Cần tạo đột phá trong sản xuất vụ đông
- Cập nhật: Thứ tư, 5/10/2011 | 2:59:35 PM
YBĐT - Vụ đông 2011 này là vụ đông thứ 15 nhà nông Yên Bái đi vào sản xuất trên đất 2 vụ lúa. Đó là quãng thời gian dài đủ để minh chứng sự đúng, sai của một hướng đi, một loại cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp và thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra làm ngô bầu tại xã Nghĩa An.
(Ảnh: Đức Toàn)
|
Thế nhưng, trong suốt 15 năm qua sản xuất cây vụ đông vẫn chưa tạo được bước đột phá rõ nét, tuy đã được xác định là chính vụ nhưng giá trị kinh tế trên mỗi ha canh tác vẫn rất thấp (gần 20 triệu đồng/ha).
Hạn chế cần khắc phục
Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận được tính hiệu quả của sản xuất cây vụ đông, nhất là trên đất 2 vụ lúa. Sản xuất cây vụ đông đã và đang được coi là chính vụ ở 7 huyện, thị vùng thấp của tỉnh Yên Bái, cơ cấu cây trồng cũng đã được xác định. Quan trọng hơn là đã xác lập được mùa vụ (lúa xuân - lúa mùa sớm - cây vụ đông), quy mô về diện tích ngày càng được mở rộng.
Nếu như năm 2005 diện tích gieo trồng mới đạt 8.000 ha thì năm 2010 đã đạt 10.258 ha tăng 2.326 ha, sản lượng tăng 3351 tấn. Tăng nhanh nhất cả về diện tích, sản lượng vẫn là cây ngô. Bên cạnh đó các loại rau màu, thực phẩm đã được quan tâm mở rộng sản xuất. Đã và đang hình thành vùng sản xuất gắn với thị trường mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân.
Sản xuất cây vụ đông mỗi năm đóng góp vào tổng sản lượng lương thực trên 47 ngàn tấn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sản xuất cây vụ đông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng về đất đai, nguồn lao động và sự đầu tư. Diện tích, sản lượng, giá trị thu nhập tuy có tăng nhưng rất thấp.
Cơ cấu giống cây trồng thì nhiều nhưng chủ lực vẫn là cây ngô, trong khi đó năng suất thấp, bình quân năm năm chỉ đạt 27,5 tạ/ha, thấp hơn so với các địa phương trong vùng từ 4-8 tạ/ha. Thời vụ đã được xác lập nhưng khi triển khai cụ thể rất lúng túng và thường chậm từ 5-10 ngày. Nông dân chưa thật thành thạo áp dụng các quy trình kỹ thuật vào thâm canh như: mật độ gieo trồng chưa đảm bảo, mức đầu tư thâm canh thấp dẫn đến năng suất mới chỉ đạt 35-40% tiềm năng năng suất của giống.
Các loại cây trồng khác đặc biệt là rau màu bà con sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, thiếu tính quy hoạch và cơ cấu cây trồng. Đặc biệt là chưa có sự liên kết của “4 nhà” nên chưa hình thành được vùng chuyên canh công nghệ cao. Trong một hai năm trở lại đây ở Văn Chấn đã có sự liên kết của “4 nhà” trong phát triển cây khoai tây khá hiệu quả, nhưng diện tích vẫn hạn chế và chưa thực sự bền vững.
Nông dân thị xã Nghĩa Lộ thu hoạch lúa đến đâu đánh đất làm ngô đông đến đó. (Ảnh: Đức Toàn)
Tạo bước đột phá
Năm 2011, tỉnh phấn đấu đưa vào gieo trồng 11 ngàn ha cây vụ đông, trong đó có 5.300 ha ngô (ngô trên đất 2 vụ lúa 3 ngàn ha), 2.700 khoai lang và trên 3.000 ha rau, củ quả. Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi nhưng nếu không có chỉ đạo quyết liệt của các địa phương thì sẽ rất khó hoàn thành.
Mặc dù trong sản xuất năm nay, tỉnh và các địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách cụ thể, hấp dẫn tạo đà cho sản xuất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại cuối năm 2010, đầu năm 2011 làm cho thời vụ muộn hơn so với cùng kỳ 20 ngày. Bên cạnh đó, nguồn giống, nhất là giống khoai tây sạch bệnh khan hiếm, thị trường tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông không ổn định... là những trở ngại trong sản xuất.
Theo dự kiến của một số huyện thì sản xuất vụ đông trên đất 2 vụ lúa không mấy sôi nổi, diện tích đều giảm so với mọi năm ngoại trừ Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bình. Vẫn biết trồng ngô trên đất hai vụ lúa năm nay là rất khó khăn, đòi hỏi về mùa vụ rất cấp bách nhưng không phải không làm được! Theo quy luật và tính toán của ngành nông nghiệp, trong nhiều năm qua thì thời điểm trồng ngô đông chậm nhất là ngày 10/10 vẫn cho hiệu quả cao. Với lý do chậm thời vụ mà không kiên quyết chỉ đạo làm vụ đông là thiếu trách nhiệm với dân, lúa chín đến đâu vận động nhân dân thu hoạch luôn đến đó, thậm chí thu hoạch trước vài ngày, nếu không trồng được ngô tẻ thì trồng ngô nếp, không ngô thì khoai lang, rau màu. Không lý do gì mà chủ trương có, tiền có mà lại không làm được, mà không làm là mất phong trào, người dân lại không được hưởng hỗ trợ, cùng với đó là mất việc làm, nguồn thu trong 3 tháng đông.
Song song với việc chỉ đạo thực hiện tốt diện tích cần tạo bước đột phá trong sản xuất cây vụ đông. Ngô vẫn là chủ lực nhưng trong gieo trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: làm đất tối thiểu, làm bầu cây con, trồng gối vụ, rải vụ. Ngoài sử dụng các giống ngô lai, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao đã được kiểm chứng như: NK4300, NK66, C919, Bioseed9698, MX2, bà con đặc biệt cần gieo trồng đảm bảo mật độ từ 6-6,5 vạn cây/ha và đầu tư thâm canh tạo năng suất cao.
Trong sản xuất rau, củ quả nên áp dụng sản xuất theo hướng VIETGAP, sản xuất trong nhà màn, nhà lưới, đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ sinh học, bón phân qua lá sử dụng màng phủ nông nghiệp. Quan trọng hơn là mở rộng quy mô sản xuất và liên doanh, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân để tạo tiền đề cho những vụ tiếp theo.
Vẫn biết là một mùa vụ khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao và những bài học kinh nghiệm rút ra cùng với sự nỗ lực cố gắng của nhà nông Yên Bái sản xuất cây vụ đông 2011 chắc chắn tạo được bước đột phá mạnh mẽ.
Thanh Phúc
Các tin khác
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính vừa có văn bản hướng dẫn việc tính thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô. Nhiều hãng ô tô thở phào vì thoát truy thu thuế hàng ngàn tỷ đồng.
Sáng 5/10, Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 10 đồng, lên 20.638 đồng/USD thay cho mức 20.628 đồng/USD đã được duy trì hơn 1 tháng qua. Trong khi đó, giá USD "chợ đen" cũng tiếp tục leo thang mạnh.
Các thương hiệu vàng mở cửa phiên sáng 5/10 điều chỉnh giảm ở hai chiều mua vào – bán ra ở mức 700.000-800.000 đồng/lượng.
YBĐT - Lục Yên phát động thi đua sản xuất vụ đông / Trên 500 ha ở Văn Yên ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến