Yên Bái phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản
- Cập nhật: Thứ năm, 19/4/2012 | 10:41:48 AM
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi có tiềm năng, thế mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Anh Trần Văn Bình - chủ hộ nuôi cá lồng ở xã Vũ Linh (Yên Bình) kiểm tra giống cá nheo mới thả.
|
Nhằm khơi dậy nội lực trong sản xuất nông, lâm nghiệp và nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương, những năm qua, HĐND tỉnh Yên Bái đã xây dựng và ban hành một số nghị quyết về chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, tạo điều kiện cho nhân dân ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phát triển sản xuất, nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Yên Bái có tiềm năng về phát triển thủy sản với trên 23.000ha đầm, hồ và hàng nghìn km sông, suối thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà.
Hồ Thác Bà nằm trong địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên, có diện tích mặt nước trên 19.000ha với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ. Để phát huy thế mạnh về nuôi trồng thủy sản ở các địa phương trong tỉnh nói chung và nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà nói riêng, HĐND tỉnh đã xây dựng, ban hành Nghị quyết số 09/2008/NQ-HĐND ngày 02/04/2008: Về chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2010.
Hơn 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết với chính sách hỗ trợ vùng nuôi trồng thủy sản tập trung là “đòn bẩy” quan trọng để “kích cầu” các hộ dân ở các địa phương trong tỉnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn hộ dân ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được hưởng lợi, nhất là ở các nơi có hồ nước như: Vân Hội, Minh Quân (Trấn Yên), Vũ Linh, Phúc An, Mông Sơn, thị trấn Thác Bà (Yên Bình)… đã có hàng trăm hộ dân đầu tư nuôi cá lồng, nuôi cá theo mô hình bán thâm canh trên ao, hồ, nuôi ba ba đạt giá trị thu nhập cao.
Chị Phạm Thị Lai - Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: Hiện nay, Yên Bình có trên 4.700 hộ ở 26/26 xã, thị trấn tham gia nuôi trồng thủy sản với diện tích 546ha, trong đó nuôi cá ao hồ nhỏ trên 392ha, nuôi cá ở đập thủy lợi 189,556ha, nuôi ba ba và thủy đặc sản khác 1,632ha.
Có 98 hộ nuôi cá lồng chủ yếu trên hồ Thác Bà với 364 lồng cá, trong đó 98 hộ được hỗ trợ 189 lồng với mức 3 triệu đồng/lồng nuôi cá. Do triển khai tốt chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện về nuôi thủy sản trên địa bàn nên sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện đạt khá cao.
Tổng sản lượng thủy sản năm 2011 của huyện đạt 2.325 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.700 tấn. Qua thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đã có một số công ty, chủ hộ dân mạnh dạn đầu tư nuôi cá đặc sản như: mô hình nuôi cá tầm thương phẩm của Công ty cá tầm Phương Bắc, mô hình nuôi cá nheo, cá chiên, cá lăng và một số loại cá khác của anh Trần Văn Bình ở xã Vũ Linh với 36 lồng cá, chị Trần Thị Tố Nga ở thị trấn Thác Bà làm 121 lồng cá, được hỗ trợ 21 lồng.
Đây là những mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tiêu biểu cho hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng. Anh Trần Văn Bình - chủ hộ nuôi cá lồng ở xã Vũ Linh tâm sự: “Trước đây tôi tham gia khai thác, đánh bắt cá trên hồ Thác Bà bán kiếm tiền trang trải sinh hoạt trong gia đình.
Nhưng rồi nhiều người khai thác, đánh bắt, nguồn lợi thủy sản trong hồ cạn kiệt dần, mình quyết định “giải nghệ” lên bờ tìm hướng phát triển kinh tế mới. Tình cờ trong một chuyến được mời đi thăm quan tại Móng Cái (Quảng Ninh), đến xem một số mô hình nuôi cá lồng trên hồ nhân tạo nhưng chủ hộ nuôi cá ở đây phải thuê 100 triệu đồng/năm, tôi chợt có sự so sánh, tại sao quê mình có mặt nước hồ rộng như vậy, không phải thuê mà lại không làm.
Vậy là tôi quyết tâm sưu tầm tài liệu trên mạng Internet, ở Chi cục Thủy sản Yên Bái học tập, nghiên cứu đầu tư nuôi cá lồng. Sau khi lập dự án được Chi cục Thủy sản và huyện nhất trí giao cho 2ha mặt nước để nuôi cá lâu dài.
Tháng 4/2010, gia đình đầu tư đóng 20 lồng cá, được hỗ trợ 13 lồng, 39 triệu đồng, sau đó mua giống cá nheo, các trắm cỏ, trắm đen về nuôi. Thức ăn chủ yếu là mua tôm cá vụn do nhân dân đánh bắt và bã sắn của nhà máy nên chi phí không cao. Năm đầu nuôi, trừ chi phí, thuê 3 lao động đi còn lãi trên 100 triệu đồng.
Năm 2011, chủ yếu nuôi cá nheo, đầu tư thêm 16 lồng lưới, sản lượng tăng nhưng do giá cả không ổn, giảm từ 140 ngàn đồng/kg xuống 100 ngàn đồng/kg nhưng cũng lãi được khoảng 130 triệu đồng.
Yên Bình còn nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả nhờ chính sách hỗ trợ như mô hình nuôi ba ba của gia đình ông Nguyễn Tiến Đạt ở xã Thịnh Hưng, được hỗ trợ 15 triệu đồng, năm 2011 lãi 825 triệu đồng; mô hình nuôi cá bán thâm canh của gia đình anh Phạm Văn Thùy ở xã Mông Sơn, được hỗ trợ 8 triệu bằng các giống cá trôi, chép, mè…, nuôi trên diện tích 2ha, năm 2011 lãi trên 60 triệu đồng.
Nhờ có những nghị quyết hợp lòng dân mà nhiều người dân ở Yên Bình nói riêng và hàng nghìn hộ dân trong tỉnh nói chung đã được hưởng lợi. Nghề nuôi trồng thủy sản ở Yên Bái không chỉ giúp hàng nghìn hộ dân thoát khỏi diện đói nghèo, trở thành hộ khá giả, mà còn đóng góp đáng kể vào phát kinh tế của tỉnh.
Năm 2007, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, đánh bắt của toàn tỉnh đạt 5.000 tấn. Đến năm 2011, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, đánh bắt của tỉnh đạt trên 6.500 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt trên 4.000 tấn.
Để phát huy những kết quả đã đạt được qua việc thực hiện Nghị quyết số 09/2008/NQ-HĐND, ngày 21/12/2011 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 40/2011/NQ- HĐND Về bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012- 2015.
Theo đó, ngoài việc tiếp tục hỗ trợ cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản, hàng năm tỉnh bố trí 1.500 triệu đồng, hỗ trợ thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản vào hồ Thác Bà và các hồ lớn khác trong tỉnh.
Đồng thời tạo điều kiện, mời gọi để thu hút các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản vào khu vực huyện Yên Bình, Trấn Yên; các dự án nuôi cá hồi, cá tầm vào các huyện Mù Cang Chải và Văn Yên… đưa nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển lớn mạnh.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Vụ đông xuân 2012, huyện Văn Yên đưa vào gieo cấy 2.741 ha lúa, đạt 99,7% kế hoạch. Qua kiểm tra tại cơ sở cho thấy, toàn bộ diện tích, đều đảm bảo nước, cây lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh sinh trưởng, phát triển tốt, không có sâu bệnh.
YBĐT - Tại Yên Bái, các đơn vị chủ yếu kinh doanh theo hình thức làm đại lý phân phối cho các công ty sữa cung ứng cho các cửa hàng kinh doanh sữa tại tất các huyện, thị bán lẻ tới người tiêu dùng.
Trước việc nhiều lô hàng bị nhiễm mọt TG (tên khoa học Trogoderma granarium), ngày 18-4, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, sắp tới sẽ đề xuất tạm dừng nhập một số mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) từ Ấn Độ.
Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP rà soát, báo cáo rõ trường hợp DN có chủ, người đại diện hợp pháp là người nước ngoài còn nợ thuế, nợ phạt chậm nộp thuế đã bỏ trốn khiến cơ quan Hải quan không thu hồi được nợ thuế.