Huy động vàng trong dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/10/2012 | 8:08:05 AM
Đó là chủ đề của cuộc hội thảo do Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tổ chức ngày 4.10. Trong khi lượng vàng trữ trong dân được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá vào khoảng 300 - 500 tấn.
Nguồn vốn lớn từ vàng trong dân nếu được huy động sẽ là nguồn lực hiệu quả để phát triển kinh tế
|
Thị trường vàng đang nghẽn
TS Nguyễn Thế Hùng - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam đánh giá: “Các ngân hàng (NH) hiện nay huy động khoảng 100 tấn vàng, như vậy còn khoảng 400 tấn vàng nằm trong dân, tương đương 22 tỉ USD - xấp xỉ dự trữ ngoại hối hiện nay của Việt Nam. Nếu huy động một nửa số vàng này thì sẽ giảm áp lực vay nợ từ các tổ chức tài chính. Đó là chưa nói nó làm tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nguồn lực chủ động sẵn sàng điều tiết thị trường khi xảy ra cơn sốt giá. Huy động vàng trong dân cần thực hiện ngay, nếu không sẽ lãng phí”.
Theo chuyên gia tài chính Phạm Đỗ Chí: “NHNN với vai trò cơ quan điều tiết thị trường vàng chứ không nên độc quyền sản xuất vàng. Thủ phạm khiến giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 3 triệu đồng/lượng hiện nay là do trước đây, NHNN cho nhóm “G5 + 1” (5 NH và 1 công ty - PV) bán vàng trong nước, mua vàng tài khoản. Đến thời điểm này, nhất là khi thời điểm chấm dứt huy động vàng của các NH cận kề (25.11.2012), các NH phải tăng cường mua vàng khiến giá tăng. Giá vàng trong nước tăng hơn so với giá vàng thế giới bởi sự không liên thông và độc quyền”.
|
Quan điểm này được ông Nguyễn Đại Lai - chuyên viên NHNN thừa nhận. Theo ông Lai, việc chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước xuất phát từ việc trước đó NHNN cho các NH bán 40% tổng lượng vàng huy động và nay các NH này phải mua lại vàng, trong bối cảnh chỉ còn độc quyền vàng miếng SJC. TS Nguyễn Thế Hùng phân tích thêm, nhóm G5+1 đã thực hiện bán vàng trong nước, mua vàng tài khoản với kỳ vọng được phép nhập vàng về. Thế nhưng Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng không cho ai khác được nhập vàng ngoài NHNN. Đây là yếu tố gây nghẽn thị trường vàng, làm cho giá vàng trong nước cao hơn thế giới.
Huy động bằng cách nào?
Theo ông Lương Văn Tự - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, nếu cấm huy động vàng, thị trường có thể rơi vào hoạt động ngầm, lúc này cơ quan chức năng còn khó quản lý hơn. Ông Tự cho rằng muốn huy động vàng trong dân thì các quy định gửi vào - rút vàng ra cần được thuận lợi. Người dân xem vàng là kênh đầu tư nên nếu có lời, họ sẽ gửi. Ông Tự nhấn mạnh rằng nên để thị trường vàng trong nước lưu thông với thị trường vàng thế giới thông qua việc mở sàn giao dịch vàng. Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - thành viên HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ): “Mặc dù hiện nay đã cấm các sàn giao dịch vàng nhưng vẫn có khoảng 70 - 80 sàn đang ngấm ngầm hoạt động. Điều này chứng tỏ nhu cầu đầu tư của người dân là có thực”. Từ thực tế này - ông Hoàng Huy Hà, Ủy viên HĐQT NH TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, BIDV đã đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia Việt Nam. Sở này khi đi vào hoạt động sẽ tăng cường tính minh bạch, giá thông suốt, giảm tình trạng lũng đoạn, thao túng giá, giảm nhu cầu nhập khẩu vàng...
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh đề xuất có thể phát hành chứng chỉ huy động vàng để người dân lựa chọn. TS Nguyễn Thế Hùng đề nghị nghiên cứu thêm giải pháp hoán đổi vàng lấy ngoại tệ thông qua các công cụ phái sinh hoặc thông qua ký gửi vàng vay ngoại tệ. Nguồn ngoại tệ này được đưa vào đầu tư. Các nghiệp vụ hoán đổi này sẽ không gặp rủi ro về giá mà chỉ mất phí.
Để giảm áp lực tăng giá vàng trên thị trường trong nước hiện nay, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng: “NHNN nên gia hạn thời điểm chấm dứt việc phát hành chứng chỉ huy động vàng của các NH thương mại để giảm bớt áp lực lên thị trường. NHNN xem xét trực tiếp nhập vàng và hướng đường đi của lượng vàng nhập này đến đúng địa chỉ để giải quyết thanh khoản vàng cho các NH”. Theo ông Long: “Sau khi ổn định trạng thái vàng của các NH, sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để huy động vàng. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các NH hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội quốc gia”.
(Theo TNO)
Các tin khác
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 2400/QĐ-BTC phê duyệt kế hoạch phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành hải quan giai đoạn 2012-2015.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 28/2012/TT-NHNN quy định về nghiệp vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngày 3-10, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 162 quy định tạm ứng vốn từ ngân sách cho các dự án, công trình xây dựng cơ bản.
Tính đến 10h34, giá vàng SJC đã tăng 150.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên 3/10, lập mốc cao mới trong năm nay.