Hạnh Sơn nỗ lực xóa đói nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 19/6/2012 | 3:17:57 PM
YBĐT - Từ một xã nghèo của huyện Văn Chấn (Yên Bái), vài năm trở lại đây xã Hạnh Sơn đã phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống nhân dân đã có nhiều khởi sắc.
Nông dân xã Hạnh Sơn thu hoạch lúa xuân 2012, năng suất đạt gần 8 tấn/ha.
|
Tuy chưa phải là giàu nhưng số hộ khá giả ngày một nhiều, hộ đói, hộ nghèo đã giảm đáng kể, cơ sở hạ tầng nông thôn (điện, đường, trường, trạm) được xây dựng khang trang. Vui hơn cả là đã làm thay đổi được cách nghĩ, cách làm từ manh mún lạc hậu, tự cung tự cấp lên sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường.
Là xã nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò phì nhiêu nhưng do dân số đông, đời sống người dân lại chủ yếu là thuần nông, diện tích đất sản xuất nông - lâm nghiệp ít, dẫn đến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Làm gì để đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển luôn là trăn trở của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây.
Sau nhiều nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác cùng với thực tiễn của địa phương Đảng bộ xã Hạnh Sơn đã xác định con đường xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững chỉ có phát huy nội lực, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi.
Theo đó, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp, cán bộ khuyến nông về xã mở các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa nước. Toàn bộ diện tích lúa nước được gieo cấy đúng khung thời vụ tốt nhất, cơ cấu giống tập trung đưa các giống lúa thuần, lúa chất lượng cao vào sản xuất làm hàng hóa.
Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong đầu tư thâm canh như cấy lúa ít dảnh, gieo xạ theo hàng, bón phân cân đối và phân viên nén dúi sâu; thường xuyên thăm đồng phòng trừ sâu bệnh. Nói là vậy nhưng để làm được việc đó là cả một vấn đề nan giải, bởi đã từ bao đời nay bà con sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, tư duy làm ăn manh mún, tự sản tự tiêu - Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Xiến cho biết.
Với phương châm “mưa dần thấm lâu”, cán bộ, đảng viên là những người đi đầu trong việc đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất hàng hoá và tích cực đầu tư thâm canh tăng năng suất của gia đình mình đồng thời vận động các hộ dân trong xã, trong bản cùng thực hiện. Từ một xã có năng suất lúa thấp nhất so với 8 xã nằm trong cánh đồng Mường Lò, đến nay, Hạnh Sơn là xã có năng suất lúa cũng như diện tích lúa hàng hóa cao nhất nhì trong vùng.
Năm 2011, toàn xã gieo cấy 516ha lúa thì có tới 258ha lúa hàng hóa được gieo bằng giống Chiêm Hương và Thiên Hương, năng suất đạt bình quân 12,8 tấn/ha (vụ xuân đạt 7,3 tấn/ha, vụ mùa 5,5 tấn/ha). Với trên 3 ngàn tấn lúa hàng hoá bán với giá thị trường đã mang về cho người dân trên 3 tỷ đồng, tăng hơn so với sản xuất lúa lai trên 300 triệu đồng. Không chỉ có vậy mà giá giống cũng thấp hơn, mức đầu tư thâm canh cũng giảm hơn.
Song song với phát triển cây lúa, Hạnh Sơn cũng là xã đi đầu trong việc sản xuất cây vụ đông với diện tích trên 154ha. Từ sản xuất cây vụ đông đã mang về cho người dân trên 600 tấn ngô và hàng chục tấn rau màu. Khi lương thực đã được đảm bảo xã phát động phong trào chăn nuôi trâu để đảm bảo sức kéo, làm hàng hóa và chăn nuôi lợn.
Diện tích đất đai ít, không có đồng cỏ nhưng nhân dân trong xã đã tận dụng toàn bộ lượng rơm, rạ và thân, lá cây ngô trong vụ đông làm thức ăn dự trữ quanh năm cho trâu, bò. Nhà nào nuôi trâu, bò là nhà đó có cây rơm và kho để cất giữ lá ngô đông. Mấy năm gần đây, các xã trong vùng đều có trâu, bò và gia súc chết rét, chết đói khi mùa đông giá rét về nhưng Hạnh Sơn không có hiện tượng đó.
Nói về sự vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Xiến khẳng định: “Hạnh Sơn hôm nay chưa phải là một xã giàu, số hộ đói nghèo vẫn còn 558/1.223 hộ theo tiêu chí mới, nhưng so với trước đây đã có rất nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế - xã hội. Cái được lớn nhất là Hạnh Sơn đã và đang làm thay đổi được tập quán canh tác từ manh mún, lạc hậu sang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất theo hướng hàng hoá và thị trường. Đó sẽ là hành trang để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã vươn lên”.
Thanh Phúc
Các tin khác
Theo Vụ Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng Năm, Việt Nam đã xuất khẩu 15.000 tấn hạt tiêu với tổng kim ngạch đạt trên 102 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu năm tháng lên mức 62.000 tấn với kim ngạch 424 triệu USD, tăng 14,5% về lượng và 47,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều người tiêu dùng đang phải đem vàng miếng phi SJC bán ra và bù lỗ từ 200.000 - 300.000 đồng/lượng để mua lại vàng miếng SJC.
YBĐT - Trong không khí sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng 65 năm thành lập Đảng bộ huyện, nhiều công trình giao thông mới được khởi công, nhiều tuyến đường được đẩy nhanh tiến độ, chưa bao giờ phong trào làm đường GTNT ở Yên Bình lại sôi động như lúc này.
YBĐT - Với địa hình đồi núi dốc, nhiều sông, suối nhưng do dòng chảy không được khơi thông thường xuyên nên khi mưa lớn đường thoát lũ thường bị tắc là nguyên nhân chính xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái).