Ngành thuế Yên Bái góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội địa phương

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/9/2011 | 9:02:31 AM

YBĐT - Ngành thuế Yên Bái liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước với số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 1991, toàn tỉnh mới thu đạt 24,2 tỷ đồng thì năm 2010 đã đạt 721,5 tỷ đồng, tăng gấp gần 30 lần. Năm 2011, ngành đang nỗ lực phấn đấu thu 900 tỷ đồng trở lên.

Đồng chí Hoàng Văn Diểm - Phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh (người ngồi đầu bên trái) và các phòng chuyên môn của Cục Thuế trao đổi với lãnh đạo Công ty Liên doanh Cacbonat Can xi (YBB) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
(Ảnh: Linh Nhung)
Đồng chí Hoàng Văn Diểm - Phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh (người ngồi đầu bên trái) và các phòng chuyên môn của Cục Thuế trao đổi với lãnh đạo Công ty Liên doanh Cacbonat Can xi (YBB) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. (Ảnh: Linh Nhung)

Chỉ một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 10.9.1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp được ủy quyền của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 27-SL thành lập Sở Thuế quan và thuế gián thu (trực thuộc Bộ Tài chính), khai sinh ra ngành thuế Việt Nam.

Nhằm giáo dục truyền thống, động viên, khích lệ lòng tự hào, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong thi hành công vụ và đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức ngành thuế Việt Nam, ngày 6.8.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 9 hàng năm là Ngày truyền thống  ngành thuế Việt Nam.

Trải qua 66 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách mà Đảng và Nhà nước giao cho, đóng vai trò to lớn trong công tác quản lý kinh tế - xã hội của đất nước. Mốc son quan trọng nhất của ngành thuế là ngày 7.8.1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 218-HĐBT về việc thành lập ngành thuế Nhà nước trên cơ sở hợp nhất 3 bộ phận thu thuế (thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp, thu quốc doanh) thành một hệ thống thống nhất trong cả nước.

Đây là sự đổi mới cơ bản về hệ thống tổ chức, kiện toàn bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bảo đảm các mục tiêu cải cách hệ thống thuế mới với hiệu quả cao nhất. Trên cơ sở này, ngày 1.10.1990, Cục Thuế tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập và chính thức đi vào hoạt động và đến năm 1991 được chia tách thành Cục Thuế Lào Cai và Cục Thuế Yên Bái cùng với sự tái lập tỉnh.

Chặng đường hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Cục Thuế Yên Bái đã không ngừng củng cố đội ngũ cán bộ, công chức thuế ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ chỗ chỉ có hơn 300 người thì có tới trên 50% chưa qua đào tạo, đến nay đã có gần 500 người với 96% cán bộ, công chức có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó 35,5% có trình độ đại học và trên đại học. Hàng trăm cán bộ, công chức thuế hàng năm được đào tạo chương trình quản lý Nhà nước, trung cấp, cao cấp và cử nhân chính trị, cử nhân luật, bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp, quản lý kinh tế…

Có được đội ngũ cán bộ, công chức vững vàng và tinh thông nghiệp vụ, ngành đã không ngừng cải tiến các biện pháp quản lý hành thu, phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển để đưa chính sách thuế đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Từ đó, động viên được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, làm cho công tác thuế trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, thực sự là công cụ đắc lực điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và phát triển văn hóa, giáo dục.

Những năm qua, hệ thống chính sách thuế ban hành ngày càng được hoàn thiện. Các quy trình quản lý thuế ngày càng được cải tiến, sửa đổi theo hướng văn minh, hiện đại, giảm thủ tục phiền hà, tạo thêm nhiều thuận lợi cho người nộp thuế. Phương tiện làm việc, cơ sở vật chất của ngành thuế ngày càng được trang bị đồng bộ, từng bước có thể đáp ứng được công tác quản lý thuế hiện đại.

Cơ quan thuế từ chỗ quản lý thuế theo hình thức chuyên quản khép kín chuyển sang quản lý theo chức năng; đề cao vai trò tự khai, tự tính và tự nộp thuế để người nộp thuế tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tăng tích lũy và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách.

Công tác cải cách thủ tục hành chính thuế triển khai có hiệu quả, thông qua cơ chế giao dịch “một cửa” và “một cửa liên thông” ở cơ quan thuế các cấp và sử dụng công nghệ mã vạch 2 chiều để hỗ trợ nộp và tiếp nhận hồ sơ khai thuế, hiện đại hóa quy trình thu nộp ngân sách qua ngân hàng thương mại… đã góp phần thực hiện thành công chương trình cải cách, hiện đại hóa ngành thuế đến năm 2010. Kết quả này đã tác động rõ rệt đến dư luận xã hội, đã và đang làm thay đổi cách nhìn nhận theo hướng tích cực của các cấp, các ngành và của người dân đối với hình ảnh của ngành thuế, công chức thuế.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong tỉnh đều có qui mô vừa và nhỏ, năng lực sản xuất, kinh doanh và tài chính còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh thấp, trình độ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu là những thách thức vô cùng lớn đối với quá trình thực thi nhiệm vụ của ngành thuế. Những năm gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng gói kích cầu của Chính phủ, trong đó có chính sách thuế đã mở ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trụ vững và phát triển. Cùng với đó, ngành thuế cũng đã nỗ lực đề ra nhiều sáng kiến trong công tác quản lý đối với các nguồn thu từ đất, từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh… nên mức tăng trưởng thu ngân sách hàng năm đều tăng từ 5% - 20%.

Với những cố gắng không mệt mỏi và luôn nhận đuợc sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành thuế Yên Bái liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước với số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 1991, toàn tỉnh mới thu đạt 24,2 tỷ đồng thì năm 2010 đã đạt 721,5 tỷ đồng, tăng gấp gần 30 lần.

 

Đồng chí Hoàng Văn Diểm - Phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế trao phần thưởng cho các tập thể và cá nhân ngành Thuế được khen thưởng năm 2010. (Ảnh: Linh Nhung)

Năm 2011, ngành đang nỗ lực phấn đấu thu 900 tỷ đồng trở lên và đến hết tháng 8, hầu hết các đơn vị thực hiện dự toán đã thu đạt trên 70% dự toán cả năm, bảo đảm một phần nhu cầu chi của ngân sách địa phương, góp phần kiềm chế lạm phát,ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội như tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ghi nhận những đóng góp của ngành thuế Yên Bái, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ngành nhiều phần thưởng cao quí: 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 16 Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba cho tập thể và cá nhân cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, có lúc, có nơi, cán bộ thuế cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực chuyên môn và còn vi phạm 10 điều kỷ luật của ngành, làm ảnh hưởng đến uy tín chung.

Để chuẩn bị triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 -2020, với mục tiêu xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, trong thời gian tới, Cục Thuế Yên Bái tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Triệt để tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh; sự điều hành của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác thuế trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2011 và những năm tiếp theo.

Hai là: Tiếp tục thực hiện tốt các qui trình quản lý thuế; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, hỗ trợ và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế và kiểm tra thực hiện qui trình trong nội bộ ngành, kịp thời xử lý vi phạm; áp dụng các biện pháp hiệu quả để quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, bảo đảm tỷ lệ nợ thuế không vượt quá 4% so với số thu ngân sách.

Ba là: Xây dựng đề án về công tác tổ chức cán bộ đến năm 2020; thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển, luân phiên cán bộ phù hợp với điều kiện và năng lực từng người đồng thời kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm qui trình quản lý.

Bốn là: Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, xây dựng cơ quan văn hóa, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để mỗi cán bộ, công chức thuế không ngừng phấn đấu, rèn luyện trở thành những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Hoàng Văn Diểm - Bí thư Đảng bộ, Phó cục trưởng phụ trách Cục thuế Yên Bái

Các tin khác
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam không còn được đánh giá cao như năm 2010.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2011 - 2012 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố xếp Việt Nam ở vị trí thứ 65 trên tổng số 142 quốc gia được khảo sát, rớt 6 bậc so với năm ngoái.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị việc chấn chỉnh thực hiện quy định về mức lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hình phạt cao nhất được áp dụng là đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ quản lý.

Các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi điện yếu.

YBĐT - Nguyên nhân của tình trạng điện áp thấp là do nguồn điện của Yên Bái được mua về từ Trung Quốc, qua các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang có đường dây truyền tải quá nhỏ, chỉ là 110 KV được xây dựng để cấp điện từ Hà Nội lên cho Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Giang, nay dùng để truyền tải điện ngược lại.

Các quy định về tín dụng phi sản xuất có thể sẽ được trình Chính phủ để điều chỉnh lại cho phù hợp.

Sáng nay (7/9) tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp mở rộng với tất cả các tổ chức tín dụng, đại diện các hiệp hội trong ngành để bàn triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục