Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh
- Cập nhật: Thứ năm, 8/9/2011 | 8:13:14 AM
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2011 - 2012 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố xếp Việt Nam ở vị trí thứ 65 trên tổng số 142 quốc gia được khảo sát, rớt 6 bậc so với năm ngoái.
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam không còn được đánh giá cao như năm 2010.
|
Để mất điểm ở 10 trong số 12 chỉ báo được Diễn đàn Kinh tế thế giới xem xét, Việt Nam chỉ dành được tiến bộ rõ rệt duy nhất về môi trường kinh tế vĩ mô (xếp thứ 65, tiến 20 bậc so với xếp hạng năm ngoái).
WEF tỏ ra bi quan hơn cả về tình trạng lạm phát, đang tăng với tốc độ hai con số ở Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao (6% trong năm 2010), cơ sở hạ tầng không bắt kịp đòi hỏi của nền kinh tế tiếp tục là quan ngại lớn của các chuyên gia dành cho Việt Nam (giao thông đường bộ xếp thứ 123, cảng xếp thứ 111). Chất lượng giáo dục, tuy có những tiến bộ đáng kể so với năm ngoái nhưng vẫn chỉ được xếp ở nhóm trung bình thấp.
Thủ tục hành chính tiếp tục là rào cản lớn đối với nhà đầu tư khi thâm nhập thị trường Việt Nam khi họ trung bình phải trải mất 44 ngày và trải qua 9 thủ tục để có giấy phép kinh doanh. Ở hai chỉ tiêu này, Việt Nam bị xếp hạng lần lượt là 119 và 94.
WEF cũng khuyến cáo Việt Nam cũng cần phải cải thiện một loạt điểm yếu khác như quyền sở hữu trí tuệ (xếp thứ 127) hay khả năng phòng chống tham nhũng… để có được xếp hạng cao hơn trong những năm tới.
Theo số liệu được WEF công bố, dân số Việt Nam tính đến cuối năm 2010 đạt khoảng 89 triệu người và có tổng thu nhập quốc nội khoảng 103,6 tỷ USD, tương đương 0,37% GDP toàn cầu. Tính trung bình thu nhập bình quân đầu người đạt 1.174 USD một năm. Con số này được xem là một bước tiến lớn trong những năm gần đây khi giúp Việt Nam bước vào ngưỡng thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, thống kê của WEF trong vòng 25 năm qua cho thấy khoảng cách thu nhập của người Việt với mức trung bình của các nước đang phát triển tại châu Á ngày một xa. Năm 1985, thu nhập của người lao động Việt Nam gần như tương đương với các quốc gia cùng trình độ phát triển khác tại châu Á (khoảng 400 - 500 USD theo tỷ giá vào thời điểm đó). Nếu giữ nguyên tỷ giá tại kỳ gốc này, thu nhập của Việt Nam đang thấp hơn trung bình của các nền kinh tế đang phát triển khác tại châu Á khoảng 2.000 USD.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị việc chấn chỉnh thực hiện quy định về mức lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hình phạt cao nhất được áp dụng là đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ quản lý.
YBĐT - Nguyên nhân của tình trạng điện áp thấp là do nguồn điện của Yên Bái được mua về từ Trung Quốc, qua các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang có đường dây truyền tải quá nhỏ, chỉ là 110 KV được xây dựng để cấp điện từ Hà Nội lên cho Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Giang, nay dùng để truyền tải điện ngược lại.
Sáng nay (7/9) tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp mở rộng với tất cả các tổ chức tín dụng, đại diện các hiệp hội trong ngành để bàn triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2011.
Giá vàng trong nước sáng 7-9 đã giảm 300.000 đồng/lượng do giá vàng thế giới giảm gần 30 USD trong phiên giao dịch đêm qua tại thị trường Mỹ. Vàng SJC mua vào sáng nay ở mức 47 triệu đồng/lượng, bán ra 47,3 triệu đồng/lượng.