Đi ôtô sẽ phải đóng “thuế đường” 1,5 triệu/tháng
- Cập nhật: Thứ năm, 6/10/2011 | 8:01:42 AM
Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan đã thống nhất được phương án thu phí bảo trì đường bộ để trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó tính tới nguồn thu trực tiếp qua đầu phương tiện. Nếu được Chính phủ thông qua, việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ được thực hiện đầu năm 2012, chậm nhất việc thu phí sẽ được tiến hành trong tháng 7/2012.
Từ đầu năm 2012, ô tô khi ra đường sẽ phải chịu thuế gần 1,5 triệu đồng/ tháng.
|
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, về Quỹ Bảo trì đường bộ, thời gian qua, Bộ đã đưa ra nhiều phương án để các đơn vị lựa chọn, hiện tại đã hoàn thành cơ bản dự thảo cuối cùng để trình Chính phủ với 2 phương án.
Phương án 1, sẽ thu trực tiếp qua đầu phương tiện cơ giới, bao gồm ôtô và xe máy. Hình thức thực hiện là thu hàng tháng và chia theo nhóm phương tiện. Mức thu phụ thuộc vào trọng tải và loại phương tiện sử dụng đường bộ.
Mức thu với ôtô được chia làm 7 nhóm, trong đó thấp nhất là 180.000 đồng/tháng và cao nhất 1.440.000 đồng/tháng; Mức thu đối với xe máy được chia làm 4 nhóm: thấp nhất là 80.000 đồng/năm, cao nhất 150.000 đồng/năm.
Trong phương án 2, phí bảo trì đường bộ được thu trực tiếp trên đầu xe ôtô (không thu phí đối với xe máy) và thu gián tiếp qua giá xăng. Trong đó, mức thu trực tiếp trên đầu xe ôtô sử dụng xăng được chia làm 7 nhóm như phương án 1. Mức thu trực tiếp trên đầu xe ôtô sử dụng diezel cao gấp 1,5 lần so với phương tiện có cùng nhóm tải trọng.
Tuy nhiên, với phương án 2, nhiều ý kiến cho rằng nếu thu qua xăng dầu thì một nhóm đối tượng không sử dụng đường bộ vẫn phải nộp phí bảo trì là không công bằng, việc thu phí qua giá xăng cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả. Vì thế, dựa trên ý kiến của các bộ ngành liên quan, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất lựa chọn phương án 1. Với phương án này, dự kiến mỗi năm sẽ thu về được từ 8.000-10.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Trường cho biết, Quỹ Bảo trì đường bộ được hình thành từ hai nguồn thu bao gồm: Ngân sách Nhà nước dự kiến đáp ứng 30%, thu trên các phương tiện tham gia giao thông 70%.
“Tuy nhiên các nguồn thu này chỉ có thể đáp ứng được 70% cho quỹ bảo trì đường bộ. Sau khi quỹ đi vào hoạt động thì phần ngân sách cấp có thể giảm dần và sau những năm tới thì phần thu được sẽ đáp ứng nhu cầu kinh phí bảo trì đường bộ,” Thứ trưởng Trường nói.
Theo phương án vừa được thống nhất, việc quản lý phí thu được trên đầu xe máy ở địa phương nào thì chuyển vào Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương đó. Số phí thu được từ đầu xe ôtô chuyển về quỹ bảo trì đường bộ Trung ương sử dụng 65% cho bảo trì quốc lộ, 35% được chuyển về quỹ các địa phương. Nguyên tắc chia cho quỹ các địa phương căn cứ theo hệ số kilômét đường nhân với số xe ôtô theo tiêu chuẩn đăng ký ở địa phương đó.
Về cách thức thu phí, cơ quan thuế sẽ phát hành hóa đơn thu phí, trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ tại các địa phương sẽ thực hiện công tác thu phí. Được biết, phương án thu phí bảo trì đường bộ vừa thống nhất sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 10.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Vụ đông 2011 này là vụ đông thứ 15 nhà nông Yên Bái đi vào sản xuất trên đất 2 vụ lúa. Đó là quãng thời gian dài đủ để minh chứng sự đúng, sai của một hướng đi, một loại cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính vừa có văn bản hướng dẫn việc tính thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô. Nhiều hãng ô tô thở phào vì thoát truy thu thuế hàng ngàn tỷ đồng.
Sáng 5/10, Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 10 đồng, lên 20.638 đồng/USD thay cho mức 20.628 đồng/USD đã được duy trì hơn 1 tháng qua. Trong khi đó, giá USD "chợ đen" cũng tiếp tục leo thang mạnh.
Các thương hiệu vàng mở cửa phiên sáng 5/10 điều chỉnh giảm ở hai chiều mua vào – bán ra ở mức 700.000-800.000 đồng/lượng.