Nghề phụ ở Phan Thanh
- Cập nhật: Thứ năm, 12/4/2012 | 9:50:48 AM
YBĐT - Cùng với sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi, nghề phụ này đã góp phần giúp xã Phan Thanh, huyện Lục Yên (Yên Bái) phấn đấu đưa mức thu nhập trung bình của người dân lên 8 triệu đồng vào năm 2015.
Phụ nữ thôn Bản Chang đan rọ tôm tăng thu nhập.
|
Do cách xa trung tâm huyện, giao thông đi lại không thuận lợi, đất đai canh tác ít, cùng với yếu tố về nhận thức... nên đời sống người dân Phan Thanh, huyện Lục Yên (Yên Bái) gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi có thị trường đầu ra và cơ chế khuyến khích, một nghề phụ tưởng như hết sức bình thường nhưng đã góp phần thay đổi đời sống người dân nơi đây.
Xuống Phan Thanh đúng hôm mưa nhưng lại hóa may bởi đây chính là điều kiện để chúng tôi được chứng kiến cảnh đan rọ tôm của bà con nơi đây. Dưới những ngôi nhà sàn, từng nhóm các bà, các chị người chẻ lạt, người thoăn thoắt đan rọ.
Anh Hoàng Văn Chiến - Trưởng thôn Bản Lăn có 63 hộ dân cho biết: "Tranh thủ trời mưa, các chị, các bà tụ tập làm với nhau cho vui. Nghề này là nghề phụ tranh thủ làm là chính như lúc nông nhàn hay xem ti vi buổi tối... nhưng vì có đầu ra chịu khó ngày cũng kiếm được dăm chục. Hiện nay hầu hết các hộ trong thôn đều có người làm, từ ngày có nghề đan rọ, cuộc sống của bà con cũng đã đỡ đi rất nhiều".
Tay thoăn thoắt với những mũi lạt, chị Vi Thị Hoa - Chi hội Phụ nữ thôn Bản Chang chia sẻ: "Nghề này học không khó, chi phí không nhiều, mà cũng tạo thu nhập tương đối khá. Mỗi tháng chịu khó cũng được từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Do tạo thu nhập như vậy nên ngoài công việc chính là đồng áng phụ nữ chúng tôi đều tham gia tích cực".
Đồng chí Vi Đình Vân cho biết: "Phan Thanh là địa bàn sinh sống của 500 hộ với 2331 khẩu người Tày, Nùng, Dao, Kinh bên vùng hồ Thác Bà, vì vậy việc đan rọ để đánh bắt tôm đã có trong dân từ lâu.
Tuy nhiên, trước đây nó chỉ phục vụ cho nhu cầu của từng gia đình nhưng vài năm gần đây đã có thị trường đầu ra do Thủy điện Lai Châu, Sơn La... xây dựng xong, nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ra đời và nghề đan rọ tôm đã có cơ hội để phát triển.
Theo tính toán, hộ ít cũng có một vài người làm, hộ nhiều thì cả nhà 5-7 người tham gia, do đó trung bình mỗi ngày toàn xã cũng sản xuất ra được 3.000 chiếc rọ.
Với giá từ 3000-4000 đồng/chiếc, trừ chi phí mỗi lao động cũng kiếm được 50 ngàn đồng, đối với những người nông dân thì đây là nguồn thu không nhỏ, giúp cho việc giải quyết chi tiêu trong mỗi gia đình. Thậm chí nhiều gia đình đan rọ đã có điều kiện trang trải cho con tiếp tục đi học chuyên nghiệp hay học đại học.
Năm qua, toàn xã có 13 cháu đi học đại học, có gia đình như Lục Thị Phùng ở Bản Hốc có hai cháu học đại học đều trông vào nguồn thu từ đan rọ tôm.
Được biết, để nghề phụ phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, dưới sự chỉ đạo của huyện, Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên đã tiến hành mở hai lớp dạy nghề cho trên 60 người ở thôn Bản Kè và Bản Chang theo chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Chính quyền xã cũng khuyến khích phát triển nghề phụ này.
Điển hình như ngày 8/3 vừa qua xã đã chỉ đạo Hội phụ nữ tổ chức cuộc thi đan rọ thu hút được sự tham gia rất đông của hội viên phụ nữ ở các thôn trong xã.
Với trên 53% số hộ nghèo như hiện nay, từ khi có nghề đan rọ tôm, cuộc sống của người dân Phan Thanh đã đỡ khó khăn vất vả hơn rất nhiều.
Cùng với sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi, nghề phụ này đã góp phần giúp Phan Thanh phấn đấu đưa mức thu nhập trung bình của người dân lên 8 triệu đồng vào năm 2015.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Ngày 11-4, tiếp tục Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật Giá, theo đó, sắt, thép, xi măng bị đưa ra khỏi danh mục hàng hóa bình ổn.
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng sử dụng chất tạo nạc beta-agonist trong chăn nuôi.
Ngày 11-4, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2012 với dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam sẽ giảm xuống mức 5,7%, thấp hơn các mức 6,3% và 6,5% phát đi từ năm ngoái.
YBĐT - Tuy mới triển khai, thực hiện nhưng đến 31/3/2012 Yên Bái đã hoàn thành thống kê lập danh sách các chủ rừng là ban quản lý, tổ chức, doanh nghiệp có quyết định giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.