Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ nông nghiệp ở Trấn Yên
- Cập nhật: Thứ hai, 2/4/2012 | 9:15:04 AM
YBĐT - Những năm qua, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã triển khai các mô hình, chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp, thuỷ sản bằng việc ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ giống cây trồng, vật nuôi... khá hiệu quả.
Trấn Yên đã quy hoạch và hình thành được vùng lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích trên 1.500 ha.
|
Thông qua các mô hình là cơ sở thực tiễn trở thành định hướng trong sản xuất và phát triển thành chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh, huyện, hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá, thị trường.
Là huyện vùng thấp nhưng, đời sống của người dân Trấn Yên chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản. Để từng bước đưa sản xuất nông-lâm nghiệp, chăn nuôi phát triển, cùng với các chính sách của tỉnh, huyện đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất và hỗ trợ vùng sản xuất hàng hoá đồng thời xây dựng các mô hình ứng dụng để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phương pháp canh tác.
10 năm trở lại đây, các chính sách hỗ trợ sản xuất đã hỗ trợ trên 16 tỷ đồng giúp bà con nông dân khai hoang ruộng nước, hỗ trợ giống cây, phân bón, gia súc, gia cầm, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng sản xuất hàng hoá, hỗ trợ nuôi bò bán công nghiệp...
Song song với đó là hàng loạt các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi thuỷ sản. Như các mô hình: ứng dụng phương pháp làm mạ che nilon, mạ khay đến lúa sạ hàng bằng giàn sạ kéo tay, hay các mô hình khảo nghiệm giống lúa lai, lúa chất lượng cao, ngô lai...
Trong sản xuất lâm nghiệp có mô hình trồng măng tre Bát độ, bạch đàn lai, keo lai; mô hình trồng dâu nuôi tằm, cải tạo giống chè... Việc xây dựng các mô hình đã có ý nghĩa thiết thực, tác dụng lớn đến tư tưởng, nhận thức của nhân dân, là cơ sở chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của nhân dân trong tập quán canh tác từ sản xuất tự cung tự cấp lên sản xuất theo hướng hàng hoá, thị trường.
Các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất từ vùng thấp đến vùng cao đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các loại sản phẩm từ nông nghiệp và là yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Kết quả một số mô hình là cơ sở thực tiễn để trở thành định hướng trong sản xuất và phát triển thành chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh cũng như của Trấn Yên hôm nay.
Tiêu biểu là mô hình trồng cải tạo và thay thế chè già cỗi, trồng dâu nuôi tằm, sản xuất lúa chất lượng cao, chăn nuôi gà sinh học, chăn nuôi lợn hàng hoá. Hẳn mỗi người dân Trấn Yên vẫn còn nhớ rõ, từ 20 gốc tre Bát độ được trồng thử nghiệm tại xã Hoà Cuông năm 2000 do Trạm Khuyến nông huyện thực hiện, đến nay đã phát triển thành vùng măng tre rộng lớn. Măng tre Bát độ đã trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương, góp phần tích cực xoá đói, giảm nghèo bền vững tại nhiều xã vùng cao.
Hiện cây măng tre Bát độ đã có mặt ở 12 xã với diện tích trên 1.223 ha, sản lượng măng khai thác năm 2012 đạt trên 15 ngàn tấn, giá trị đạt 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn phải nói đến mô hình sản xuất lúa chất lượng cao từ 10 ha ban đầu, bà con nông dân trong huyện đã ứng dụng và nhân ra diện rộng và diện tích cứ tăng theo mỗi năm và đến nay dã là 1.500 ha tại 10 xã. Quan trọng hơn là thông qua các mô hình, Trấn Yên đã chọn được một bộ giống chuẩn, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.
Rõ ràng kết quả thực hiện các mô hình nông nghiệp trong thời gian qua ở Trấn Yên đã góp phần lựa chọn được những giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai, trình độ canh tác của người dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo ra một số sản phẩm hàng hoá có thế mạnh, nâng cao đời sống nông thôn.
Nói như vậy cũng không có nghĩa tất cả các mô hình ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Trấn Yên trong những năm qua đều thành công. Cũng có nhiều mô hình rất tốt nhưng không nhân ra diện rộng được, hoặc có sản xuất cũng không bền vững như việc ứng dụng giống lúa: Nghi Hương 2308, TH3-3, Kim ưu 725; trồng bí đao, ớt, tỏi, củ cải xuất khẩu, dưa bao tử...
Thực tế ở Trấn Yên cho thấy, việc hỗ trợ sản xuất và xây dựng các mô hình ứng dụng sản xuất nông nghiệp là rất tốt và có tác động lớn đến quá trình sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị trên mỗi ha canh tác.
Tuy nhiên, để các mô hình nông nghiệp ứng dụng hiệu quả hơn nữa chúng ta phải có quá trình, có định hướng và đầu tư về nguồn lực đồng thời phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành tới bà con nông dân. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các đơn vị dịch vụ nông nghiệp, doanh nghiệp và đặc biệt quan tâm đến các mô hình chuyển giao khoa học công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Việc áp dụng mô hình phân viên nén dúi sâu đã giúp bà con nông dân vừa tiết kiệm chi phí, nhân lực vừa tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
YBĐT - Theo báo cáo của Cục Thống kê Yên Bái, giá trị sản xuất Công nghiệp trong quí I/2012 toàn tỉnh ước đạt trên 711 tỷ đồng (chưa có giá trị phân phối điện) bằng 18,2% kế hoạch năm.
Hội nghị Cấp cao kinh tế ASEAN-EU khai mạc ngày 1-4 và cộng đồng doanh nghiệp của hai khối đã kiến nghị nhiều vấn đề lên các nhà lãnh đạo ASEAN và Ủy ban Thương mại châu Âu. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại hội nghị là thông tin Việt Nam và EU chuẩn bị tiến tới đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) vì Việt Nam là đối tác thứ ba của EU trong ASEAN tiến tới đàm phán về vấn đề này. Bên lề hội nghị, phóng viên báo chí đã có cuộc phỏng vấn Trưởng phòng Thương mại kinh tế EU tại Việt Nam, ông Jean-Jacques Bouflet, về việc hai bên chuẩn bị đàm phán FTA.
Trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1/4, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định, trong năm nay chưa thu phí lưu hành vào nội đô và hạn chế phương tiện cá nhân. Ông Thăng cho biết, hai loại phí này phải chờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua.