Điện yếu, máy ngừng
- Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2011 | 3:01:31 PM
YBĐT - Nguyên nhân của tình trạng điện áp thấp là do nguồn điện của Yên Bái được mua về từ Trung Quốc, qua các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang có đường dây truyền tải quá nhỏ, chỉ là 110 KV được xây dựng để cấp điện từ Hà Nội lên cho Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Giang, nay dùng để truyền tải điện ngược lại.
Các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi điện yếu.
|
Theo thống kê của Phòng Kế hoạch sản xuất Công ty Liên doanh YBB, 7 tháng đầu năm 2011 nhà máy nghiềm của liên doanh này đã có tới 1.665 giờ ngừng sản xuất, trong đó có đến 740 giờ ngừng sản xuất bởi lý do điện áp thấp. Điện áp thấp cũng là lý do cơ bản khiến Công ty YBB tụt giảm kế hoạch sản xuất tới 14% so với kế hoạch, tương đương với 1.058 tấn sản phẩm các loại.
Năm 2011, tình trạng mất điện luân phiên không còn khiến nhiều người có cảm giác “vấn đề” điện năng đã được giải quyết. Đối với lĩnh vực điện cho sinh hoạt sự bức xúc của xã hội gần như không có vì trời nóng vẫn có quạt, có điều hòa, tủ lạnh; tối đến vẫn có bóng điện thắp sáng. Riêng với lĩnh vực sản xuất, nhất là với những nhà máy, xí nghiệp sản xuất quy mô lớn thì tình hình lại không khả quan đến vậy.
Ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Nhà máy nghiền thuộc Công ty Liên doanh Cacbonnat Canxi YBB khá bức xúc khi trao đổi về vấn đề điện cho sản xuất: “Thà rằng thi thoảng một ngày mất điện để chúng tôi cho công nhân bảo dưỡng máy hoặc nghỉ việc luôn còn hơn là ngày nào cũng có nhưng điện lại rất yếu, máy không thể chạy”. Bên những cỗ máy lớn, trong phân xưởng nghiền tinh, từng tốp thợ trong trang phục bảo hộ chỉnh tề ngao ngán đợi điện… khỏe để làm việc. Máy không chạy là không có sản phẩm, là kém đồng lương, bao nhiêu cái khó đang đổ lên đầu doanh nghiệp, trong đó đời sống người thợ bị ảnh hưởng nhất.
Năm 2011, mặc dù đã lường trước khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng Công ty Liên doanh YBB vẫn mạnh dạn xây dựng kế hoạch sản xuất 174,6 nghìn tấn sản phẩm, doanh thu 136,68 tỷ đồng (trong đó doanh thu xuất khẩu 90,5 tỷ đồng, nội tiêu 46,1 tỷ đồng) và nộp ngân sách 25 tỷ đồng. Mọi giải pháp đã được áp dụng để khắc phục khó khăn, hạn chế tối đa tác động của khủng hoảng kinh tế nhưng không phải cái gì cũng lường trước được, cái nào cũng có thể khắc phục hết được và chất lượng điện năng là một thí dụ.
Quá trình sản xuất kinh doanh ở đâu và lúc nào cũng vậy, tiêu thụ là một trong những khâu quan trọng bậc nhất; trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thì việc sản xuất, kinh doanh nói chung và tiêu thụ sản phẩm nói riêng càng khó khăn hơn. Việc giữ khách hàng bằng mọi giá luôn là nhiệm vụ cốt tử, vậy mà Công ty YBB luôn trong tình trạng bị khách “kêu ca” khi không giao đủ hàng, đúng hẹn theo hợp đồng đã ký kết. Điều đáng lo hơn cả là ngành nghề chế biến đá trắng như YBB đều sử dụng những máy móc thiết bị công suất lớn nên việc đầu tư máy phát để tạo nguồn điện riêng rất tốn kém và giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy lên rất cao, khách hàng không thể chấp nhận. Ở các công ty, các nhà máy khác như Yên Hà, Mông Sơn… chắc chắn cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Tìm hiểu vấn đề điện áp thấp, gây ảnh hưởng đến sản xuất, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Phạm Duy Khương - Phó giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái, được biết: “Vấn đề điện áp thấp chắc chắn sẽ còn diễn ra và việc khắc phục nằm quá xa tầm tay của một tỉnh, một ngành”. Nguyên nhân của tình trạng điện áp thấp là do nguồn điện của Yên Bái được mua về từ Trung Quốc, qua các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Ngay tại cửa khẩu (tức đầu nguồn của ta) đã là cuối nguồn của nước bạn; mặc dù vậy mấu chốt ở đây là đường dây truyền tải quá nhỏ, chỉ là 110 KV được xây dựng để cấp điện từ Hà Nội lên cho Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Giang, nay dùng để truyền tải điện ngược lại.
Về lý thuyết, Yên Bái ở cuối nguồn nên điện áp phải yếu nhất. Trong khi hệ thống đường dây truyền tải nhỏ như vậy thì sự tăng trưởng phụ tải (tức tăng trưởng sản lượng điện tiêu thụ) lại đang ở tốc độ chóng mặt. Mỗi năm, sản lượng điện của Yên Bái tăng không dưới 20%, riêng Công ty YBB đã có sản lượng bằng cả một vùng dân cư rộng lớn, những nhà máy như xi măng Yên Bình thì sản lượng điện lớn hơn cả thành phố Yên Bái cộng lại. Trong khả năng có thể, Điện lực Yên Bái đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật để khắc phục tình trạng điện áp thấp như: điều chỉnh điện áp của máy biến áp 110 Yên Bái; mắc bổ sung các bộ tụ bù nhằm nâng cao điện áp và điều chỉnh lại các nấc phân áp tại các trạm biến áp phân phối...
Tuy nhiên hiệu quả mang lại không cao, điện áp vào các giờ cao điểm vẫn rất thấp. Về lâu dài phải có được nguồn điện bổ sung hay ít nhất là nâng cấp hệ thống truyền tải từ Hà Giang về Yên Bái thì tình trạng thiếu điện mới được khắc phục… Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và khó khăn về tài chính như hiện nay thì những giải pháp nói trên chưa biết bao giờ mới được thực hiện. Chỉ tính riêng việc xây dựng đường dây 220 hoặc 500 KV sẽ tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, ngay cả khi có vốn để đầu tư một đường dây truyền tải mới thì thời gian thi công nhanh nhất cũng phải vài năm.
Đứng trước tình trạng này, doanh nghiệp chỉ còn cách là phải tự cứu lấy mình bằng việc xây dựng phương án sản xuất cho phù hợp, tránh sản xuất vào các giờ cao điểm, không sử dụng những thiết bị quá nhạy cảm, đầu tư máy phát điện để chủ động nguồn…
Bên cạnh đó, ngành điện cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao hơn nữa ý thức tiết kiệm điện vì trên thực tế việc sử dụng điện trong sinh hoạt còn rất lãng phí. So với điện dùng cho sinh hoạt thì điện cho sản xuất luôn được ưu tiên hơn, nếu điện cho sản xuất quá thiếu và yếu thì việc cắt tiết giảm luân phiên sẽ được áp dụng.
Lê Phiên
Các tin khác
Sáng nay (7/9) tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp mở rộng với tất cả các tổ chức tín dụng, đại diện các hiệp hội trong ngành để bàn triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2011.
Giá vàng trong nước sáng 7-9 đã giảm 300.000 đồng/lượng do giá vàng thế giới giảm gần 30 USD trong phiên giao dịch đêm qua tại thị trường Mỹ. Vàng SJC mua vào sáng nay ở mức 47 triệu đồng/lượng, bán ra 47,3 triệu đồng/lượng.
Bộ GTVT vừa chọn thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) theo phương án 2 (thu trực tiếp từ đầu ôtô, thu gián tiếp qua giá xăng…) là phương án chính để gửi văn bản tới các bộ ngành lấy ý kiến về dự thảo nghị định quỹ BTĐB…
Trong 60,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt được trong 8 tháng qua, yếu tố giá tăng đã đóng góp gần 4 tỷ USD.