Văn Yên đẩy mạnh dự án cải tạo chè
- Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2011 | 9:04:43 AM
YBĐT - Các hộ nông dân khi tham gia dự án tiến hành trồng chè mới nhưng vẫn duy trì cây chè cũ trên nương đến khi cây chè mới bước vào giai đoạn cho thu hoạch.
Chăm sóc vườn ươm chè giống.
(Ảnh: Hà Linh
|
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, những năm gần đây, huyện Văn Yên đã qui hoạch phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp thành ba vùng, trong đó có vùng cây công nghiệp dài ngày như cây chè. Cây chè được Văn Yên xác định là cây kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương để xoá đói giảm nghèo.
Diện tích chè toàn huyện Văn Yên hiện có gần 500 ha nhưng chủ yếu là giống chè bản địa, năng suất thấp. Để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây chè, và thu nhập cho người trồng chè, vấn đề đặt ra với huyện Văn Yên là phải thay thế diện tích chè giống cũ bằng chè giống mới chất lượng cao. Tuy nhiên, nếu phá hết hoặc phá bỏ một phần diện tích chè cũ đều ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trồng chè và hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến. Do đó, cùng với việc vận động nhân dân cải tạo thay thế dần giống chè địa phương năng suất, chất lượng thấp sang trồng các giống chè mới có năng suất, sản lượng cao hơn, năm 2009, huyện Văn Yên đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình thay thế giống chè mới trên những diện tích chè già cỗi, năng suất thấp, giữ ổn định sản xuất và thu nhập cho người dân” ở 6 xã trên địa bàn huyện, Ban quản lý (BQL) dự án chè của huyện đã tiến hành rà soát quĩ đất, xây dựng và phân bổ chỉ tiêu cho từng xã, xây dựng một vườn ươm có qui mô 6 vạn bầu chè/ năm để chủ động về giống.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao tiến bộ KHKT được thực hiện đồng bộ, BQL dự án cải tạo chè của huyện đã mở được 8 lớp tập huấn cho kỹ thuật viên cơ sở và hộ nông dân nắm vững các qui trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chè, cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở hướng dẫn kỹ thuật đào rạch, trồng và chăm sóc chè cho từng hộ gia đình, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia dự án cải tạo chè được đẩy mạnh... Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, thị trường chè có nhiều biến động, giá chè xuống quá thấp, một số cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn huyện tạm ngừng hoạt động, chè búp tươi không có nơi tiêu thụ. Mặt khác giá sắn củ trên địa bàn đang có lợi thế nên người dân chỉ thấy lợi ích trước mắt nên đã sử dụng diện tích trồng chè để trồng sắn bóc màu. Chưa chú trọng đầu tư thâm canh cho việc trồng và cải tạo chè nên việc triển khai dự án thay thế chè giống cũ bằng các giống chè mới có năng suất chất lượng cao gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Định - Phó chủ tịch UBND xã An Thịnh chia sẻ: “Nhân dân xã An Thịnh rất hưởng ứng dự án cải tạo chè giống mới nhưng vì vào vụ xuân chưa có có chè giống mà phải chờ đến tháng bảy hoặc tháng tám mới có giống để trồng. Tâm lý người nông dân để đất trống thì lại tiếc, trong khi giá sắn cao sản lại rất cao nên trên những diện tích đất đã được qui hoạch trồng chè, bà con đã trồng sắn cao sản. Đến thời điểm giao chè giống thì sắn lại còn non, chưa cho thu hoạch, nên nông dân không thể phá sắn để trồng chè”.
Trước cái vòng luẩn quẩn ấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã An Thịnh một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, mặt khác cử cán bộ xuống cùng các hộ nông dân đã đăng ký trồng chè để đo đạc, đào rạch trồng chè trên diện tích đã được qui hoạch, đoạn nào vướng phải khóm sắn thì để lại, sau khi thu hoạch sắn xong thì tiếp tục đào rạch trồng bổ sung để hoàn chỉnh theo đúng qui trình kỹ thuật.
Yên Hợp là xã đi đầu trong phát triển trồng chè trên địa bàn huyện Văn Yên nhưng cũng gặp nhiều khó khăn như 6 xã thực hiện dự án cải tạo chè, với nhiều yếu tố tác động đến tâm lý người dân trong việc trồng mới, trồng cải tạo chè nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Yên Hợp đã tuyên truyền chỉ đạo sát sao với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và thành công bước đầu của một số hộ gia đình trong việc cải tạo nương chè đã trở thành động lực giúp người dân xã Yên Hợp gắn bó đầu tư cho cây chè.
Gia đình anh Tống Văn Phương ở thôn Khe Hóp là một trong những hộ điển hình trong phong trào cải tạo chè ở xã Yên Hợp, sau 4 năm cải tạo trồng thay thế giống chè trung du già cỗi bằng giống chè Phúc Vân Tiên, đến nay, 15 sào chè của gia đình anh mỗi tháng cho thu hái 5 tạ chè búp tươi. Gắn sản xuất với chế biến, anh Phương đã đầu tư 10 triệu đồng mua máy sao chè mi ni để sản xuất chè khô, với giá bán 50.000 đồng/kg chè khô như hiện nay đem lại cho gia đình anh thu nhập ổn định hơn 40 triệu đồng mỗi năm. Từ thành công của gia đình anh Phương, nhiều hộ trong thôn đã học tập và làm theo, hiện thôn Khe Hóp có 45 hộ đang tham gia cải tạo chè, trồng chè bằng giống Phúc Vân Tiên, trong đó 15 hộ có thu nhập ổn định từ chè giống mới.
Anh Phương phấn khởi cho biết: “Dự án thay thế giống chè mới trên những diện tích chè già cỗi năng suất thấp là một dự án rất phù hợp với đồng đất của xã Yên Hợp nói riêng và Văn Yên nói chung. Các hộ nông dân khi tham gia dự án vẫn tiến hành trồng chè mới nhưng vẫn duy trì cây chè cũ trên nương chè đến khi cây chè mới bước vào giai đoạn cho thu hoạch búp sẽ chặt bỏ cây chè cũ đi, như vậy thu nhập của người trồng chè vẫn ổn định. Lúc đầu gia đình anh và bà con ở xã Yên Hợp cũng không tin tưởng vào cây chè giống mới lắm nhưng thấy cây chè phát triển tốt, sau 4 năm chè đã cho thu hái, năng suất chất lượng vượt trội so với giống chè trung du, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng và tư thương ưa chuộng nên bà con rất tin tưởng và tích cực trồng”.
Dự án “ Xây dựng mô hình thay thế giống chè mới trên những diện tích chè già cỗi, năng suất thấp, giữ ổn định sản xuất và thu nhập cho người dân” trên địa bàn huyện Văn Yên bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song trong quá trình triển khai dự án còn bộc lộ không ít những hạn chế, đó là công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt, một số hộ triển khai làm đất muộn, chăm sóc thu hái tạo hình chưa đúng qui trình, nhiều hộ còn thiếu cây che bóng mát cho chè, diện tích trồng chè manh mún, nhỏ lẻ.
Hiện tại, huyện Văn Yên đang phối hợp với các ngành chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người trồng chè, khuyến khích tạo mọi điều kiện tốt nhất để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến chè, nhằm tạo thuận lợi cho người trồng chè có đầu ra ổn định.
Bên cạnh việc xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè, huyện Văn Yên tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động trong 6 xã thực hiện dự án để người dân hiểu rõ lợi ích của cây chè, từ đó đầu tư trồng và cải tạo chè. Đối với các xã khó khăn về điều kiện đất đai, trình độ canh tác chè, BQL dự án cải tạo chè của huyện sẽ giảm diện tích và tập trung vào các xã có thế mạnh về thâm canh chè như xã: Yên Hưng, An Thịnh, Yên Hợp, đưa chế biến nhỏ vào sản xuất chè xanh, đồng thời xây dựng các vườm ươm chè giống mới, với mục tiêu đưa cây chè không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà sẽ trở thành cây làm giàu cho người nông dân.
Để dự án này đạt kết quả cao, ngoài sự nỗ lực của các cấp các ngành và người trồng chè trong huyện, cũng rất cần sự quan tâm giải quyết các khó khăn, hỗ trợ tạo điều kiện hơn nữa của nhà nước và các ngành chức năng trong tỉnh để sản phẩm chè tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và cây chè thực sự trở thành cây mũi nhọn trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hồng Vân
Các tin khác
Toàn bộ phần vốn, nhân lực và công nghệ của EVN Telecom đang được chuyển cho phía Viettel tiếp quản. Công việc này sẽ hoàn được hoàn tất trong vòng một tháng tới để sẵn sàng khởi động bộ máy mới từ 1/1/2012.
Kết quả này cho thấy các giải pháp chính sách của Đảng và Nhà nước về kiềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng.
Theo Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, từ ngày 5 đến 8-12-2011, đoàn 10 doanh nghiệp Pháp hoạt động trong lĩnh vực đường sắt và đường sắt đô thị của Pháp có chuyến làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Việt Nam.
YBĐT - Tuy mới gia nhập vào tập đoàn cây công nghiệp nhưng dự án phát triển cây cao su ở Văn Yên đã và đang góp phần xoá đói giảm nghèo ở vùng cao này.