Trồng thảo quả đừng để mất rừng!
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/7/2012 | 3:03:30 PM
YBĐT - Việc trồng và phát triển thảo quả mang lại lợi ích kinh tế cao, nhất là đối với đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, việc trồng thảo quả trên địa bàn huyện Mù Cang Chải thời gian qua rất tràn lan, không có quy hoạch dẫn đến việc chặt phá và xâm hại đến diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Mùa thảo quả. (Ảnh: Tráng A Mua)
|
Tại Mù Cang Chải, cây thảo quả được trồng rải rác dưới tán rừng trên các dãy núi cao tiếp giáp với huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai và huyện Văn Yên, Yên Bái. Những năm trước đây, bằng các nguồn vốn định canh, định cư, Nhà nước đã hỗ trợ một số hộ dân trồng cây thảo quả ở xã Chế Tạo, Mồ Dề.
Thế rồi cây thảo quả cứ bén rễ xanh cây và mang lại hiệu quả kinh tế cao, người Mông ở Mù Cang Chải vì thế đua nhau trồng. Thời kỳ hưng thịnh nhất, diện tích cây thảo quả toàn huyện đạt gần 1.000 ha được trồng ở tất cả các xã trên địa bàn huyện, nhiều nhất là ở các xã: Nậm Có, Cao Phạ, La Pán Tẩn, Nậm Khắt và Chế Tạo.
Cây thảo quả (còn gọi là đò ho hay thảo đậu khấu), là loại quả có hàm lượng tinh dầu cao dùng để chế biến thực phẩm và làm dược liệu chữa các bệnh: đau bụng, ho, sốt rét... |
Qua khảo sát cho thấy, 100% diện tích trồng thảo quả chủ yếu trong rừng đặc dụng, rừng tự nhiên phòng hộ, phần lớn trong diện tích này là người dân xâm lấn diện tích rừng để trồng. Lúc đầu ở mỗi khu rừng chỉ một hai héc ta rồi người dân lấn dần, lấn dần thậm chí phá rừng để trồng thảo quả. Những nơi trồng được thảo quả là ở những nơi rừng xanh, núi đỏ, do đó, lực lượng kiểm lâm cũng như chính quyền địa phương khó kiểm soát hết được.
Ở vùng cao Mù Cang Chải nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ trồng thảo quả. (Ảnh: Đức Hồng)
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải khẳng định: Nói một cách công bằng thì việc trồng và phát triển cây thảo quả là không có hại, giá trị kinh tế cao, có nhiều hộ gia đình có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Không những thế mà còn tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, là động lực phát triển nền kinh tế chung của huyện.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người dân phát triển một cách tự phát, chặt phá rừng để trồng thảo quả một cách bừa bãi. Chặt phá, xâm lấn diện tích rừng là vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng dẫn đến lũ lụt, xói mòn đất, nguồn sinh thuỷ dần cạn kiệt.
Từ những yếu tố đó đòi hỏi chúng ta phải quy hoạch, quản lý tốt diện tích trồng thảo quả, không để tái diễn tình trạng khai phá rừng và áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng và thu hoạch cũng như sau thu hoạch, tạo giá trị kinh tế cao phát triển bền vững - ông Tuấn nói thêm.
Rõ ràng trong những năm qua, trình độ người dân còn hạn chế, cùng với đó là việc thiếu quy hoạch, quản lý dẫn đến phát triển thảo quả tràn lan. Người Mông Mù Cang Chải trồng thảo quả ở bất cứ khu rừng nào, từ đặc dụng cho đến phòng hộ, không phân biệt địa bàn mà cứ nơi nào đất tốt là trồng.
Sau trồng không hề chăm bón mà cứ để cây phát triển tự nhiên sống nhờ vào độ màu mỡ của đất, hộ nào khá lắm cũng chỉ phát quang theo kinh nghiệm. Diện tích thảo quả tăng cũng đồng nghĩa với diện tích rừng ít đi, bên cạnh đó khi thu hoạch thì thảo quả tươi rất khó bảo quản được lâu, trọng lượng nặng rất tốn công vận chuyển, do đó phải qua giai đoạn sấy khô.
Theo kinh nghiệm cũng như đòi hỏi của thị trường, thảo quả sấy khô bằng củi có chất lượng và giá trị kinh tế cao hơn so với phơi nắng. Vì thế, bà con lại chặt phá rừng lấy củi để sấy thảo quả, cứ mỗi mùa thu hoạch thảo quả ở Mù Cang Chải lại đốt mất hàng trăm mét khối củi. Đó là chưa kể đến nguy cơ xảy ra cháy rừng từ việc sấy thảo quả.
Để sản xuất thảo quả vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ và phát triển rừng bền vững, chúng ta phải có quy hoạch cụ thể, chi tiết từ diện tích đến các khu rừng được trồng. Nghiêm cấm việc trồng và phát triển tự do, hộ nào muốn trồng phải có đăng ký với cấp chính quyền và lực lượng kiểm lâm sở tại. Người được trồng thảo quả cũng phải nêu cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nâng cao nhận thức về kinh tế rừng cũng như giá trị to lớn của rừng đối với cuộc sống người dân.
Có nhiều ý kiến cho rằng chỉ cho trồng thảo quả trên diện tích quy hoạch trồng rừng sản xuất, trên diện tích rừng phòng hộ ở những nơi ít xung yếu, trên những vùng đệm của rừng đặc dụng. Địa điểm trồng buộc người dân phải đăng ký và có sự thẩm định của các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng.
Song song với đó, ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật cho người dân về cách trồng thâm canh, thu hoạch và sau thu hoạch để tăng năng suất, chất lượng thảo quả. Tỉnh cũng cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến thảo quả trên địa bàn.
Giải quyết tốt những tồn tại đó, chắc chắn việc sản xuất, phát triển cây thảo quả sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc xoá đói đói giảm nghèo ở vùng cao và thực sự trở thành loại cây trồng chủ lực có tính bền vững.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Bộ Thông tin và Truyền Thông vừa công bố danh mục các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 1/9 tới.
YBĐT - Theo báo cáo của ngành thuế, kết quả thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái được 301,2 tỷ đồng, đạt 35% dự toán Bộ Tài chính giao và bằng 88% so với cùng kỳ.
YBĐT - Mặc dù gặp bất lợi về thời tiết nhưng từ đầu năm đến nay, các cán bộ, kỹ sư Trại Giống thuỷ sản Nghĩa Lộ (Yên Bái) sản xuất được 21 triệu cá giống các loại, đạt 62% kế hoạch năm.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông Văn Yên (Yên Bái) đã tổ chức được 385 lớp tập huấn cho 990 nhóm hộ với trên 22 nghìn lượt người tham gia, tăng gần 2 nghìn lượt người được tham gia tập huấn so với cùng kỳ năm 2011.