Doanh nghiệp gian dối ngân sách thất thu lớn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/11/2011 | 9:20:14 AM

YBĐT - Năm 2011, huyện Văn Chấn (Yên Bai) phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp 220 tỷ đồng. Đây là mục tiêu không quá cao bởi Văn Chấn có hàng chục cơ sở chế biến kinh doanh chè, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng.

Theo kết quả thống kê, đến hết tháng 9/2011, giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện mới đạt 177 tỷ đồng, trong khi ở Văn Chấn quý III thường không tăng trưởng sản xuất công nghiệp mạnh vì chè đã hết vụ, bên cạnh đó, nhiều dự án khai thác khoáng sản, nhất quặng sắt đã ngừng hoạt động vì rất nhiều lý do khác nhau nên khả năng hoàn thành chỉ tiêu 220 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp khó thành hiện thực.

Để nắm bắt tình hình, đánh giá đúng thực tế và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn đã quyết định thành lập đoàn công tác liên ngành do Phòng Công thương chủ trì tiến hành khảo sát một số doanh nghiệp trên địa bàn. Tiếp cận với các doanh nghiệp, nhiều thông tin đã được nắm bắt, nhiều ý kiến đã được tiếp thu để kiến nghị với các cấp, các cơ quan chức năng có phương án tháo gỡ, giải quyết.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, khảo sát, đoàn công tác đã phát hiện ra thực tế: hầu hết các doanh nghiệp không báo cáo đúng giá trị sản xuất của đơn vị mình. Trong số 11 đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn được khảo sát đã có hơn 20 tỷ đồng giá trị sản xuất bị báo cáo hụt. Doanh nghiệp Hà Quang với ngành nghề khai thác quặng sắt là một thí  dụ.

9 tháng, doanh nghiệp kê khai đã khai thác được 6.800 tấn quặng nhưng thực tế  kiểm tra cho thấy doanh nghiệp đã khai thác gấp 3 lần số đó với khối lượng 18.800 tấn. Công ty TNHH số 1 Hải Dương khai thác quặng sắt ở Làng Mỵ khai báo 9 tháng được 200.000 tấn quặng sắt và đã chế biến được 60 tấn quặng tinh nhưng thực tế 9 tháng đầu năm doanh nghiệp này đã khai thác 300.000 tấn quặng thô và chế biến được 1.000 tấn quặng tinh với tổng giá trị báo cáo thiếu (theo giá cố định năm 1994) là hơn 15 tỷ đồng. 

Đánh giá của đoàn công tác liên ngành cho thấy, nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè chưa hiểu đúng phương pháp báo cáo. Các cơ chế biến chè chỉ báo cáo giá trị của lượng hàng tự mình sản xuất ra và đã tiêu thụ được mà không tính đến giá trị của lượng hàng mua từ các cơ sở chế biến khác về chế biến lại hoặc hàng vẫn tồn trong kho.

Điển hình trong số này là doanh nghiệp chè Bình Thuận chỉ báo cáo giá trị sản xuất được 898 tấn, trong khi thực tế đã sản xuất được 1.100 tấn (với giá trị hụt là 2,2 tỷ đồng). Đối với các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chưa thể khẳng định họ không báo đúng giá trị sản lượng vì  mục đích gì nhưng cũng không loại trừ khả năng các doanh nghiệp này đã lợi dụng quy định “tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm” của Luật Quản lý thuế để trốn thuế hoặc chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước. Trong đó, phải kể đến chiêu thức quay vòng hóa đơn hoặc nhiều xe vận chuyển nhưng chỉ một số ít có hóa đơn để trốn thuế.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Văn Chấn cho biết: “Một mình ngành thuế không thể quản lý hết được các doanh nghiệp. Năm 2010, Chi cục đã cử cán bộ ăn ở tại “vùng mỏ” Nậm Búng, Gia Hội, Tú Lệ mà chỉ thu được 1,4 tỷ đồng tiền thuế của cả chục doanh nghiệp khai thác khoáng sản. 8 tháng đầu năm nay, số thu tại đó cũng chỉ được 800 triệu đồng.

Trong hai tháng 9 và 10 năm 2011, số thuế thu được bằng không bởi các doanh nghiệp đã ngừng khai thác. Không chỉ giấu sản lượng khai thác và chế biến, hiện nay trên địa bàn Văn Chấn có doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản quy mô lớn nhưng không chịu nộp phí môi trường theo quy định gây khó khăn cho cán bộ làm công tác thu. Tới đây, ngành thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động các doanh nghiệp chấp hành nghiêm Luật Quản lý thuế. Cùng với đó là áp dụng các chế tài theo quy định.

Qua đợt khảo sát ngắn của đoàn công tác liên ngành huyện Văn Chấn tại 11 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn cho thấy, việc thực hiện Luật Thống kê ở đây chưa nghiêm túc; hàng chục tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng bị thiếu hụt so với thực tế, điều này sẽ ảnh hưởng đến vai trò quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, cụ thể là việc xây dựng, triển khai và đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… không sát hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó là sự yếu kém trong công tác quản lý trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác tràn lan, môi trường bị tổn hại, đường giao thông bị xuống cấp, bao vấn đề xã hội khác nảy sinh trong khi ngân sách Nhà nước vẫn thất thu lớn.

Hồng Phú

Các tin khác

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện Lục Yên đã phát hiện, xử lý 60 vụ vi phạm khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, thu hồi trên 42 m3 gỗ các loại.

Theo ông Bùi Kiến Thành - chuyên gia kinh tế cao cấp, muốn doanh nghiệp phát triển bền vững thì lãi suất hợp lý của các doanh nghiệp phải dưới 10%, có vậy mới giúp họ tiếp cận được nguồn vốn, thúc đẩy kinh doanh.

Phí xăng dầu sẽ tính gộp vào giá hàng hóa chưa tính thuế.

Hóa đơn sẽ ghi gộp phí xăng dầu vào giá hàng hóa chưa thuế, sau đó tính thuế giá trị gia tăng 10% tổng số tiền này.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt của gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Chăn Nuôi.

YBĐT - Trong những năm qua, ngoài tập trung sản xuất nông-lâm nghiệp, xã Xuân Ái (Văn Yên) đã tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã đã giảm xuống 11%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục