Dân Bu Cao đều muốn hạ sơn

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/9/2012 | 8:59:29 AM

YBĐT - Thăm khu tái định cư của thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (Yên Bái) mùa này, đến nhà nào cũng thấy ngoài sân và trong nhà đầy ắp những bắp ngô vàng ươm, nẩy hạt.

Bản định cư Suối Bu, Văn Chấn.
Bản định cư Suối Bu, Văn Chấn.

Bước chân trên con đường mới được bê tông hóa, nghe rõ tiếng cười vui hòa chung với tiếng máy tẽ ngô nổ rì rầm rộn vang hai bên đường vọng vào vách núi làm dịu đi cái nắng chói chang gay gắt giữa buổi trưa.

Trước đây, thôn Bu Cao ở xa tít trên đỉnh núi Chua Púa, nằm cách trung tâm xã khoảng 9 đến 10 km, đất thổ cư đa phần là núi đá với độ dốc lớn có nguy cơ sạt lở cao. Giao thông đi lại qua nhiều khe suối, bám theo vách đá rất nguy hiểm. Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Văn Chấn, năm 2007 - 2008, Đảng ủy, chính quyền xã Suối Bu đã quy hoạch và vận động bà con người Mông thôn Bu Cao hạ sơn về định cư ở nơi an toàn tại chân núi Hang Dơi - nằm cách quốc lộ 32 khoảng 2 km. Đây là địa bàn thuận lợi về nhiều mặt như: giao thông, phát triển chăn nuôi, sản xuất thuận lợi, con cái đi học gần nhà...

Sau nhiều năm sống tại khu định cư mới, chị Sùng Thị Xía - người dân trong thôn cho hay: “Từ khi chuyển về sống tại nơi này, tôi thấy đỡ vất vả hơn nhiều so với lúc còn ở trên núi. Về đây nếu muốn mua những thứ hàng thiết yếu như mắm muối, dầu mỡ hay kim chỉ, vải vóc thì chạy đi một tí là đã mua sắm được. Khi đến mùa thu hoạch nông sản cũng thuận lợi cho việc vận chuyển, thu xong chỉ việc đóng bao và chở xe máy về nhà mà không phải gùi lên lưng, vác lên vai như ngày trước còn ở trên nơi ở cũ, tôi thấy rất thuận tiện”.

 

Người Mông ở khu tái định cư Bu Cao, xã Suối Bu thu hoạch ngô.

Về khu định cư mới, các hộ gia đình đều được phân lô đất bằng nhau có quy hoạch về công trình vệ sinh, chuồng trại gia súc, gia cầm và cả điện, nước sinh hoạt nên bà con yên tâm với cuộc sống hiện tại và tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển chăn nuôi. Sau 5 năm hạ sơn, cuộc sống của những hộ về nơi ở mới đã có nhiều đổi thay, hiện các hộ trong khu tái định cư đã khai hoang được tổng diện tích ruộng bậc thang cấy lúa nước tới trên 9 ha, diện tích đất sản xuất ngô khoảng 65 ha, bà con tích cực sản xuất 2 vụ.

Đối với cây lúa nước cho thu hoạch bình quân 48 tạ/ha/vụ, về cây ngô, thu đạt bình quân 250 tấn ngô bắp/năm. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi cũng được bà con người Mông nơi đây chú tâm phát triển. Hiện cả thôn đã có gần 70 con trâu, 75 con bò, hơn 100 con lợn và gần 500 con gà, vịt. Trong đó, có nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi tốt như gia đình các ông: Mùa Dủ Gia, Mùa Chờ Vàng, Mùa A Chang.

Thu nhập ổn định, đói nghèo giảm xuống, không còn hộ bị đói giáp hạt, hầu hết các hộ gia đình tại khu tái định cư đều làm được nhà cửa khang trang, hộ nào cũng có xe máy làm phương tiện đi lại và chở hàng, nhiều hộ có từ 2 - 3 xe máy, thậm chí còn có gia đình đã mua được ô tô vận tải như hộ gia đình ông Mùa A Chua.

Những đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình như ti vi, tủ tường, giường, bàn ghế bà con nơi đây đều đã sắm được. Tại nơi tái định cư mới này bà con không những được cải thiện về vật chất mà còn được nâng cao về tinh thần, có đường bê tông đi lại thuận tiện, có điện lưới quốc gia, người dân được nâng cao dân trí, trẻ em được đến trường học chữ, người già được chăm sóc sức khỏe  chu đáo.

 

Một góc khu định cư mới của thôn Bu Cao hôm nay.

Tuy nhiên, những hộ đã hạ sơn thì được hưởng nhiều lợi ích và được sống trong niềm hạnh phúc yên vui nhưng số hộ chưa có điều kiện di dời về khu tái định cư hiện vẫn còn đang gặp không ít khó khăn. Cả thôn Bu Cao có 101 hộ thì đến nay mới chỉ di dời được 74 hộ xuống núi định cư, 27 hộ còn lại chưa hạ sơn được do thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất. Bà con rất tha thiết mong được các cấp, các ngành tạo điều kiện về đất ở, đất sản xuất và giúp di chuyển nhà cửa xuống núi định cư.

 

Hiện đời sống của 27 hộ dân ở thôn Bu Cao rất khó khăn do giao thông đi lại không thuận lợi.

Gặp chúng tôi, ông Mùa A Vạng 60 tuổi - một trong những hộ vẫn còn ở trên bản cũ giãi bày: “Sống ở trên núi, xa trung tâm xã con cháu không được đến trường, điện lưới không có dùng, đường đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa thường xảy ra sạt lở đất và lũ quét cho nên tôi không an tâm, rất mong được di dời về những nơi định cư an toàn để yên tâm lao động sản xuất”.

Việc một số hộ dân của thôn Bu Cao vẫn chưa có điều kiện hạ sơn là vấn đề khó khăn cho việc quản lý và giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ rừng tại địa phương vì thôn bị chia thành 2 khu dân cư cách xa nhau vài cây số.

 Trao đổi với chúng tôi, ông Mùa A Của - Chủ tịch xã Suối Bu cho biết: “Những hộ chưa di chuyển được về là do khu định cư mới không còn đất để ở cho nên số hộ còn lại tạm thời sống tại nơi ở cũ. Nay xã đang đề nghị huyện và tỉnh tiếp tục bổ sung và mở rộng diện tích đất ở tại khu định cư mới nhưng do chưa có kinh phí nên chưa thực hiện được”. 

Xuống núi định cư là sự mong mỏi của 27 hộ đồng bào dân tộc còn lại trên núi ở thôn Bu Cao, các cấp các ngành cần tiếp tục tạo điều kiện di dời bà con ra khỏi nơi nguy hiểm, sớm định cư và yên tâm lao động sản xuất. 

 Đức Hồng

Các tin khác

Việt Nam xếp thứ 75/142 về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo một báo cáo mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố. So với năm ngoái, Việt Nam đã tụt 10 bậc về năng lực cạnh tranh.

Bộ TN-MT ngày 5.9 cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2012-2015.

Nhật Bản đã nâng tần suất kiểm tra chất bảo quản chống oxy hóa (Ethoxyquin) đối với 100% các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Vụ thu đông năm nay, Yên Bái phấn đấu gieo trồng 5.000ha ngô trên đất 2 vụ lúa

YBĐT - Ngày 5/9, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông và giải pháp tiếp tục phát triển chăn nuôi năm 2012.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục