Hán Đà chè ngược về làng
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/6/2012 | 2:36:46 PM
YBĐT - Mấy năm nay, xã Hán Đà, huyện Yên Bình (Yên Bái) nở rộ loại hình dịch vụ chế biến chè nhỏ lẻ. Thay vì được đưa đi đến các nhà máy chế biến lớn, chè lại được chở ngược về làng, chế biến tại các lò quay mini thành chè khô.
Nông dân xã Hán Đà thu hoạch chè.
|
Với 202ha, cây chè đã khẳng định vị thế là loại cây công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế tại Hán Đà. Đồng chí Nguyễn Minh Chính - Bí thư xã Đảng ủy xã cho biết: “Hán Đà có hơn 100ha cây lương thực các loại, mỗi năm cho thu hoạch 1.200 tấn hoa màu, đáp ứng đủ lương thực tại chỗ. Trong khi đó, từ 1.000 tấn chè búp tươi cộng với việc sản xuất và chế biến chè, mỗi năm người dân ở đây thu về 6 tỷ đồng, lãi khoảng 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động”.
Từ Trác Đà cho đến Hồng Quân, Phúc Hòa, cây chè đã bám rễ vào mảnh đất Hán Đà mấy chục năm nay. Những đồi chè như những chiếc bát úp màu xanh thẫm, uốn lượn từ chân đồi lên đến tận đỉnh đồi. Tháng 6, lúa chiêm đã thu hoạch xong, thóc đã đầy bồ, sau những ngày mùa bận rộn cho máy nghỉ, người dân ở đây lại hối hả với việc chế biến chè. Hầu như nhà nào ở Hán Đà cũng sống vì chè, nhưng thay vì trồng chè để lấy búp tươi và cung cấp cho nhà máy như trước kia, người dân Hán Đà lại trồng và thu mua từ các địa phương khác về chế biến thành chè khô xuất bán đi các tỉnh ngoài.
Theo tính toán, toàn xã hiện nay đang có 280 cơ sở chế biến chè nhỏ lẻ như vậy. Loại hình này phát triển đến mức có những ngày những “nhà máy mini” tiêu thụ 60 tấn chè búp tươi. Nguồn nguyên liệu tại chỗ đáp ứng không đủ, người Hán Đà còn phải thu mua chè búp tươi của các địa phương lân cận. Vậy là, ngày ngày, chè tươi kìn kìn được đưa về làng và sau khi chế biến xong, ô tô lại nườm nượp ngược làng chở chè khô đi tiêu thụ.
Số lượng các xưởng chế biến không ngừng tăng lên mỗi khi vụ chè đến. Nhà nào ít vốn thì đầu tư chảo quay, nhà nhiều vốn thì đầu tư đồng bộ hơn thêm cả máy sàng và máy tách cẫng chè, thế mới thấy loại hình sản xuất này phát triển thế nào. Gia đình ông Đặng Văn Sinh, thôn Trác Đà 2 cũng vừa đầu tư hơn 30 triệu đồng mua máy sàng và máy tách cẫng chè. Chè đã vào chính vụ nên 2 chiếc lò quay, 2 máy tách cẫng hoạt động không lúc nào nghỉ.
Ông Sinh cho biết: “Cách đây 2 năm chỉ nhà tôi có loại máy này nhưng đến nay cả thôn đã có 7 chiếc. Tôi mới đầu tư thêm máy sàng để tiết kiệm tiền thuê nhân công lao động. Lúc đầu tôi làm đại lý thu mua chè của bà con trong vùng cho Nhà máy nhưng có những hôm chè thu về mà Nhà máy nghỉ nên mình phải chế biến thành chè khô, thương lái đến tận nhà thu mua, thêm việc làm cho gia đình, mọi nhà ở đây bây giờ đều làm chè khô cả”.
Những người nông dân ở Hán Đà tính toán, cứ 5 cân chè búp tươi chế biến được 1 cân chè khô, nếu bán đứt đoạn cho Nhà máy được khoảng 17.000 đồng, trừ đi tiền thuốc sâu, phân bón cũng không còn bao nhiêu. Nhưng chế biến thành chè khô sẽ được bán được 25.000 đồng theo thời giá hiện nay, lúc cao chè khô lên tới 35.000 đồng. Như vậy mỗi ngày tranh thủ lúc gặt hái, thu lúa xong lại quay sang làm chè sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.
Trái với cảnh nhộn nhịp của các xưởng chế biến mini, Nhà máy chè Hán Đà với công suất thiết kế chế biến 20 tấn chè búp tươi/ngày đang trong tình trạng “đói” nguyên liệu đã hai năm nay. Vậy là, ở Hán Đà đang xảy ra nghịch lý cá bé “nuốt” cá lớn, những xưởng chế biến chè mini “nuốt” hết nguyên liệu của một nhà máy chè lớn được đầu tư dây chuyền đồng bộ.
Để cải tạo chè già cỗi, Hán Đà đã trồng cải tạo thay thế được 63 ha chè trung du già cỗi bằng các loại giống mới LDP1, LDP2 cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn. Những ngôi nhà xây mới mọc lên ngày càng nhiều bên những đồi chè xanh cho thấy người dân ở đây đã có cuộc sống khá hơn nhờ cây chè.
Không thể phủ nhận những lợi ích trước mắt mà mà việc sản xuất chè khô mang lại nhưng việc chế biến nhỏ lẻ và manh mún như hiện nay khó có thể bền vững khi giá cả lúc lên lúc xuống. Vì vậy, về lâu dài, Hán Đà cần hướng đến việc sản xuất các sản phẩm chè chất lượng cao để tạo hướng đi bền vững cho nền kinh tế của địa phương.
Hồng Khanh
Các tin khác
"Nếu trong thời gian tới có tăng giá điện, thì việc điều chỉnh này luôn dựa trên những số liệu đã được kiểm toán về hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)".
Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam đã khảo nghiệm thành công nhiều giống cao su có khả năng chịu rét như: IAN 873, RRIV 124, RRIV 1… phù hợp với điều kiện khí hậu các tỉnh miền núi phía Bắc.
YBĐT - Dịch bệnh tai xanh xuất hiện và bùng phát tại 10 xã của huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã khiến 3.629 con lợn mắc bệnh, trong đó có 2.496 con bị chết. Dù đến thời điểm hiện tại dịch bệnh đã được khống chế, song di chứng mà nó để lại vẫn đang khiến các cấp, chính quyền và người dân gặp nhiều khó khăn trong tái đàn, phục hồi sản xuất.
Bộ Tài chính vừa ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt. Theo đó, từ ngày 11-7, nước sạch sinh hoạt sẽ có giá mới.