Nợ xấu chiếm 8,6% tổng dư nợ
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/7/2012 | 7:57:27 AM
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện có sự chênh lệch khá lớn trong các số liệu được công bố. Ngày 12-7, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh Thanh tra, giám sát Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này. Ông Nghĩa cho biết:
Nợ xấu thực tế cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng.
|
Đến ngày 31-5-2012, nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) qua hệ thống thống kê là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đối với gần 1,01 triệu khách hàng vay được chọn mẫu của 57 TCTD Việt Nam (chiếm tới 90,1% tổng dư nợ tín dụng của các TCTD này), đến 31-3-2012 nợ xấu của các TCTD là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ. Nợ xấu theo kết quả giám sát cao hơn nợ xấu báo cáo của các TCTD tại thời điểm tháng 3-2012 do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, xác định nợ xấu theo quy định hiện hành bao gồm tiêu chí định lượng và tiêu chí định tính. Do khoản nợ rủi ro và năng lực quản trị rủi ro của các TCTD khác nhau nên việc sử dụng tiêu chí định tính trong phân loại nợ dễ dẫn đến sự thiếu minh bạch trong xác định và ghi nhận nợ xấu của TCTD.
Thứ hai, một số TCTD không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu thấp hơn thực trạng và quy định để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro (DPRR).
Thứ ba, do thiếu thông tin về phân loại nợ của khách hàng tại các TCTD nên dẫn đến có sự khác nhau về nhóm nợ của 1 khách hàng quan hệ tại nhiều TCTD.
Do các nguyên nhân trên, nợ xấu do TCTD báo cáo thường thấp hơn nợ xấu theo kết quả giám sát TCTD và còn thấp hơn nữa so với nợ xấu theo kết quả thanh tra tại chỗ của NHNN. Kết quả thanh tra tại chỗ vừa qua đối với một số ngân hàng yếu kém thuộc diện phải cơ cấu lại cho thấy nợ xấu thực tế cao hơn nhiều số liệu báo cáo của TCTD.
- PV: Thưa ông, vậy sự chênh lệch về số liệu nợ xấu giữa trong nước và các tổ chức nước ngoài phải chăng do sự khác nhau về chuẩn mực phân loại nợ?
Ông NGUYỄN HỮU NGHĨA: Hiện nay, quy định của Việt Nam về phân loại nợ cơ bản phù hợp với các nguyên tắc phân loại nợ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, một số tổ chức quốc tế đánh giá nợ xấu của Việt Nam khá cao, chẳng hạn vừa qua Fitch Ratings cho rằng nợ xấu của các TCTD Việt Nam khoảng 13%. Các tổ chức quốc tế đưa ra kết quả ước đoán nợ xấu toàn hệ thống TCTD có thể dựa vào hệ thống tiêu chí phân loại nợ riêng hoặc dựa trên kết quả đánh giá của một số ngân hàng được chọn mẫu, hoặc ngoại suy có tính đến xếp loại tín nhiệm quốc gia. Trên thực tế, không có chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ. Việc sử dụng các hệ thống tiêu chí phân loại nợ khác nhau sẽ cho kết quả nợ xấu không giống nhau.
- Thưa ông, hiện nay nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực nào?
Theo số liệu mà chúng tôi có được thì hiện nay nợ xấu chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng. Đây là lĩnh vực thời gian qua chịu sự tác động tương đối lớn bởi tình trạng “đóng băng” kéo dài của thị trường bất động sản (BĐS). Khi thị trường này suy giảm, kéo theo nhu cầu nguyên vật liệu cũng giảm xuống, các DN khó khăn trong tiếp cận vốn, hoạt động sản xuất khó khăn cũng khiến DN khó trả được nợ, dẫn tới nợ xấu gia tăng.
- Vậy hiện nay nợ xấu trong lĩnh vực BĐS chiếm tỷ trọng thế nào, thưa ông?
Tính đến nay, dư nợ cho vay BĐS khoảng 197.000 tỷ đồng, không lớn so với tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Trong số này, có khoảng 12.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm khoảng 6,5% dư nợ cho vay BĐS và chiếm khoảng 10,3% so với tổng nợ xấu của toàn ngành ngân hàng theo số liệu báo cáo của các TCTD.
- Trong số nợ xấu hiện nay có bao nhiêu khả năng mất vốn, thưa ông?
Theo quy định hiện nay, nợ xấu được phân vào nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn nhưng không phải là chắc chắn mất vốn. Nhóm này hiện chiếm khoảng 40% tổng nợ xấu nhưng đã được trích lập DPRR tương đối đầy đủ theo quy định, có tài sản bảo đảm tương đối cao. Bản chất nợ xấu hiện nay của các TCTD có nhiều yếu tố góp phần làm giảm thiểu tổn thất. Cụ thể, đến cuối tháng 5-2012 các TCTD đã trích lập DPRR được 67.300 tỷ đồng, chiếm 57,18% nợ xấu. Thứ hai, phần lớn nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản, nhờ đó TCTD có thể thu hồi được một phần hoặc toàn bộ khoản nợ xấu từ việc bán/xử lý tài sản bảo đảm. Tính đến cuối tháng 3-2012, trong tổng nợ xấu của các TCTD có 84,16% được bảo đảm bằng tài sản và 15,84% không được bảo đảm bằng tài sản. Tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng 134,8% tổng nợ xấu.
- Xin ông cho biết kế hoạch lập công ty mua bán nợ xấu với số vốn khoảng 100.000 tỷ đồng như thế nào?
Kế hoạch này mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu, chúng tôi chưa báo cáo Chính phủ một cách chính thức. Có ý kiến công ty này phải cần tới số lượng vốn 100.000 tỷ đồng. Chúng tôi khẳng định là không cần 100.000 tỷ đồng tiền mặt để xử lý nợ xấu các ngân hàng Việt Nam. Thứ nhất, nếu thành lập công ty này chúng tôi sẽ sử dụng nhiều công cụ tài chính để xử lý. Thứ hai, về mặt giá trị danh nghĩa của các khoản nợ cần phải xử lý có thể lên đến 100.000 tỷ đồng nhưng khi mua bán lại thì giá của nó sẽ dựa trên cơ sở giá chiết khấu.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay ngành chăn nuôi cả nước đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, giá thịt lợn, thịt gà đều giảm mạnh (20-30%). Trong khi đó từ tháng 5 đến nay, các cơ sở sản xuất giống lợn và gà chỉ bán được số lượng con giống bằng khoảng 60-65% so với quý I-2012 và chỉ bằng 70-75% so với cùng kỳ năm 2011.
Tại triển lãm VAMA vào tháng 9 tới, Ford Việt Nam sẽ giới thiệu 4 phiên bản của chiếc sedan hạng C – Focus mới với nhiều công nghệ và thay đổi vượt trội.
Sáng 12-7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã công bố về kết quả thanh tra trong quý 2-2012.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 11-7, hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) đã công bố giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ cũ về 15%/năm từ ngày 15-7 tới đây để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN).