Đòn bẩy của các “triệu phú làng”

  • Cập nhật: Chủ nhật, 1/1/2012 | 9:10:09 AM

YBĐT - Đứng trước hàng loạt khó khăn như: thiên tai, dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, thiếu vốn sản xuất... nhưng chăn nuôi theo hướng hàng hóa năm qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn ổn định, xuất hiện nhiều trang trại doanh thu bạc tỷ.

Toàn tỉnh đã có trên 450 trang trại chăn nuôi đang sản xuất, góp phần cải tiến phương thức chăn nuôi và nâng cao giá trị sản xuất.
Toàn tỉnh đã có trên 450 trang trại chăn nuôi đang sản xuất, góp phần cải tiến phương thức chăn nuôi và nâng cao giá trị sản xuất.

Cuối năm, tranh thủ ngày nghỉ, tôi lên thăm trang trại chăn nuôi của gia đình anh Bùi Mạnh Hoàn, tổ 12, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình. Biết tiếng anh đã lâu nhưng khi tận mắt nhìn thấy cơ ngơi của ông chủ trẻ, tôi càng thêm cảm phục ông chủ trẻ này. Năm 2009, anh Hoàn quyết định chuyển hướng làm ăn từ nuôi gà theo kiểu tự cung tự cấp sang đầu tư gần trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi gà siêu trứng.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, Hoàn chia sẻ về động lực giúp anh có sự chuyển hướng này: “Chính sách chăn nuôi hàng hóa của tỉnh đã kích thích tôi làm ăn lớn. Nhờ vậy, gia đình tôi mới có bát ăn bát để, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.

Hiện tại, anh có trên 1.000 gà đẻ trứng, hàng ngày trang trại cung cấp cho thị trường trên 800 trứng, trừ chi phí, mỗi ngày nhặt trứng bỏ túi vài trăm nghìn đồng. Mô hình của Hoàn chỉ là một trong hàng trăm trang trại của Yên Bình đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Hiện toàn huyện có tới 147 trang trại chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung; trong đó: 52 mô hình lợn thịt, 45 mô hình lợn nái sinh sản và 59 mô hình gia cầm.

Những trang trại chăn nuôi quy mô, khép kín trị giá vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng đang mọc lên khắp các vùng quê. Kết quả đó có được là nhờ đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của từng vùng cùng với kết hợp nhiều chính sách của tỉnh làm đòn bẩy thúc đẩy sản xuất, kích cầu chăn nuôi.

Thời gian qua, cùng với các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi trang trại như hỗ trợ mô hình chăn nuôi lợn thịt với mức 30 triệu đồng/cơ sở quy mô 100 con trở lên, 30 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản; hỗ trợ chăn nuôi gia cầm, xây hầm khí sinh học; xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Nhờ đòn bẩy chăn nuôi này mà đã rất nhiều nông dân trở thành “triệu phú làng”.

Trang trại lợn rộng trên 300 m2 tại xã Minh Quân (Trấn Yên) của ông chủ trẻ Hoàng Văn Bảy là một điển hình. Bắt tay vào chăn nuôi hàng hóa từ năm 2009 với quy mô sản xuất 100 con lợn thịt/lứa, chỉ một năm sau, Bảy đã sở hữu 2 trang trại mỗi năm nuôi trên 800 con lợn thương phẩm và xuất ra thị trường trên 60 tấn thịt, trừ chi phí thu lãi gần 500 triệu đồng. Người dân trong xã coi đó là sự phát triển siêu tốc và phong anh là “vua lợn”.

Chính những thành công kể trên là một “bệ phóng” khá vững chắc để người nông dân cũng như các doanh nghiệp đủ niềm tin đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ chính sách này, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 450 trang trại chăn nuôi đang sản xuất, góp phần cải tiến phương thức chăn nuôi và nâng cao giá trị sản xuất. Do vậy, đây đang là mối quan tâm của nhiều nông dân. 

Tuy thế, bức tranh chăn nuôi trong tỉnh, nhìn toàn cảnh có thể nhận thấy hiện nay, người chăn nuôi vẫn còn những rào cản. Đó là, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chi phí thức ăn chiếm 60 - 70% giá thành, giá thức ăn liên tục tăng cao, vùng nguyên liệu cho chăn nuôi chưa hình thành rõ nét, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Việc tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng và cơ chế tài chính hỗ trợ để phát triển sản xuất của các cơ sở chăn nuôi còn khó khăn, giá đầu ra bấp bênh, chất lượng con giống thiếu và yếu (hiện nay, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn mới chỉ đáp ứng đủ 60 - 70% nhu cầu của người nuôi).

Từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung còn rất nhiều đòi hỏi. Đó là, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách chăn nuôi đến người dân, tăng cường đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông cơ sở và người chăn nuôi về kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất; lập phương án quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa dân cư; quản lý tốt đàn giống, thực hiện nghiêm quy trình phòng trừ dịch bệnh đảm bảo chất lượng an toàn cho đàn gia súc; đẩy mạnh phát triển các cơ sở sản xuất con giống tại các địa phương đảm bảo cung cấp tại chỗ nguồn giống chất lượng; tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm bằng việc liên kết các mô hình chăn nuôi, thành lập các hợp tác xã chăn nuôi, trong mua thức ăn, chế biến, thuốc thú y, phòng trừ dịch bệnh, xử lý môi trường, vốn...

Đặc biệt là liên kết chặt chẽ mối liên kết “ba nhà” gồm nhà khoa học, người sản xuất, cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tìm chung tiếng nói. Đồng thời, tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi cũng như kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường vệ sinh chăn nuôi. Cùng với đó, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi tập trung quy mô lớn bằng việc hỗ trợ lãi suất vốn vay; các ngân hàng nghiên cứu cơ chế, chính sách cho vay để khuyến khích hộ đủ điều kiện mở rộng quy mô sản xuất; làm tốt công tác dự báo thị trường, khuyến khích các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi. Giải quyết tốt những vấn đề trên sẽ là sự đảm bảo để chăn nuôi phát triển, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Thông Nguyễn

Các tin khác
Từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người Dao ở Trần Yên đã thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế rừng.

YBĐT - Năm 2011, với rất nhiều chính sách của Đảng và Chính phủ ưu tiên quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã và đang từng bước được cải thiện.

YBĐT - Những người trồng bưởi Đại Minh (Yên Bình - Yên Bái) chẳng mấy ai giữ lại nhiều bưởi trong nhà. Bưởi đã thành hàng hóa, thành hàng chục, hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Bưởi mang lại niềm vui cho người dân Đại Minh.

(Nguồn internet)

Ngày 30.12, giá vàng giảm 120.000 - 320.000 đồng/lượng so với ngày 29.12. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC công bố giá mua vàng miếng SJC còn 40,8 triệu đồng/lượng, giá bán còn 41,8 triệu đồng/lượng.

Chốt giá sáng nay, 30-12, giá vàng trong nước tiếp tục giảm 270.000 đồng/lượng so với giá cuối chiều qua, còn 41,85 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá thấp nhất của vàng trong hơn 3 tháng qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục