Nền tảng phát triển chăn nuôi

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/10/2012 | 2:21:57 PM

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, không chỉ đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh mà đến thời điểm này ngành chăn nuôi trên địa bàn vẫn đang trong cảnh lao đao. Nhiều hộ gia đình bỏ trống chuồng, các thương lái đi "săn" cả ngày cũng chỉ bắt được vài con lợn.

Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho hộ chăn nuôi tái đàn và mở rộng chăn nuôi.
Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho hộ chăn nuôi tái đàn và mở rộng chăn nuôi.

Giá thịt bán ở chợ thì cao giá lợn hơi vẫn đứng ở mức 38-40 ngàn đồng/kg. Nguy cơ thiếu thịt trong những tháng cuối năm là điều khó tránh khỏi. Lý giải cho sự bất ổn của ngành chăn nuôi người ta đổ lỗi do dịch bệnh. Thế nhưng thực chất là không có quy hoạch và chiến lược trong chăn nuôi, giá cả đầu ra bấp bênh trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng mạnh, người chăn nuôi thiếu vốn. Để ngành chăn nuôi vượt qua lúc khó khăn này, giải pháp trước mắt là tỉnh phải có cơ chế hỗ trợ chăn nuôi và "bơm" vốn kịp thời.

Nói như vậy không có nghĩa là tỉnh, ngành nông nghiệp không có định hướng, quy hoạch và các cơ chế chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi. Như chúng ta đã biết, từ nhiều năm nay chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh như: chương trình hỗ trợ trâu, bò cho hộ nghèo; chương trình tăng đàn cơ học; chương trình chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán công nghiệp; chương trình hỗ trợ chăn nuôi theo quy mô trang trại... số tiền cũng lên tới cả trăm tỷ đồng trong vòng 5-6 năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc đầu tư, hỗ trợ đó là chưa đủ và đang "lệch" về chăn nuôi trang trại, quy mô lớn mà bỏ qua chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Việc đầu tư, kích thích cho chăn nuôi trang trại, quy mô lớn là tốt và đúng định hướng nhưng ở một tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa xem ra không thực sự hiệu quả.

Ở một địa phương có 80% dân số sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi là một lĩnh vực không thể thiếu, tuy quy mô nhỏ chỉ 5-10 con lợn, vài ba chục con gà, con vịt chỉ ở hộ gia đình nhưng đây là "một nghề" và đóng góp không nhỏ vào thị trường thực phẩm, góp phần quan trọng vào xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Đến nay vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào nhưng chắc chắn giá trị chăn nuôi ở hộ gia đình chiếm không dưới 60% tỷ trọng chăn nuôi của tỉnh nhưng 1-2 tháng trở lại đây, các chủ lò mổ thủ công phải mò mẫm xuống từng hộ dân để tìm mua lợn hơi mà cũng rất khan hiếm.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn một người có thâm niên làm nghề mổ lợn ở phường Yên Thịnh than thở: "Mấy ngày nay đi mua lợn hơi khó hơn đi mua vàng, tôi đi từ sáng đến giờ mà mới mua được có 3 con. Chẳng bù cho trước đây ngày nào cũng có người gọi đến cân lợn, cứ đà này thì từ nay đến cuối năm chẳng còn có lợn mà bán nữa". Nguyên nhân làm cho các hộ chăn nuôi từ trang trại đến hộ cá thể bỏ trống chuồng và giảm đàn là khan hiếm lợn giống, giá lợn hơi xuống thấp trong khi giá thức ăn tăng cao cùng với không ít hộ thiếu vốn cho sản xuất.

Anh Nguyễn Đình Thịnh - một chủ hộ chăn nuôi ở Trấn Yên bức xúc: "Người chăn nuôi thiếu vốn muốn vay ngân hàng cũng hết sức khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi tăng từng ngày trong khi giá lợn hơi rất thấp mà người dân lại phải mua thực phẩm với giá cao".

Rõ ràng trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn đang tồn tại những bất cập và nhiều nghịch lý cần được tháo gỡ: mô hình chăn nuôi chủ yếu là hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán, cả tỉnh không có một lò mổ tập trung, thị trường tiêu thụ chủ yếu là do thương lái trên khắp các làng quê đến thành phố, thị xã, thị trấn mua về mổ thủ công và đưa ra các chợ bán. Chăn nuôi nhỏ lẻ lại không có sự liên kết, quy hoạch dẫn đến giá cả luôn bị ép giá và do các thương lái áp đặt.

Để chăn nuôi bền vững và vượt qua khó khăn lúc này, trước mắt cần coi trọng việc phòng chống dịch bệnh, tạo sự liên kết các hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ lại với nhau hoặc liên kết với doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường. Nhất thiết chúng ta phải tạo ra được chuỗi chăn nuôi từ cung ứng đến thị trường, cùng với đó tỉnh cũng cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi quy mô hộ gia đình chứ không nên quá chú trọng đến chăn nuôi trang trại, quy mô lớn như hiện nay.

Ngay lúc này, các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho hộ chăn nuôi tái đàn và mở rộng chăn nuôi nhưng cũng không nên tái đàn một cách ồ ạt duy ý chí. Về lâu dài phải mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi giúp nông dân nắm vững kiến thức phòng chống dịch bệnh và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất.

Thanh Phúc

Các tin khác
Giá vàng giảm 170.000 đồng

Ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá vàng trong nước đồng loạt giảm 170.000 đồng/lượng, xuống mức 47,80 triệu đồng/lượng vào sáng 8/10.

Lễ công bố Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi.

Ngày 7/10, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ công bố Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi, thành phố Hải Phòng, giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025."

Đoàn công tác kiểm tra tại xã Thanh Lương huyện Văn Chấn.

YBĐT - Từ ngày 3 đến 5/10, Đoàn công tác liên ngành của tỉnh gồm các Sở Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng đã có đợt kiểm tra tiến độ triển khai Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2011 - 2015 tại các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ.

Bộ Tài chính yêu cầu hồ sơ đăng ký giá của các doanh nghiệp đầu mối phải được gửi đến Cục Quản lý giá trước khi điều chỉnh giá bán

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đầu mối yêu cầu thực hiện nghiêm việc đăng ký giá gas.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục