Chung sức mở đường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/11/2011 | 3:02:26 PM

YBĐT - Thành công và kinh nghiệm huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn của thôn Quyết Tâm 2 được Đảng bộ, chính quyền xã Hoàng Thắng nhân rộng trong toàn xã bằng các nghị quyết chuyên đề về phát triển giao thông nông thôn.

Nhờ có đường mới mở mà người dân thôn Quyết Tâm 2 thuận tiện hơn trong quá trình vận chuyển lâm sản.
Ảnh: Ông Triệu Quý Minh (bên phải) là người tự nguyện chặt quế để hiến đất mở đường.
Nhờ có đường mới mở mà người dân thôn Quyết Tâm 2 thuận tiện hơn trong quá trình vận chuyển lâm sản. Ảnh: Ông Triệu Quý Minh (bên phải) là người tự nguyện chặt quế để hiến đất mở đường.

Nằm cách trung tâm xã 10 km, Quyết Tâm 2 là thôn xa nhất đồng thời cũng là thôn khó khăn nhất của xã Hoàng Thắng (Văn Yên). Thôn có 46 hộ, trong đó 70% là đồng bào dân tộc Dao vẫn còn 20% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Những năm trước đây, đường đi lối lại trong thôn chỉ là những con đường mòn men sườn đồi, khe suối. Nhân dân đi lại vất vả, trẻ em đến trường khó khăn, đặc biệt là việc vận chuyển hàng hóa nông - lâm sản của bà con làm ra không thuận tiện nên thường bị tư thương ép giá.

Trước tình hình đó, Chi bộ thôn Quyết Tâm 2 xác định, muốn phát triển kinh tế - xã hội phải mở đường giao thông nối liền với trung tâm xã và thôn Công Tâm, xã Viễn Sơn với chiều dài trên 4km. Chi bộ đã họp, xây dựng Nghị quyết làm tuyến đường giao thông liên thôn này, nguồn kinh phí huy động 100% sức dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Được khởi công từ đầu năm 2011, tuyến đường đất dài 4km, mặt đường rộng 4m dần được mở ra trước niềm vui của gần 200 nhân khẩu trong thôn. Để làm được con đường này, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn đã đưa ra bàn bạc dân chủ thông qua các buổi họp thôn để nhân dân hiểu, đồng lòng hưởng ứng và tự nguyện đóng góp. Chi bộ thôn nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sau nhiều lần họp bàn, thôn đưa ra mức đóng góp cụ thể cho mỗi hộ gia đình.

Đối với đảng viên, mức huy động đóng góp phải cao hơn người dân. Thời gian đóng góp ấn định trong một tuần nhưng đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên cho đóng góp dần trong 3 tháng với mức huy động đối với đảng viên là 350.000 đồng/khẩu và quần chúng nhân dân là 300.000 đồng/khẩu.

Sau khi huy động được nguồn kinh phí đóng góp, thôn đã bầu ra Ban Giám sát quản lý kinh phí và giám sát thi công. Nhân dân lựa chọn phương thức làm đường là thuê khoán các phương tiện cơ giới thi công đào đắp và san gạt mặt bằng, hợp đồng thuê máy theo giờ chứ không trọn gói theo tuyến.

Sau gần 1 tháng thi công, con đường đất dài 4 km, mặt đường rộng 4m đã mở ra trong niềm vui vô hạn của bà con. Song, hiện nay vẫn còn khoảng 50m trên đoạn đường từ nhà văn hóa thôn đến thôn Công Tâm, xã Viễn Sơn bị vướng đá, người dân trong thôn mong sớm được Nhà nước hỗ trợ mìn để phá. Trong khi chờ mìn để phá đá, thông tuyến, thôn đã tạm mở một con đường tránh theo khe suối dài 300m để cho xe máy, xe trâu, xe cơ giới đi lại.

Ông Triệu Quý Ninh phấn khởi: "Nhà có 10 ha quế những năm trước không có đường to để đi lúc khai thác, vận chuyển vất vả lắm. Bây giờ dân mình đóng góp để mở con đường này nên đời sống của người dân trong thôn đỡ vất vả hơn nhiều. Nếu có phải đóng góp nữa thì tôi cũng sẽ vận động con cháu đóng góp vì đường mình làm để mình đi cơ mà". Khát khao có một con đường đủ rộng để vận chuyển hàng hóa lâm sản cho thuận tiện nên một số hộ gia đình trong thôn tự nguyện chuyển nhà sang chỗ khác.

Người dân tự giác chặt quế, bồ đề, hoa màu... để hiến đất mở đường như gia đình ông Triệu Văn Hồi tự nguyện rời nhà đi nơi khác; gia đình các ông Triệu Tài Chiều, Triệu Quý Liêm, Triệu Đình Hín, Triệu Đình Nguyên, Lê Văn Toàn, Triệu Đức Quảng, Dương Trung Hình, Triệu Quý Ninh, Triệu Quý Lưu, Lê Công Tráng..., mỗi gia đình chặt trên 50 cây quế từ 4-10 năm tuổi để mở đường. 

Con đường liên thôn, liên xã này là mơ ước bấy lâu và được hình thành bởi tinh thần đoàn kết, mồ hôi công sức của người dân nơi đây. Để có được con đường như ngày hôm nay chính là sự thống nhất cao của Chi bộ trong huy động sức dân, sự đoàn kết của toàn dân trong quá trình làm đường. Việc thanh, quyết toán công trình được công khai, thông báo chi tiết từng khoản mục tại cuộc họp thôn, được niêm yết tại nhà văn hóa thôn và những người dân đi đầu trong phong trào thi đua làm đường được thôn tuyên dương, khen thưởng kịp thời…

Có thể nói, thành công và kinh nghiệm huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn của thôn Quyết Tâm 2 được Đảng bộ, chính quyền xã Hoàng Thắng nhân rộng trong toàn xã bằng các nghị quyết chuyên đề về phát triển giao thông nông thôn. Là một thôn khó khăn nhưng không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, người dân thôn Quyết Tâm 2 đã vươn lên bằng chính sức mình để mở đường giao thông.

H.D

Các tin khác
Thu hoạch chè búp tươi.

Ngày 10/11, ngay trước ngày khai mạc Liên hoan trà quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên - Việt Nam 2011, Hợp tác xã (HTX) chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) nằm trong vùng chè đặc sản Tân Cương đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ Certified (tiêu chuẩn về sản xuất các sản phẩm nông sản tốt trên quy mô toàn cầu).

Dự án có tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng, thuộc loại công trình công nghiệp cấp đặc biệt, được xây dựng trên diện tích 18,64 ha tại Cụm công nghiệp xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

YBĐT - Năm 2011, huyện Văn Chấn (Yên Bai) phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp 220 tỷ đồng. Đây là mục tiêu không quá cao bởi Văn Chấn có hàng chục cơ sở chế biến kinh doanh chè, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện Lục Yên đã phát hiện, xử lý 60 vụ vi phạm khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, thu hồi trên 42 m3 gỗ các loại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục