Thêm động lực phát triển chăn nuôi hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/4/2012 | 2:53:00 PM

YBĐT - Các chính sách kích cầu chăn nuôi đã mang lại sự chuyển dịch rõ nét trong cơ cấu của ngành nông nghiệp. Đến nay đã có nhiều trang trại lớn được hình thành, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân. Đặc biệt, vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định 71 tiếp tục có hỗ trợ đối với chăn nuôi hàng hóa, người chăn nuôi như thêm động lực để phát triển.

Mô hình nuôi gà 1.000 con của gia đình bà Phạm Thị Nhung (thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái).
Mô hình nuôi gà 1.000 con của gia đình bà Phạm Thị Nhung (thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái).

Theo Quyết định 71/2012 của UBND tỉnh và Nghị quyết 40/2011 của HĐND tỉnh, đối với vùng đặc biệt khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo nuôi nhốt lợn thịt với quy mô từ 5 con trở lên mức 1 triệu đồng/hộ; hỗ trợ hộ nghèo nuôi gia cầm với quy mô 100 con/lứa hỗ trợ 1 triệu đồng.

Đối với vùng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn thịt có quy mô tối thiểu đạt 50 con lợn thịt/lứa mức 20 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô tối thiểu đạt 10 con lợn nái, mức 20 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô đạt 300 con lợn nái trở lên mức 200 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô 1.000 con/lứa trở lên mức 15 triệu đồng/cơ sở.

Dự tính, sẽ có 69 cơ sở nuôi trên 50 lợn thịt, 62 cơ sở nuôi trên 10 lợn nái, 1 cơ sở nuôi trên 300 nái, 70 cơ sở nuôi trên 1.000 con gia cầm được hỗ trợ trong năm 2012 này.

Ở vùng cao, 500 hộ nuôi lợn thả chuồng, 500 hộ nuôi gia cầm nhận được hỗ trợ. Bên cạnh chính sách của tỉnh, một số huyện cũng có những cơ chế hỗ trợ riêng. Văn Yên dành 940 triệu đồng hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa giai đoạn 2012 - 2015 với mức hỗ trợ 20 triệu đồng đối với cơ sở nuôi hỗn hợp lợn nái - lợn thịt quy mô thường xuyên có 5 lợn nái và 30 lợn thịt/cơ sở. 

So với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở nuôi lợn thịt quy mô 100 con và 20 triệu đồng/cơ sở nuôi lớn nái quy mô 20 con, chính sách mới đã có những thay đổi phù hợp với từng vùng miền, trình độ sản xuất của từng địa phương, nhất là đối với vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Theo các cơ quan chuyên môn, đối với vùng cao, nơi kinh tế còn khó khăn, nhận thức của đồng bào dân tộc còn hạn chế mức hỗ trợ như vậy sẽ khuyến khích được người dân có ý thức chăn nuôi tập trung, làm chuồng trại cho vật nuôi.

Còn đối với vùng sản xuất hàng hóa, quy mô chăn nuôi 50 con lợn thịt và 10 con lợn nái sẽ giúp người chăn nuôi quay vòng vốn nhanh hơn trong điều kiện từ thức ăn chăn nuôi, dịch vụ thú y, con giống đều "nhấp nhổm" tăng giá. Người chăn nuôi cũng thấy những ưu việt của Quyết định này. Gia đình ông Quách Mạnh Cường (thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình) thường xuyên nuôi 100 con lợn thịt.

Với kinh nghiệm nuôi lợn nhiều năm, ông cho biết: "Giá cả như bây giờ người chăn nuôi hoàn toàn không có lãi, nhưng nếu giá lợn tăng như năm ngoái, mỗi con lợn lại cho thu lãi khoảng 200 - 500.000 đồng/lứa. Nếu đầu tư trang trại 100 con lợn thịt cả hệ thống chuồng trại, hầm biogas, con giống, thức ăn cần khoảng 200 triệu đồng như thế sẽ là quá lớn với nông dân. Quy mô 50 con với mức đầu tư bằng một nửa sẽ nhiều người dám làm hơn, duy trì chăn nuôi ổn định khi giá cả cứ biến động như thế này".

Chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi lợn đã có những điều chỉnh thích hợp về quy mô với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, điều kiện hỗ trợ chăn nuôi gia cầm vẫn giữ nguyên quy mô 1.000 con. Qua thực tế cho thấy, điều này bộc lộ nhiều cái khó.

Theo ông Đào Bá Hiệp - Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, bà con rất phấn khởi vì có chính sách hỗ trợ. Lúc đầu, trong xã cũng có gần 10 hộ đăng ký mô hình chăn nuôi gà 1.000 con, nhưng qua khảo sát và phân tích nhiều hộ, đến nay đã xin rút nay chỉ còn 1 hộ. Số lượng gà quá cao, trong khi nuôi gà lại nhiều rủi ro, công tác phòng bệnh của người dân còn nhiều hạn chế. Những mô hình nuôi gà 1.000 con trước kia tại địa phương giờ cũng chỉ duy trì được một, hai năm.

Với giá cả như hiện nay, nuôi 1.000 con gà, hộ gia đình sẽ phải đầu tư chi phí ban đầu khoảng 60 triệu đồng. Ý kiến của nhiều hộ chăn nuôi cho rằng nếu như số tiền hỗ trợ có thể ít hơn nhưng quy mô 500 con sẽ có rất nhiều hộ tham gia, như vậy cũng khuyến khích được phát triển hàng hóa.

Chính sách phát triển chăn nuôi hàng hóa đã mang lại hiệu quả rõ rệt với kinh tế nông nghiệp của địa phương. Sau 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ, toàn tỉnh đã hình thành được 571 cơ sở chăn nuôi lợn nái, lợn thịt và gia cầm có quy mô lớn. Chính sách đã thay đổi tập quán chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và tăng tỷ trọng giá trị của chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Song để chăn nuôi phát triển bền vững cần đi đôi với ổn định đầu ra cho sản phẩm để nông dân không phải chịu cảnh lao đao vì nợ nần. Thêm nữa, số vốn hàng trăm triệu đồng đầu tư cho chăn nuôi hàng hóa là điều khó đối với bất kỳ hộ nông dân nào muốn làm ăn lớn. Do vậy, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, cần có kênh hỗ trợ vốn vay cho chăn nuôi hàng hóa. Dịch vụ thú y tại khu vực nông thôn cũng là lỗ hổng lớn cần lấp đầy khi các dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và người chăn nuôi có thể trắng tay trong chốc lát.

 Hồng Khanh 

Các tin khác

YBĐT - Ngày 5/4, huyện Lục Yên tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua với chủ đề “Lục Yên chung sức xây dựng nông thôn mới”. >>Lục Yên chú trọng tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới

Từ 25/5, Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng.

Sáng nay 5/4, giá vàng miếng trong nước giảm tiếp 300.000 đồng/lượng so với hôm qua, xuống mức 43,4 triệu đồng/lượng. Trên thế giới, giá vàng đêm qua cũng giảm gần 60 USD/ounce.

EuroCham tin rằng khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết, FDI của EU sẽ tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng.

Với dự báo khách du lịch đến Phú Quốc và Côn Đảo sẽ tăng cao trong các ngày lễ 30-4, 1-5 và dịp hè, đặc biệt từ khu vực Tây Nguyên, miền Trung; Hãng Hàng không Air Mekong cho biết hãng sẽ tăng chuyến bay đi Phú Quốc, Côn Đảo và Đà Lạt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục