Mường Lò có còn rộn tiếng thoi đưa?

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/9/2011 | 2:51:10 PM

YBĐT - Nếu Nghĩa Lộ có các dự án lớn đầu tư, phát triển du lịch văn hoá cộng đồng hiệu quả, trong đó việc quảng bá sản phẩm, tìm thị trường một cách bài bản, thì nghề dệt thổ cẩm sẽ phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Em hà Thị Hiền đang giúp mẹ dệt vải.
Em hà Thị Hiền đang giúp mẹ dệt vải.

Cùng với người Thái ở Sơn La, Điện Biên, Hoà Bình..., bàn tay người phụ nữ Thái ở Mường Lò (Yên Bái) đã tạo ra những sản phẩm thủ công đặc sắc mang tính nghệ thuật cao. Song, khi mà ở nhiều địa phương sản phẩm thổ cẩm đã trở thành hàng hoá, đem lại thu nhập và cuộc sống ấm no cho bà con thì ở nơi được coi là cái nôi của nền văn hoá Thái, nghề dệt thổ cẩm vẫn chỉ là một nghề phụ để phục vụ sinh hoạt trong gia đình. 

Tết Sấp Sí đã xong, lúa ngoài đồng đã kín hàng... đây là thời kỳ nông nhàn để chị em tập trung dệt thổ cẩm nhưng trên các con đường vào bản Đêu, bản Vệ, Nậm Đông, Tăng Co, Pa Kết, bản Lê, bản Ten của các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Pú Trạng, Trung Tâm... của thị xã Nghĩa Lộ chúng tôi không còn được nghe tiếng lách cách vui tai của các khung cửi dệt vải. Cũng như không thể gặp cảnh các bà, các chị, đặc biệt là các em gái Thái áo cỏm, váy đen duyên dáng bên khung cửi dưới gầm sàn.

Tìm vào nhà văn hoá xã Nghĩa An, địa điểm của tổ hợp thêu may thổ cẩm của Hội Phụ nữ xã, nơi đào tạo nghề cho chị em trong xã đến học và dệt vải, khung cảnh vắng teo. Dưới gầm sàn rộng thênh thang, duy nhất một chiếc khung cửi nằm chỏng chơ, chân đạp và khung lược đã bị rơi ra, dường như giờ nó chỉ còn mang ý nghĩa trưng bày.

Đi từ đầu bản đến cuối bản, may mắn lắm chúng tôi gặp mẹ con chị Hà Thị Đồng đang Khêu hụ, (dệt sợi vào khung), chị Đồng dừng tay cho biết: "Mùa rét sắp đến, mình dệt để làm vỏ chăn đệm phục vụ cho gia đình thôi, bây giờ người trong bản ít dệt lắm, chỉ khi có con gái chuẩn bị lấy chồng thì mới làm cho đỡ tốn tiền mua!".

Nhìn cảnh hai mẹ con chị Đồng khéo léo se từng sợi chỉ màu mới biết con gái chị Đồng là Hà Thị Hiền học sinh lớp mười một vừa tham gia lớp học dệt thêu do Hội Phụ nữ xã tổ chức, trong bản nhiều bạn gái cũng theo học. "Học cho biết chứ công lao động chỉ được 20 - 30 ngàn đồng/ngày thì chẳng ai muốn làm. Mọi người trong bản đều kiếm việc khác để làm thuê kiếm tiền rồi" - Hiền tâm sự.

Quầy hàng thổ cẩm của chị Lò Thị Pầng.

Bà Điêu Thị Xiêng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An cho biết: “Nghĩa An hiện có 450 khung cửi, trong đó bản Đêu có 250 khung cửi. Toàn xã có 700 hội viên, mặc dù số lượng người biết làm trọn vẹn một sản phẩm thủ công (từ làm bông lấy sợi đến dệt vải) còn rất ít nhưng hầu hết chị em đều biết dệt, biết thêu từ các nguyên liệu sẵn có để làm ra một sản phẩm như chăn, gối, đệm, khăn...

Trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người phải đạt gấp 1,2 lần so với mức bình quân chung, giảm cơ cấu lao động nông nghiệp xuống dưới 45%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp bình quân của tỉnh đang là trên 80%, điều này đồng nghĩa với việc phát triển các ngành nghề truyền thống là rất cần thiết.
Ngoài xã Nghĩa An thì tại các xã khác như: Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi, Tân An... số người biết dệt cũng rất nhiều, điều đó cho thấy tiềm năng của nghề dệt thổ cẩm ở Mường Lò là rất lớn. Là người tâm huyết với nghề và lo nghề dệt thổ cẩm dần bị mai một, với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, những năm qua bà Điêu Thị Xiêng đã tập hợp những người tâm huyết với nghề dệt để thành lập tổ dệt thêu thổ cẩm, tranh thủ các dự án để tổ chức các lớp dạy dệt thêu thổ cẩm. Song mặc dù nhiều hội viên có khung dệt và có điều kiện để làm nghề nhưng không ai theo nghề, nếu có cũng chỉ phục vụ nhu cầu gia đình hoặc làm thêm lúc nông nhàn.

Việc làm có ý nghĩa nhất hiện nay của Hội Phụ nữ xã đó là đã đào tạo được một số lượng chị em có tay nghề. Trao đổi với chúng tôi, bà Xiêng cho biết: "Có nghề rồi chỉ mong sao có vốn, có đầu vào nguyên liệu tốt và có đầu ra cho sản phẩm. Người làm có công cao chắc chắn nghề dệt thổ cẩm sẽ phát triển". Rồi chị ngân nga  "Khoẳm mư pên lai/Hai mư pên bók” (Úp bàn tay thành hình muôn sắc, ngửa bàn tay thành hoá muôn màu). Câu hát vui mà giọng ca thật buồn. Đẹp thật đấy, giỏi thật đấy nhưng chưa có hiệu quả kinh tế, không tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo để phụ nữ Thái vẫn khổ thì chẳng ích gì!

Bà Điêu Thị Xiêng và sản phẩm thổ cẩm Mường Lò.

Mang theo nỗi trăn trở của nghề dệt truyền thống chưa có lối ra, lang thang ra chợ Mường Lò - trung tâm thương mại của khu vực, dạo quanh các điểm buôn bán thổ cẩm mới thấy sản phẩm chính hiệu của Mường Lò không có nhiều và cũng không đa dạng. Chủ yếu là chăn, gối, đệm, khăn còn quần áo thì phần lớn đã được cách điệu thay thế bằng các chất liệu khác mang tính công nghiệp.

May mắn chúng tôi gặp chị Lò Thị Pầng - Chủ một doanh nghiệp Pầng Loan chuyên kinh doanh mặt hàng thổ cẩm, gia đình có cửa hàng buôn bán lớn ở chợ Mường Lò. Qua câu chuyện của một người sinh ra và lớn lên trên vùng quê được coi là cái nôi của nền văn hoá Thái, chị Pầng bảo: “Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó máu thịt với đời sống của người Thái Mường Lò, nhà nào có con gái thì nhà đó có khung dệt. Vì người Thái quan niệm: Người con gái được coi là đẹp người đẹp nết phải là người khéo trồng bông dệt vải. Người con gái có nhan sắc, chịu khó nhưng không biết dệt vải vẫn bị coi là chây lười. Cũng chính vì vậy mà nghề dệt thổ cẩm đã tồn tại đến ngày nay, để làm nên một nét đặc trưng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc vùng Mường Lò”.

Trước sự thay đổi của xã hội, nghề dệt thổ cẩm đang dần mai một, doanh nghiệp đã đầu tư khung dệt và sợi len cho vài chục hộ gia đình để chị em làm thêm nhưng do giá trị công lao động quá thấp nên chị em tập trung cho thêu dệt không nhiều, vẫn coi là nghề phụ lúc nông nhàn, để đủ nguồn cung cấp cho khách hàng, cửa hàng vẫn phải nhập sản phẩm thổ cẩm từ Điện Biên, Sơn La về, nhất là đối với những sản phẩm chất lượng cao.

Tìm hướng đi cho nghề dệt thổ cẩm ở Mường Lò, để một nghề truyền thống không bị mai một, đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho người dân trong cơ chế thị trường hiện nay là điều không đơn giản. Song, tôi vẫn tin ở những người có tâm huyết chị Xiêng, chị Pầng, em Hiền... Nếu Nghĩa Lộ có các dự án phát triển du lịch văn hoá cộng đồng hiệu quả, có những dự án lớn đầu tư để phát triển nghề dệt thổ cẩm, trong đó việc quảng bá sản phẩm, tìm thị trường một cách bài bản, thì nghề dệt thổ cẩm sẽ phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Lường Lãng - Bí thư Đảng uỷ xã Nghĩa An:

“Như các xã khác trong vùng, có đến 94% dân Nghĩa An sống bằng nghề nông nghiệp. Do thiếu việc làm, người dân trong xã phải đi làm thuê những nghề khác để kiếm sống. Vì vậy, việc khôi phục phát triển nghề dệt thổ cẩm là rất cần thiết. Để khôi phục nghề truyền thống này, đề nghị Nhà nước đầu tư đào tạo nghề, vốn ban đầu và tìm đầu ra cho sản phẩm cho nhân dân.

Đình Tứ

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư về phí trước bạ, theo đó mức phí trước bạ ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) sẽ được nâng lên từ 10-20%, mức áp dụng cụ thể sẽ do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Tính đến gần 10h sáng 8/9, giá vàng trong nước trồi sụt quanh mức 47 triệu đồng/lượng. Tính quy đổi vàng thế giới ở mốc 1.836 USD/ounce, hiện vàng trong nước lại đắt hơn vàng thế giới khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Cán bộ Chi cục thuế Yên Bái thu thuế nhà đất kỳ I năm 2011 tại tổ 32, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, hạn chế tình trạng thất thu ngân sách Nhà nước (NSNN) thì công tác chống thất thu luôn là nhiệm vụ bền bỉ, lâu dài, được các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành thuế quan tâm thực hiện.

Đồng chí Hoàng Văn Diểm - Phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh (người ngồi đầu bên trái) và các phòng chuyên môn của Cục Thuế trao đổi với lãnh đạo Công ty Liên doanh Cacbonat Can xi (YBB) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
(Ảnh: Linh Nhung)

YBĐT - Ngành thuế Yên Bái liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước với số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 1991, toàn tỉnh mới thu đạt 24,2 tỷ đồng thì năm 2010 đã đạt 721,5 tỷ đồng, tăng gấp gần 30 lần. Năm 2011, ngành đang nỗ lực phấn đấu thu 900 tỷ đồng trở lên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục