Góp phần bảo vệ hiệu quả, bền vững rừng Yên Bái
- Cập nhật: Thứ năm, 17/5/2012 | 3:09:01 PM
YBĐT - Thống kê, rà soát, lập danh sách chuẩn các chủ rừng nhằm thực hiện tốt cho việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) công bằng hợp lý là một trong những khâu quan trọng trong quá trình thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường rừng mà tỉnh Yên Bái đang triển khai thực hiện.
Lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng phát thực bì, phòng chống cháy rừng mùa khô hanh.
|
Tuy mới trong quá trình chuẩn bị, nhân sự chủ yếu là kiêm nhiệm và lại là mô hình mới, song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ nên chỉ trong thời gian ngắn, Yên Bái đã cơ bản xác định xong ranh giới lưu vực của các nhà máy thủy điện và thống kê, lập danh sách các chủ rừng được hưởng phí DVMTR.
Yên Bái có diện rừng và đất rừng rộng lớn. Trong những năm qua, tỉnh thực hiện khá tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, nhờ vậy, diện tích rừng cũng như trữ lượng rừng ngày một tăng, tỷ lệ tàn che đạt trên 60%.
Rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng ngàn, hàng vạn hộ dân từ vùng thấp đến vùng cao đã sống được bằng nghề rừng và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, rừng đã bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu...
Để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng ngày một bền vững cần nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân làm rừng. Chính vì vậy, Yên Bái đang gấp rút thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường rừng. Quỹ này có nhiệm vụ chi trả cho các chủ rừng đang quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nằm trong các lưu vực của các nhà máy thủy điện.
Tuy nhiên, để việc trả phí được công bằng, đúng đối tượng cần rà soát, lập danh sách chính xác các chủ rừng là ban quản lý, tổ chức, doanh nghiệp đang được Nhà nước giao, cho thuê rừng, các chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng, thống kê lập danh sách các xã, được tỉnh, huyện giao quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp.
Một công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng khi thực hiện lại gặp vô vàn khó khăn bởi diện tích rừng lớn, đi lại rất khó khăn, hàng ngàn, hàng vạn cá nhân, tổ chức, tập thể đang tham gia bảo vệ và phát triển vốn rừng. Không chỉ vậy, số hộ được giao khoán, bảo vệ rừng, trồng rừng lại thông qua nhiều tổ chức giao và cấp giấy chứng nhận, số hộ được cấp mới vẫn chưa được cập nhật, có khá nhiều chủ rừng của một diện tích rừng nhất định nào đó nhưng nay đã được chuyển đổi qua ba, bốn người nên rất khó xác định… Mặt khác, kinh phí cho việc thực hiện, điều tra chủ rừng, diện tích rừng cho từng lưu vực gặp khó khăn.
Song chỉ trong thời gian ngắn Tổ công tác đã rà soát, đánh giá, phân loại 45.477 ha rừng, trong đó có 7.361,9 ha rừng tự nhiên và 38.115 ha rừng trồng của 25.107 hộ gia đình, cá nhân thuộc 8 huyện, thị trong tỉnh; phân loại, xác định 250 ngàn ha rừng (160.580 ha rừng tự nhiên, 89.462 ha rừng trồng), trong đó có 114.527 ha rừng do 22 tổ chức, doanh nghiệp quản lý, 45.477 ha rừng do các hộ gia đình và cộng đồng dân cư quản lý, 90.037 ha rừng do UBND các huyện quản lý.
Ông Tô Xuân Quý - Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp cho biết: "Trong quá trình điều tra, đánh giá gặp không ít khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cán bộ trong Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo nên đến hết tháng 4/2012, Yên Bái đã cơ bản hoàn thành bước đầu việc đánh giá, xác định, thống kê, lập danh sách các chủ rừng. Hiện nay, Tổ công tác đang gấp rút thống nhất về số lượng và các chủ rừng với các cơ quan, ngành chủ quản để hoàn thiện trình cấp trên phê duyệt".
Việc xác định lưu vực của các nhà máy thủy điện, chủ rừng để xác định các chủ rừng được hưởng lợi từ phí DVMTR, xác định các nhà máy thủy điện, doanh nghiệp phải đóng phí DVMTR là nỗ lực lớn và là một trong những quy trình quan trọng trong việc sớm đưa Quỹ vào hoạt động, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững hơn.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Với mục tiêu đẩy nhanh chương trình phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở trên địa bàn từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) đã tập trung vận động người dân hiến đất, góp công góp sức xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT).
Việt Nam xếp thứ 53 trong tổng số 155 nền kinh tế được xếp hạng về dịch vụ hậu cần thương mại, theo khảo sát vừa được Ngân hàng Thế giới công bố sáng 17-5.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết chỉ những hàng hóa sản xuất trong nước mới được gia hạn thuế giá trị gia tăng (VAT), còn hàng tiêu dùng nhập khẩu sẽ không được hưởng chính sách này.
Sau một ngày để mất mốc 41 triệu đồng/lượng, sáng 17/5, giá vàng trong nước đã đảo chiều tăng trên dưới 200.000 đồng, vượt mốc trên nhờ giá kim loại quý thế giới đang hồi phục.