Thành phố Yên Bái: Quy hoạch vùng sản xuất tập trung

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/4/2012 | 9:22:22 AM

YBĐT - Hiện nay, thành phố Yên Bái có 8.716 hộ, 28.644 khẩu tham gia sản xuất nông - lâm - thủy sản, trong đó có 3.453 hộ sản xuất nông nghiệp, chiếm 39,6%.

Thành phố đã quy hoạch sản xuất rau sạch tại các xã: Tuy Lộc, Âu Lâu, Tân Thịnh. (Ảnh: Thanh Miền)
Thành phố đã quy hoạch sản xuất rau sạch tại các xã: Tuy Lộc, Âu Lâu, Tân Thịnh. (Ảnh: Thanh Miền)

Xác định quy hoạch vùng sản xuất tập trung là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để hình thành nền nông nghiệp hàng hóa, thành phố đã đẩy mạnh phát triển xây dựng vùng sản xuất. Bên cạnh đó là tập trung xây dựng các ngành nghề mới trong nông nghiệp, thực hiện giải pháp chuyên canh hóa vùng sản xuất nông nghiệp và tạo lập các làng nghề theo vùng nhằm góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế.

Theo đó, thành phố đã triển khai xây dựng Dự án phát triển nghề nuôi trồng nấm tại xã Giới Phiên và Minh Bảo, nghề trồng hoa đào tại xã Minh Bảo, làng nghề sản xuất miến đao tại xã Giới Phiên, lập Dự án rau an toàn tại xã Tuy Lộc, Tân Thịnh, Âu Lâu.

Từ định hướng đó, cùng với phát triển các nghề truyền thống, nhiều nghề mới được hình thành đã thu hút, tạo việc làm cho lực lượng lớn lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân như nuôi trồng nấm, trồng hoa, rau màu. Năm 2010, thành phố đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển sản xuất nấm thực phẩm và nấm dược liệu (giai đoạn 2010 - 2012); hỗ trợ các hộ tham gia Đề án một phần kinh phí làm lán trại, mua bịch nấm giống cũng như chú trọng khuyến khích các gia đình sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia.

Đặc biệt, sự phối hợp tích cực của Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà với Dự án sản xuất giống nấm và nấm thương phẩm quy mô công nghiệp có hỗ trợ của Quỹ Thách thức Việt Nam đã bảo đảm việc cung cấp bịch giống, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Qua đó đã thu hút 175 hộ tham gia, trong đó có 40 hộ nghèo; số lượng bịch treo trong 2 năm 2010 - 2011 đạt trên 1 triệu bịch, sản lượng nấm tươi đạt hơn 279 tấn.

Thành phố hiện có trên 10 nhóm hộ tự sản xuất bịch nấm giống nhằm bảo đảm phát triển nghề nuôi trồng nấm bền vững, hiệu quả, giảm giá thành chi phí đầu vào và đã có trên 400 lao động nông thôn được giải quyết việc làm thường xuyên.

Ông Bùi Kim Hùng ở thôn 2, xã Giới Phiên bộc bạch: “Ban đầu tham gia dự án trồng nấm, gia đình tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì có công ăn việc làm song lại lo vì không biết kết quả sẽ ra sao. Nhưng chỉ ngay trong vụ đầu, gia đình tôi đã thu gần 30 triệu đồng từ nấm. Bây giờ, xã tôi đã có 69 hộ sản xuất nấm”.

Nghề sản xuất miến đao là nghề truyền thống lâu đời của xã Giới Phiên, Phúc Lộc nhưng hiện nay tập trung chủ yếu ở Giới Phiên. Tính đến thời điểm này, thành phố mới chỉ có làng nghề sản xuất miến đao tại thôn 6, xã Giới Phiên là đủ điều kiện để công nhận làng nghề theo Thông tư số 116 ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nếu như cả xã Giới Phiên có 54 hộ sản xuất miến đao thì 41 hộ nằm trên địa bàn thôn 6. Có 40% số hộ đã sử dụng máy ép thủy lực trong sản xuất miến nên năng suất cao hơn so với sản xuất thủ công. Thành phố cũng tập trung quy hoạch vùng sản xuất rau sạch và rau an toàn tại xã Âu Lâu, Tân Thịnh, Tuy Lộc với tổng diện tích 74ha; xây dựng vùng nghề trồng hoa đào tại xã Minh Bảo.

Ông Cao Xuân Thanh - Chủ tịch UBND xã Minh Bảo cho hay: “Hiện nay, xã Minh Bảo có 206 hộ trồng 3.238 cây hoa đào. Trong vụ xuân 2012 đã có thêm 3.650 cây hoa đào được trồng mới. Xác định tạo lập vùng sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp sẽ tạo đà thực hiện tốt quy hoạch sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, Minh Bảo đã lựa chọn thôn Trực Bình 1, Trực Bình 2 để xây dựng vùng chuyên canh trồng hoa đào. Đây cũng là một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng địa phương”. 

Xây dựng và phát triển làng nghề, các làng có nghề không những đưa nông nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội mà còn khai thác lợi thế về nguồn nguyên liệu, nguồn lao động và vị trí địa lý của từng địa phương.

Đặc biệt, đây cũng là tiền đề tạo lập quy hoạch các vùng sản xuất theo hướng xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng khu vực. Đẩy nhanh quá trình xây dựng các làng nghề, làng có nghề, thành phố đã lập các dự án, tập trung xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu xây dựng một số chính sách hỗ trợ các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển của địa phương.

Cùng với đó, thay đổi tập quán canh tác, thực hiện tốt việc luân canh, dồn điền đổi thửa theo định hướng tập trung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 8 xã: Tuy Lộc, Âu Lâu, Minh Bảo, Giới Phiên, Phúc Lộc, Tân Thịnh, Văn Phú, Văn Tiến. Thành phố cũng chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với áp dụng hiệu quả các quy trình APM, quản lý tốt quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt; tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên cơ sở gắn kết tự nguyện “4 nhà”.

Ông Hoàng Quốc Cường - Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Tới đây, thành phố tiếp tục tập trung hỗ trợ công tác phát triển các nghề có thu nhập cao để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó nhân rộng các nghề truyền thống, phát triển các làng có nghề, phát triển  nghề ở những làng chưa có nghề và xây dựng thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nấm, miến đao. Đồng thời từng bước nhân rộng các mô hình làng nghề, làng có nghề gắn với đặc thù, thế mạnh của địa phương để tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập, phát huy hiệu quả kinh tế, từng bước xóa nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”.

 Bích Liên

Các tin khác
Cán bộ công nhân Trại kiểm tra cá bố mẹ

YBĐT - Trong những năm qua, Trại giống thuỷ sản Nghĩa Lộ luôn nỗ lực trong việc nghiên cứu, chuyển giao kiến thức KHKT, bảo tồn và sản xuất các loại cá quý hiếm, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ nhu cầu nghề cá trong nhân dân.

Danh sách này gồm Công ty chứng khoán Cao su, Vina, Hà Nội, Trường Sơn, Đà Nẵng và Mê Kông. Thời gian kiểm soát đặc biệt bắt đầu từ 23/4/2012.

Trên công trình thuỷ điện Lai Châu

Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện ở bậc thang cuối cùng trên sông Đà.

Khai thác chế biến quặng sắt gặp nhiều khó khăn do không có thị trường đầu ra.

YBĐT - Giá trị sản xuất công nghiệp quí I/2012 toàn tỉnh Yên Bái ước đạt 711,724 tỷ đồng, bằng 18,2% kế hoạch năm và tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục