Kinh tế Đồng Danh khởi sắc
- Cập nhật: Thứ năm, 3/11/2011 | 2:44:54 PM
YBĐT - Năng động phát triển kinh tế hộ dựa trên những lợi thế đặc thù của địa phương, khoảng chục năm trở lại đây, đời sống kinh tế của người dân Đồng Danh ngày thêm nâng cao.
Một hộ nuôi ong ở Đồng Danh.
|
Thôn Đồng Danh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) nằm xa trung tâm xã nhất. Địa hình ở đây hầu hết là đồi núi cao và đường sá đi lại khá khó khăn bởi là đường đất ven núi. Toàn thôn có 40 hộ dân thì 39 hộ là giáo dân. Những thôn xa trung tâm thường gặp khó khăn nhưng Đồng Danh lại có mức sống khá và đồng đều hơn nhiều thôn khác.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh không chỉ đánh giá cao đời sống kinh tế của nhân dân Đồng Danh mà còn cho biết thêm, đây là thôn điển hình về tinh thần đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. An ninh trật tự trên địa bàn rất tốt và bà con trong thôn luôn gương mẫu thực hiện chính sách pháp luật, nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước.
Đến với Đồng Danh, chỉ ngắm cảnh quan làng xóm với những ngôi nhà khang trang nằm xen giữa vườn cam, bưởi trĩu cành cùng bao cánh rừng trồng đã đủ để nhận diện vùng quê này không còn bóng dáng của đói nghèo. Ông Phan Đình Thành - Trưởng thôn Đồng Danh cho biết, tuy không thuận lợi là xa đường, xa trung tâm nhưng bù lại, đất đai của thôn khá rộng, bình quân mỗi hộ có khoảng 1 ha đồi vườn, có hộ tới vài héc-ta và ruộng nước bình quân đạt gần một sào trên khẩu cấy hai vụ. Người dân nơi đây đều cần cù làm ăn và đặc biệt là khá năng động.
Để ổn định cuộc sống thường ngày, nhân dân tập trung đưa các giống lúa năng suất cao vào gieo trồng, đẩy mạnh thâm canh; trồng sắn cao sản trên diện tích rừng trồng chưa khép tán. Đồng thời, bà con khai thác tốt lợi thế đất vườn, đồi để chăn nuôi gà thả vườn, trồng rau nuôi lợn, trồng chè giống mới. Mỗi hộ thường nuôi từ 70 đến 100 con gia cầm và bình quân có 5 con lợn, có gia đình nuôi khoảng trăm con lợn mỗi năm như hộ ông Phạm Văn Cường. Cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân Đồng Danh tận dụng các khe núi để đào, đắp ao, hồ nuôi cá. Hầu như nhà nào cũng có ao nuôi cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày và cũng không ít hộ nuôi cá kinh doanh…
Nguồn tích lũy của bà con trong thôn được Trưởng thôn Phan Đình Thành cho biết là tập trung vào ba nguồn chính: rừng trồng, trồng bưởi đặc sản Khả Lĩnh, nuôi ong mật. Trong thôn, nhà nào cũng trồng bưởi, nhà ít vài chục cây, nhà nhiều tới vài trăm cây. Hàng năm, vào mùa thu hoạch, thương lái từ các nơi đổ về mua gọn cả vườn mà vẫn không đủ bán. Vụ bưởi năm nay, hộ ông Lưu Đức Thắng đã bán được 70 triệu đồng; hộ thu 40 - 50 triệu đồng có ông Nguyễn Văn Thủy và bà Nguyễn Thị Phượng; số hộ thu 20 - 30 triệu đồng khá đông như gia đình ông Hợi, ông Cương, ông Lộc, ông Hạnh, ông Canh, ông Thành, ông Thắng…
Nguồn thu từ bưởi của Đồng Danh mỗi năm ước đạt 500 đến 600 triệu đồng. Nguồn thu từ khai thác luân canh gỗ rừng trồng tuy chưa thống kê đầy đủ nhưng không dưới một tỷ đồng. Trên địa bàn thôn chủ yếu trồng cây ăn quả, trồng rừng nên nguồn phấn hoa tự nhiên rất sẵn, trong thôn còn có trên chục hộ phát triển nghề nuôi ong mật.
Hộ nuôi ít có hơn chục đàn, hộ nhiều trên 50 đàn và mật ong có chất lượng cao, dễ bán. Các hội viên Câu lạc bộ nuôi ong cho hay, nuôi ong không vất vả lại có thêm nguồn thu từ hơn chục triệu đồng đến ba, bốn chục triệu đồng mỗi năm. Ngược lại, nuôi ong cũng chính là một giải pháp tốt giúp cho các vườn bưởi luôn được mùa bởi nhờ ong thụ phấn.
Năng động phát triển kinh tế hộ dựa trên những lợi thế đặc thù của địa phương, khoảng chục năm trở lại đây, đời sống kinh tế của người dân Đồng Danh ngày thêm nâng cao. Hiện nay, số hộ khá, giàu có 20 hộ; hộ trung bình là 18 hộ và còn 2 hộ nghèo, trong đó một hộ có con mắc bệnh nặng, một hộ là phụ nữ đơn thân nuôi hai con nhỏ. Thôn phấn đấu đến năm 2015, có 25 hộ trở lên đạt mức sống khá và giàu. Với sự phát triển như hiện tại của Đồng Danh, mục tiêu đó sẽ không khó để trở thành hiện thực.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Qua 4 năm thực hiện cơ chế ,chính sách hỗ trợ về chăn nuôi hàng hóa của tỉnh, của thị xã từ năm 2008-2011, trên địa bàn thị xã đã có 16 mô hình chăn nuôi được triển khai, nghiệm thu với số tiền hỗ trợ 330 triệu đồng; trong đó theo cơ chế của tỉnh 11 mô hình, theo cơ chế hỗ trợ của thị xã 5 mô hình.
Tăng 150.000 đồng/lượng lúc mở cửa thị trường nhưng sau đó giá vàng trong nước đảo chiều đi xuống. Diễn biến này xuất phát từ thị trường thế giới.
YBĐT - Ngày 3/11, Cục kiểm lâm Việt Nam phối hợp với Chi cục kiểm lâm Yên Bái đã tổ chức hội nghị giao ban công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) các tỉnh phía bắc năm 2011.
YBĐT - Sự phát triển và gia tăng thái quá của các cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng ở nhiều địa phương trong hơn một năm trở lại đây đang đẩy không ít gia đình đứng trước cảnh nợ nần, thậm chí phá sản mà xã Lương Thịnh là một ví dụ.