Giải pháp để Yên Bái phát triển chăn nuôi bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/1/2012 | 9:52:41 AM

YBĐT - Năm 2011, ngành chăn nuôi đứng trước tình trạng thiên tai, dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao nhưng chăn nuôi theo hướng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn ổn định.

Mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa đang phát triển mạnh ở huyện Trấn Yên. (Ảnh: Quang Thiều)
Mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa đang phát triển mạnh ở huyện Trấn Yên. (Ảnh: Quang Thiều)

Toàn tỉnh hiện có 651 trang trại chăn nuôi, trong đó có 376 trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm và lợn sinh sản, 155 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra còn có hàng chục mô hình chăn nuôi đại gia súc ở các huyện vùng cao. Tuy nhiên, làm thế nào để chăn nuôi hàng hóa phát triển bền vững trong thời gian tới vẫn là bài toán khó cần  sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nỗ lực của người chăn nuôi.

Hiện nay, xu hướng phát triển hình thức chăn nuôi trang trại có quy mô tập trung đã và đang được tỉnh quan tâm thúc đẩy phát triển. Đây cũng là hướng đi  phù hợp với yêu cầu thực tế. Bằng những chính sách, cơ chế hỗ trợ, tỉnh đã tạo thêm điểm tựa giúp người dân có điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Song, thực trạng chăn nuôi ở tỉnh ta hiện nay vẫn thiếu tính bền vững, giá trị chăn nuôi chưa xứng với tiềm năng. Để chăn nuôi phát triển bền vững thì điều tiên quyết vẫn là nâng cao chất lượng con giống. Nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn ngày một tăng cao, trong khi đó lượng giống sản xuất cung ứng trên địa bàn chỉ đáp ứng được từ 60 - 70% nhu cầu.

Nhìn vào thực tế sản xuất giống ở Yên Bái có thể thấy số lượng còn chưa đảm bảo, chất lượng còn hạn chế và quy mô phát triển sản xuất giống chưa được chú trọng. Điển hình như việc cung cấp lợn giống chủ yếu là từ nguồn cung ứng của các hộ dân. Trên địa bàn hiện chỉ có 3 cơ sở sản xuất kinh doanh lợn giống có quy mô từ 200 - 300 nái và 120 cơ sở có quy mô  từ 20 nái trở lên.

Mỗi năm các cơ sở này cung cấp cho thị trường từ 38.000 - 40.000 con lợn giống siêu nạc và hướng nạc nhưng số giống này cũng chỉ để phục vụ tại cơ sở. Do việc sản xuất con giống chưa đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi trong tỉnh nên thời gian vừa qua người chăn nuôi vẫn phải nhập một số lượng lớn con giống từ ngoại tỉnh để phục vụ nhu cầu sản xuất.

Đối với chất lượng giống trâu, bò lại càng gặp khó khăn nhiều hơn do tập quán chăn thả tự nhiên nên không kiểm soát được dịch bệnh. Việc sản xuất, cung ứng giống trâu, bò vẫn mang  nặng tính tự cung tự cấp. Còn đối với gia cầm thì 90% là giống  địa phương có năng suất thấp, quy mô sản xuất con giống vẫn mang tính phân tán, nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu.

Cùng với đó trong thời gian qua, ngành chăn nuôi của tỉnh lại đứng trước những thách thức lớn như tình hình thời tiết, dịch bệnh, giá thức ăn, con giống tăng cao. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến đầu đàn gia súc giảm gần 8% so với cùng kỳ. Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Trước hết là khuyến khích Trung tâm Giống vật nuôi, các trang trại chăn nuôi phát triển các đàn giống bố mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất tại địa phương.

 Đồng thời cần khuyến cáo người chăn nuôi cần mua con giống tại các trang trại, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn tránh mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn trong quản lý thức ăn chăn nuôi. Vận động người dân chế biến bảo quản thức ăn thô xanh cũng như tận dụng phụ phẩm nông nghiệp trong chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, giảm tải chi phí đầu vào cho thức ăn chăn nuôi.

Để chăn nuôi phát triển bền vững cần có hướng đi mới trong sản xuất, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Coi trọng chuyển dịch cơ cấu sản xuất và đa dạng hóa vật nuôi gắn với bảo vệ môi trường chăn nuôi, đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới phương thức chăn nuôi. Tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó chú trọng yếu tố vùng quy hoạch. Hướng dẫn chăn nuôi có kiểm soát, có chuồng trại, hạn chế chăn nuôi thả rông tại các huyện vùng cao.

Tăng cường quản lý chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y, vận động người dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn  nuôi. Kiểm soát chặt việc nhập giống gia súc, gia cầm vào địa bàn nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh để phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, cần có những chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi tập trung quy mô lớn bằng việc hỗ trợ lãi suất tiền vay và cơ chế chính sách cho vay để các hộ sản xuất đủ điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.

Đẩy mạnh rà soát, quy hoạch dành quỹ đất cho phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp... Đây chính là hướng đi mang tính bền vững cho ngành chăn nuôi cũng như phù hợp với xu thế phát triển của địa phương.

Thông Nguyễn

Các tin khác

Bộ NN&PTNT vừa có Công văn số 14/BNN-CB đề nghị Bộ Công thương xem xét, quyết định cho xuất khẩu 30.000 tấn đường từ nay đến Tết Nguyên đán theo đề nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này vừa đưa ra một gói giải pháp đồng bộ nhằm ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán cũng như cả năm 2012.

Các hãng hàng không đều tăng tải trên các đường bay nội địa trong dịp tết.

Từ ngày 7.1, Vietnam Airlines (VNA) tung ra thị trường 155.600 vé máy bay tăng tải phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp tết.

Quyết định tăng giá bán lẻ điện thêm 5% chưa ráo mực thì EVN đã lên kế hoạch tăng tiếp trong năm 2012 "nhằm đảm bảo bù đắp được chi phí và và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục