Văn Chấn: Bước đột phá trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/3/2012 | 9:24:15 AM
YBĐT - Với đặc thù là một huyện miền núi, kinh tế thuần nông, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, việc thu hút đầu tư còn hạn chế... do vậy, Văn Chấn (Yên Bái) không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển CN-TTCN.
Một góc Cụm công nghiệp Sơn Thịnh.
|
Tuy nhiên, bằng hướng đi cụ thể và những giải pháp đồng bộ, ngành CN-TTCN trên địa bàn huyện đã có sự phát triển mạnh mẽ, tạo bước đột phá, đưa Văn Chấn trở thành huyện phát triển phía Tây của tỉnh.
Năm 2011 được coi là một năm đầy khó khăn đối với sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, ngành CN-TTCN của huyện Văn Chấn cũng phải đối diện với nhiều thử thách. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó phòng Kinh tế và hạ tầng huyện cho biết: “Với chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất cùng với lạm phát và sự tăng giá của các nguyên liệu đầu vào nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn”.
Thời điểm đó, ngành chế biến chè (chiếm tới 70% giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện) phải đối diện với hàng loạt vấn đề. Đó là sự nở rộ của hàng loạt nhà máy chè đã dẫn đến hiện tượng mất cân đối giữa vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến, ảnh hưởng đến uy tín cũng như chất lượng của ngành chè. Đặc biệt, trong năm 2011 có một số đơn vị chế biến chè không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo vệ sinh đã gây rất nhiều khó khăn cho việc tiêu thụ mặt hàng chủ lực này.
Thêm vào đó, việc người dân sử dụng máy cắt chè không đúng kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến lứa hái, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị. Hoạt động khai thác khoáng sản cũng gặp nhiều khó khăn do việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và trong quá trình khai thác ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tiếp đó, nhiều đơn vị chưa thực hiện đền bù kịp thời cho người dân nên quá trình sản xuất cũng bị ảnh hưởng.
Trước những khó khăn đó, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng, đồng thời, triển khai đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình trong cụm công nghiệp như: hệ thống cấp nước, đường giao thông. Đặc biệt, huyện đã thành lập đoàn liên ngành phúc tra 53/70 đơn vị chế biến nông, lâm sản; tiến hành rà soát các sản phẩm công nghiệp, tham gia, xử lý các trường hợp chế biến chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kết quả, đã tịch thu và tiêu hủy trên 350kg chè không đảm bảo vệ sinh. Với những nỗ lực trên, ngành CN-TTCN trên địa bàn huyện vẫn được duy trì ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2011 của toàn huyện đạt 271,2 tỷ đồng, bằng 117% kế hoạch, tăng 41,2 tỷ đồng so với năm 2010.
Đặc biệt, huyện đã bàn giao sơ bộ mặt bằng cho 4 doanh nghiệp với tổng diện tích hơn 10 ha tại Cụm công nghiệp Sơn Thịnh. Ngoài ra, huyện đã triển khai quy hoạch, xây dựng Cụm công nghiệp Nậm Búng với tổng diện tích khoảng 50ha. Phát huy kết quả đạt được, năm 2012, Văn Chấn phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 385 tỷ đồng, trong đó sẽ tập trung vào khai thác lợi thế của một số mặt hàng chủ lực như: chế biến chè, khai thác vật liệu xây dựng; chế biến quặng sắt, chế biến gỗ rừng trồng, phát triển thủy điện vừa và nhỏ...; tháo gỡ khó khăn cho 2 ngành công nghiệp mũi nhọn của huyện là chế biến chè và khai thác khoáng sản.
Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ tập trung vận động các hộ dân chăm sóc, thu hái chè đúng kỹ thuật; yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị liên kết, tạo vùng nguyên liệu bền vững với các hộ dân. Huyện sẽ đi kiểm tra, rà soát các đơn vị sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn, đơn vị nào không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư hạn chế cấp phép hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.
Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, huyện sẽ thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra, giám sát các đơn vị theo đúng thiết kế nhằm giảm thiểu tối đa những khúc mắc giữa người dân và đơn vị khai thác, tiến tới ổn định sản xuất và đời sống của người dân địa phương. Bên cạnh đó, huyện sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thủ tục vay vốn, giải phóng mặt bằng nhằm kêu gọi các nguồn đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ; vận động các đơn vị đầu tư, mở rộng sản xuất theo quy hoạch và nâng cấp thiết bị, dây chuyền sản xuất.
Hùng Cường
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT kiểm tra tình trạng sử dụng chất độc hại trong chăn nuôi lợn tại tỉnh Đồng Nai.
Doanh nghiệp kiểm toán là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, thành viên là tổ chức được góp tối đa 35% vốn điều lệ.
YBĐT - Những năm qua, cùng với vận động hội viên phụ nữ chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Hội Phụ nữ xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em.
Giá vàng trong nước sáng 15-3 tiếp tục giảm còn 44,36 triệu đồng/lượng. So với giá sáng qua, mỗi lượng vàng mất thêm 220.000 đồng. Đêm 14/3 giá vàng thế giới giảm sâu về 1.637 USD/ounce - mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua.