Cây quế trên đất Mỏ Vàng

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/7/2012 | 2:49:38 PM

YBĐT - Nhờ có chương trình 135 mà đường vào xã Mỏ Vàng (Văn Yên) hôm nay đã dễ đi hơn nhưng mùa mưa bão thì thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt có khi bị cô lập hoàn toàn.

Cây quế đang góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân Văn Yên.
Cây quế đang góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân Văn Yên.

Chủ tịch UBND xã Đặng Nho Hưng tâm sự: "Với 58 ha ruộng nước nếu chia đều cho 3.800 nhân khẩu thì mỗi người chưa được 16m2 ruộng. Để có lương thực, người Dao, người Mông, người Tày ở đây buộc phải phát nương trồng lúa nương, cũng chỉ được một vài năm đất bạc mầu làm cho năng suất kém dẫn đến thiếu đói thường xuyên".

Mỏ Vàng có gần 800 hộ dân thì có đến 60,2% là hộ nghèo, cách để đưa người dân thoát nghèo bao năm nay đã được lãnh đạo xã bàn đi bàn lại nhiều lắm, thế nhưng khi triển khai vẫn thật khó. Trong khi trao đổi với bí thư chi bộ của các thôn: Giàn Giàu, Gốc Sấu, Khe Loóng II, Khe loóng III... thì hầu hết các đồng chí đều cho rằng nguyên nhân nghèo nằm ở nhận thức người dân. Như cách nói của Cứ A Phán, thôn Gốc Sấu thì do người dân không biết làm ăn, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản suất nên hiệu quả không cao.

Còn bí thư chi bộ thôn Giàn Giàu thì bức xúc: "Khi họp thôn để triển khai sản xuất thì lao động chính không đi, để người không làm đi họp, đi họp thì mang con theo, đến lúc triển khai việc quan trọng con lại khóc, đem ra ngoài lại chẳng nghe được gì rồi lại thắc mắc, để rồi mạ người ta gieo thì lên xanh mơn mởn, còn mạ nhà mình thì thối chết, do không làm đúng kỹ thuật lại đổ cho giống không tốt. Vụ xuân mạ người ta che nilon thì mình lại đem tải đen bịt kín hoặc mặc kệ chẳng che chắn gì, đến khi mạ bạc phếch, trắng dã ra thì cấy hái gì nữa".

Những lý do tưởng chừng như vô hại, những chi tiết nhỏ chẳng đáng nhắc đến trong cách tiếp thu chủ trương, tiếp nhận khoa học kỹ thuật của người dân nhưng lại tác động trực tiếp đến kết quả sản xuất.

Ông Đặng Nho Hưng khẳng định: "Ruộng nước, nương rẫy tuy rằng rất thiếu nhưng hầu hết hộ nào cũng có đất trồng quế, nếu chỉ nuôi một đến hai con thì chắc chắn không thể đói được. Nhưng không hiếm những người mới ngoài 30 tuổi đã có 5 đến 6 mặt con thì lấy gì nuôi chúng ăn học. Đó là chưa kể khi chúng lớn lên lấy vợ gả chồng thì trong tay chẳng có gì để làm ăn". Ông Hưng bộc bạch khó là vậy nhưng tương lai Mỏ Vàng sẽ khác. Tôi hỏi ông dựa vào đâu để khẳng định như vậy? ông Hưng khẳng định chắc chắn: “dựa vào cây quế”.

Lời khẳng định của Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng Đặng Nho Hưng là hoàn toàn có cơ sở. Những năm gần đây cây quế đã thực sự mang lại cho người dân cuộc sống mới. Như gia đình ông Bảy ở thôn Giàn Giàu mới bán 200 cây quế được 90 triệu đồng, thân, lá quế đều bán được giá cao, hay như gia đình anh Cứ A Mua mới 37 tuổi ở thôn Gốc Sấu vừa bán được 75 triệu tiền quế, nhà cửa xây được là nhờ quế, bây giờ 5 đứa con ăn học cũng đều trông vào quế.

Người dân ở Mỏ Vàng cũng chẳng ai không biết đến chuyện xây nhà của Chủ tịch xã, ngôi nhà của ông là nhà xây đầu tiên của xã được xây bằng tiền bán quế. Năm ông xây nhà chưa có đường nên toàn bộ vật liệu, gạch, cát, sỏi đều phải vận chuyển bằng xe máy từ thị trấn Mậu A, giá đội lên gấp 3 lần, nếu bằng ấy tiền ông có thể xây được ba cái nhà xây ở ngoài thị trấn.

Nhưng ông Hưng vốn là người sinh ra và lớn lên ở đây nên dù khó khăn nhưng ông vẫn muốn gắn bó cả đời với mảnh đất này. Cây quế cũng giúp cho gia đình ông Phùng Minh làm đường dẫn nước vượt suối Thia dài gần một km để dùng sinh hoạt và làm ruộng.

Bằng tiền bán quế, ông Minh xây một bể nước trên núi cao, dẫn nước ở khe vào bể, ông căng một đường dây thép dài qua suối buộc ống nước vào dây để dẫn nước về. Nhờ có nước mà ông đã khai hoang được 4 sào ruộng. Nay cũng đã có nhiều hộ học theo ông dẫn nước về để khai hoang ruộng nước.

Nói về cách để đưa dân mình thoát nghèo thì ông Hưng nhiều lần khẳng định chỉ có cây quế mới có thể giúp dân thoát nghèo. Hiện nay toàn xã có 1.380 ha quế, nhiều ít thì hộ nào cũng có một vài đồi quế. Từ đầu xã đến cuối xã đâu đâu cũng bạt ngàn quế. Ông Hưng chỉ tay về những dải rừng xa xa tự hào: "Đó là rừng phòng hộ của Nhà nước nhưng bên dưới chân đều là quế. Mỏ Vàng không có đất trống đồi trọc tất cả đều đã được phủ xanh bằng quế".

Giá tuy có thấp hơn so với các vùng khác nhưng vẫn đem lại nguồn thu lớn cho người dân. Cái khó là diện tích quế của xã không thể mở rộng thêm, trong khi nhân khẩu không ngừng tăng lên, bởi vậy xã mong muốn những diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu có thể được chuyển đổi cấp cho người dân canh tác.

Mặt khác vấn đề cấp bách nhất Mỏ Vàng cần quyết liệt thực hiện đó là chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, hoặc các loại cây màu khác, phấn đấu đảm bảo một phần lương thực tại chỗ, phục vụ phát triển chăn nuôi, cùng với trồng quế sẽ là một hướng đi thoát nghèo hiệu quả.

Bên cạnh đó, xã cần phải làm tốt hơn nữa công tác kế hoạch hoá gia đình, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể nâng cao hiệu quả tuyên truyền chuyển giao khoa học kỹ thuật từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất nông lâm nghiệp.

Vẫn còn đó vô vàn khó khăn nhưng bằng sự khát khao vươn lên của người dân nơi đây, tin rằng Mỏ Vàng sẽ phát huy thế mạnh của mình, từng bước vươn lên trở thành một xã giàu mạnh của Văn Yên.

Anh Dũng

Các tin khác
Giá vàng thế giới vẫn ổn định trên vùng 1.620USD.

Giá vàng trong nước ở phiên giao dịch đầu tuần giảm nhẹ so với chốt phiên cuối tuần trước, nhưng vẫn ở mức trên 42 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng lên 1,41 triệu đồng/lượng.

Dòng vốn rẻ đang

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu CPI năm nay giảm xuống dưới 7%, lãi suất huy động có điều kiện để tiếp tục giảm xuống dưới 8%, vào năm tới một số khoản cho vay ưu đãi có thể giảm xuống dưới 10%.

YBĐT - 6 tháng đầu năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phát hiện xử lý 48 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 39 vụ phá rừng…, lập biên bản và xử phạt các đối tượng vi phạm nộp ngân sách trên 29 triệu đồng.

YBĐT - Sở Khoa học công nghệ (KH&CN) vừa phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: Khảo nghiệm một số giống vải chín sớm tại huyện Văn Chấn - Tỉnh Yên Bái, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rau hoa quả thuộc Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chủ trì.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục