Nghĩa Lộ khôi phục đàn lợn sau dịch tai xanh
- Cập nhật: Thứ năm, 19/7/2012 | 9:19:52 AM
YBĐT - Đợt dịch tai xanh xảy ra hồi cuối tháng 3 trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã làm chết 877 con lợn của 291 hộ dân. >>Nguời dân Yên Bái “dè dặt” tái đàn sau dịch tai xanh
![]() |
Gia đình anh Lò Văn Tuấn đầu tư 20 triệu đồng để mua con giống tái đàn sau đợt dịch tai xanh.
|
Xác định chăn nuôi là mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo nên ngay sau khi công bố hết dịch và nhận được tiền hỗ trợ của tỉnh, người dân đã mạnh dạn đầu tư mua con giống để khôi phục sản xuất.
Ngay khi có quyết định công bố hết dịch tai xanh của UBND tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ đã vận động, tuyên truyền người dân nỗ lực tái đàn, khôi phục sản xuất. Cùng với đó, thị xã kịp thời giải ngân số tiền hỗ trợ cho các gia đình có lợn bị tiêu hủy với mức hỗ trợ 22.000đồng/kg để người dân có điều kiện mua con giống, tái đàn.
Để bảo đảm cho việc tái đàn được an toàn, Trạm Thú y thị xã đã phun 478 lít thuốc tiêu độc khử trùng và tiêm 2.000 liều vắcxin phòng bệnh tai xanh. Thị xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: UBND các xã, phường giám sát tình hình dịch bệnh và buôn bán, vận chuyển lợn trên địa bàn.
Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán lợn không rõ nguồn gốc; mua con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, lợn sau khi mua về phải nuôi cách ly 3-4 tuần khi không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh tai xanh cũng như các bệnh truyền nhiễm khác mới cho nhập đàn; tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin cho lợn như: dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn...
Cùng với chăm sóc tốt để nâng cao sức đề kháng cho lợn; chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh thú y, thường xuyên quét dọn tiêu độc khử trùng, khu vực nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột, thuốc sát trùng mỗi tuần 1-2 lần; khi thấy lợn trong gia đình có biểu hiện bất thường phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn.
Xã Nghĩa An, là nơi phát hiện dịch bệnh đầu tiên và nhiều nhất của thị xã Nghĩa Lộ, sau đợt dịch toàn xã có 315 con lợn bị chết, thiệt hại trên 200 triệu đồng. Ông Vi Ngọc Chình - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: “Ngay sau khi công bố hết dịch, xã vận động bà con mua giống tái đàn ổn định chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn lợn toàn xã là 1.526 con tăng 125 con so với trước dịch”.
Mặc dù, hiện nay giá lợn hơi trên địa bàn thị xã xuống thấp (30.000-32.000 đồng/kg) nhưng người dân vẫn tích cực chăn nuôi vì theo họ làm nông nghiệp nếu không chăn nuôi thì khó ổn định kinh tế gia đình.
Đợt dịch tai xanh vừa qua đã lấy đi của gia đình chị Lương Thị Hương ở thôn Đêu I, 14 con lợn trong đó có 2 con nái, gia đình chị được hỗ trợ 4 triệu đồng, chị phải vay thêm 10 triệu đồng để tái đàn và đầu tư mua hai con nái hậu bị và 5 con lợn thịt.
Chị Hương cho biết: “Hiện nay giá thịt lợn hơi xuống thấp nhưng tôi vẫn phải chăn nuôi vì làm nông nghiệp tất cả trông vào con lợn. Năm học mới của 2 cháu cũng sắp đến rồi, lúc đấy đàn lợn đến kỳ xuất chuồng có tiền mua sách vở, quần áo cho các cháu”. Được biết, hàng năm từ chăn nuôi lợn đã đem về cho gia đình chị 40 triệu đồng.
Gia đình anh Lò Văn Tuấn, thôn Tong Co 2, phường Tân An có 8 con lợn thịt và 1 con lợn nái bị chết trong đợt dịch phải đem đi tiêu hủy, ước thiệt hại của gia đình anh khoảng trên 20 triệu đồng. Ngay sau khi nhận được 9 triệu tiền hỗ trợ anh vay mượn thêm để đầu tư mua con giống hết 20 triệu đồng.
Anh cho biết: “Từ lần bị dịch vừa rồi, tôi có thêm nhiều kinh nghiệm về công tác phòng dịch. Khi chọn lợn giống phải biết rõ xuất xứ nguồn gốc và nuôi cách ly cùng với tiêm phòng hết các loại vắcxin phòng bệnh”.
Khôi phục và phát triển đàn lợn là việc làm cần thiết, song người nông dân cần phải thận trọng, không thể nóng vội, chủ quan, tái đàn ồ ạt bởi dễ gây nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra đòi hỏi thị xã Nghĩa Lộ có sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị đầy đủ các yếu tố, có kế hoạch, phương án cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, việc thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi đầu tư khôi phục, phát triển đàn lợn sẽ tạo tiền đề thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững trong thời gian tới.
H.D
Các tin khác

Lần đầu tiên Việt Nam làm chủ nhà hội nghị ASCOPE (diễn ra từ ngày 28 đến 30/11/2013) với khoảng 300 gian triển lãm và gần 500 đại biểu quốc tế tham dự nhằm thảo luận những vấn đề nóng bỏng về dầu khí.
Ngày 18-7, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2012.

Chỉ tính riêng những khoản thu có lãi từ hoạt động kinh doanh khác và số tiền có thể giảm thu thì EVN có thể giảm 34 đồng/kWh.

YBĐT - Với trên 3.854 ha chè kinh doanh, Văn Chấn được coi là thủ phủ chè của Yên Bái. Những năm qua, huyện đã chú trọng việc cải tạo thay thế giống chè cũ bằng các giống chè mới. Tuy nhiên, công nghệ chế biến chè chưa được đầu tư thoả đáng dẫn đến đời sống người làm chè còn nhiều khó khăn.