đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ngành giao thông vận tải (GTVT) qua mọi thời kỳ cách mạng luôn dũng cảm, kiên cường, lao động sáng tạo phát triển và đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và  xây dựng  đất nước.

Cùng với người thợ giao thông cả nước, ngay từ những ngày mới thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và tiếp nối truyền thống anh hùng của thế hệ cha ông, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động ngành GTVT Yên Bái đã lập nên nhiều chiến công. Trong những năm chiến tranh dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, với khẩu hiệu: “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, người thợ giao thông Yên Bái không chỉ xây dựng, quản lý các công trình giao thông mà đã bám đường, bám cầu, bám phà... để bảo vệ công trình mình xây dựng, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ chiến đấu và sản xuất.

Những công trình gắn liền với những chiến công đã góp phần vào thành tích chung của toàn ngành và trở thành những địa danh lịch sử như: bến phà Âu Lâu, Trái Hút, đèo Lũng Lô, Ba Khe ... Những tấm gương dũng cảm, không tiếc máu xương bảo vệ đường, cầu của người thợ giao thông Yên Bái đã viết nên trang sử phát triển vẻ vang của ngành.

Đất nước bước vào thời kỳ xây dựng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, dưới sự chỉ đạo của  Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ GTVT; sự phối hợp có hiệu quả của các ban, ngành   và các địa phương; sự ủng hộ nhiệt tình có hiệu quả của nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành, mạng lưới giao thông trên địa bàn Yên Bái phát triển nhanh hơn bao giờ hết. Đến nay, Yên Bái đã có mạng lưới giao thông đường bộ rộng khắp với 6.703 km, trong đó có 4 tuyến quốc lộ với tổng số 377 km, 15 tuyến tỉnh lộ với tổng số 424 km, 5.694 km đường giao thông nông thôn - miền núi.

Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, thông qua nhiều nguồn vốn, với tổng giá trị đầu tư trên 4 nghìn tỷ đồng,  mạng lưới giao thông đường bộ Yên Bái đã từng bước được nâng cấp, cải tạo cơ bản như: quốc lộ 37 dài 100 km, quốc lộ 32 dài 128 km...  11 tuyến tỉnh lộ như: Yên Bái - Khe Sang, Mậu A - Tân Nguyên, Yên Thế - Vĩnh Kiên... được đầu tư xây dựng và nâng cấp đưa vào khai thác hiệu quả.

Hệ thống đường đô thị ở 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh được đầu tư xây dựng như đường Trung tâm Km 5 - Trung tâm thị trấn Yên Bình góp phần quan trọng vào qui hoạch thành phố và các thị tứ, thị trấn tạo tiền đề cho kinh tế đô thị và khu vực phát triển. Hơn thế, nhiều cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Chảy như: Thác Ông, Văn Phú, Mậu A, Trái Hút... được xây dựng.

Cùng đường bộ, tuyến đường sắt dài 83 km, 115 km đường sông và 190 km2 hồ Thác Bà đã tạo cho Yên Bái mạng lưới giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt liên kết từ đông sang tây thuận tiện cho quá trình đi lại, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.  

Cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, việc đảm bảo giao thông dù gặp nhiều khó khăn nhất là  những năm gần đây do lưu lượng vận tải lớn, xe quá tải nhiều, kinh phí đầu tư  sửa chữa thấp; hạ tầng giao thông chịu tác động của thiên tai, bão lũ... nhưng với truyền thống đã có, cùng sự chủ động, sáng tạo, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ngành GTVT đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm với những giải pháp hữu hiệu nhất nhanh chóng khắc phục khó khăn đảm bảo các tuyến đường luôn thông suốt và thông xe trong thời gian nhanh nhất khi bị ách tắc do bão lũ.

Mạng lưới giao thông từng bước được hoàn thiện, các hoạt động khác như: vận tải, đăng kiểm, quản lý phương tiện, đào tạo cấp giấy phép lái xe.... cũng được duy trì hiệu quả. Đến nay, các tuyến vận tải đã vươn tới vùng sâu, vùng xa của tỉnh với các phương tiện ngày càng hiện đại, an toàn.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đỗ Văn Dự (người thứ nhất từ phải sang) tham gia đổ mẻ bê tông cuối cùng công trình cầu Trái Hút (Văn Yên).  (Ảnh: Quang Thiều)

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, công nhân lao động giao thông Yên Bái đã lớn mạnh về mọi mặt: trình độ lý luận nhận thức, trình độ quản lý, trình độ khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nhiều đồng chí cán bộ trưởng thành từ ngành đã và đang giữ trọng trách, cương vị khác nhau trong cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Với những thành tích trong 66 năm qua, ngành GTVT Yên Bái đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận với 1 tập thể được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều tập thể, cá nhân được tặng huân chương, bằng khen, cờ thi đua của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và UBND tỉnh.

Trong giai đoạn hiện nay, trước những đòi hỏi trước mắt cũng như lâu dài nhằm thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ GTVT giao, ngành GTVT Yên Bái tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức mới để phấn đấu vươn lên về mọi mặt. Trong đó, trước mắt quan tâm đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương quản lý, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, phát triển giao thông vận tải trên địa bàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực phụ trách, ngành tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công việc. Tăng cường tham mưu về cơ chế, chính sách để vận động thu hút các nguồn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng GTVT. Củng cố, tổ chức lại lực lượng, tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, giữ vững, mở rộng thị trường. Hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và quản lý mạng lưới giao thông hiện có, quan tâm đầu tư mạng lưới giao thông đô thị, phát triển vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đầu tư trọng điểm, chỉ đạo các đơn vị quản lý thực hiện tốt công tác quản lý, sửa chữa đường bộ, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, công tác quản lý và giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm .

Phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai các công trình giao thông nông thôn... để lĩnh vực GTVT phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương và khu vực, xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi Tây Bắc.

Đỗ Văn Dự  - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải

Các tin khác
Kiểm tra sổ kế toán của hộ kinh doanh tại thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên).

YBĐT - Ngày 16/5/2011, Bộ Tài chính có Công văn số 6273/BTC-TCT về việc hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng (GTGT) sản phẩm đá vôi trắng dạng hạt và dạng bột khi xuất khẩu.

YBĐT - Ngày 1/7/2011, Tổng cục Thuế vừa ra Quyết định số 905/QĐ-TCT về việc ban hành Qui trình hoàn thuế. Qui trình này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Qui trình hoàn thuế số 1458/QĐ-TCT ngày 14/10/2009 của Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy trình hoàn thuế.

Từ tháng 8 đến hết tháng 12/2011, cá nhân không có người phụ thuộc thu nhập từ 4 - 9 triệu đồng/tháng tạm chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Bộ Tài chính vừa có văn bản 10790/BTC-CST gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai việc thực hiện miễn giảm thuế thu nhập cá nhân.

Ôtô công bị sử dụng vào mục đích cá nhân có thể bị phạt từ 5 triệu đồng tới 15 triệu đồng. Khung phạt này áp dụng đối với xe công có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục