Phát triển giao thông nông thôn: Cách làm hay của thanh Lương

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/10/2012 | 8:59:19 AM

YBĐT - Xã đã bàn với dân tìm nhiều cách để giảm bớt khoản đóng góp. Những việc có thể làm được thì nhân dân chung tay cùng làm, bí lắm mới phải đóng tiền. Các loại vật liệu từ cát, sỏi, đến lao động làm rãnh, đổ bê tông đều một tay người dân tự làm.

Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp các địa phương trong tỉnh.
(Ảnh: Quang Thiều)
Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp các địa phương trong tỉnh. (Ảnh: Quang Thiều)

Những năm qua, phong trào phát triển giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật. Năm 2012, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới với một đề án hỗ trợ khá toàn diện theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 60% - nhân dân đóng góp 40%. Chớp thời cơ, các địa phương đã tích cực vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp sức mở đường. Phong trào làm đường GTNT khắp các địa phương chưa bao giờ sôi động như lúc này.

Những cách làm hay

Tháng 10, những cơn mưa rào kéo dài thưa dần, cũng là mùa lý tưởng cho việc xây dựng. Chúng tôi đến Văn Chấn, Nghĩa Lộ khi vụ mùa vừa thu hoạch, vụ 3 cũng làm gần xong. Người dân dường như không nghỉ ngơi, họ lại bắt tay vào làm đường giao thông.

Trên công trường Bản Khinh, xã Thanh Lương, tiếng máy trộn bê tông nổ giòn giã, người dân nhịp nhàng chuyền tay những xô sỏi đổ vào máy như những công nhân chuyên nghiệp.

Có mặt tại công trường để chỉ đạo, giám sát thi công, anh Trịnh Xuân Thành - Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: "Tuyến đường vào thôn Bản Khinh dài 1km, vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 60% còn lại người dân đóng góp. Tuy nhiên, nếu đóng góp bằng tiền mặt thì mỗi hộ phải đóng góp từ 2-4 triệu đồng, số tiền này quá lớn so với khả năng của người dân ở Bản Khinh. Do vậy, xã đã bàn với dân tìm nhiều cách để giảm bớt khoản đóng góp. Những việc có thể làm được thì nhân dân chung tay cùng làm, bí lắm mới phải đóng tiền. Các loại vật liệu từ cát, sỏi, đến lao động làm rãnh, đổ bê tông đều một tay người dân tự làm, máy trộn bê tông thì vận động doanh nghiệp hỗ trợ. Chính vì thế, toàn bộ số tiền gần 400 triệu đồng mà người dân phải đóng để làm đường giờ mỗi hộ chỉ phải đóng 136.000 đồng".

Ngày đổ bê tông con đường, người dân Bản Khinh nô nức, hào hứng chứng kiến con đường được làm từ công sức, mồ hôi sau bao ngày chuẩn bị vật liệu. Ông Bùi Văn Uớc - Ban giám sát thôn mở sổ cho tôi xem thống kê, người dân đã đóng góp được 3.500 công lao động. Ông cho biết: "Dân trong bản còn nghèo, nếu thu tiền mỗi hộ vài triệu đồng thì chẳng biết khi nào mới đủ. Chỉ có bỏ sức lao động ra làm thì mới giảm bớt đóng góp, mới làm được đường". Trong khó khăn, lãnh đạo xã Thanh Lương đã năng động tìm được giải pháp tốt nhất để phát triển giao thông. Cách làm của Thanh Lương là giải pháp hay đối với các thôn bản nghèo, không có khả năng đóng góp tiền.

 

Phát triển giao thông ở vùng cao luôn gặp phải khó khăn do địa hình đồi núi cao chênh vênh. (Trong ảnh: Người dân bản Hát Lừu 2, xã Hát Lừu, Trạm Tấu tham gia làm đường giao thông).

Phát triển GTNT là một chặng đường rất dài, không thể một sớm một chiều hoàn thành được. Do nguồn ngân sách cho lĩnh vực này chưa nhiều nên việc xã hội hoá công tác phát triển GTNT là giải pháp tốt nhất. Nhiều địa phương đã và đang làm rất tốt công tác xã hội hoá làm đường GTNT, điển hình như Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Hết tháng 9/2012, huyện Trạm Tấu đã mở mới 70km đường GTNT, Mù Cang Chải gần 58 km. Tuy những tuyến mở mới chưa được bê tông hoá nhưng với nguồn hỗ trợ 70 triệu đồng/km mở mới và 20 triệu/km mở rộng thì đó đã là một kết quả đáng ghi nhận.

Trong chuyến kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua của tỉnh, nhiều ý kiến của các ngành cho rằng, thời điểm này các huyện vùng cao nên tập trung hoàn thiện, ổn định phần nền đường, tích cực vận động nhân dân thường xuyên tu sửa, có phương án chuẩn bị vật liệu để năm tới đăng ký hỗ trợ bê tông hoá. Những tuyến mở mới không nên đăng ký bê tông hoá ngay vì như vậy sẽ rất nặng các khoản đóng góp của người dân; hơn nữa, các tuyến mở mới nền đường chưa ổn định rất dễ sạt lở, nếu bê tông hoá ngay hiệu quả sẽ không cao.

Còn có những bất cập

Cũng từ sự “làm” ở chỗ “không nên” mà ở một vài nơi có cách làm vẫn chưa phù hợp. Có địa phương sau khi được giao kế hoạch kiên cố hóa 2 km đường bê tông thì lại chia nhỏ ra cho mỗi thôn vài trăm mét “để người dân phấn khởi, công bằng”.

Theo ông Bùi Danh Tú, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, nên tập trung làm hoàn chỉnh các tuyến đường, như vậy mới thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, đi lại của người dân. Phát triển GTNT là một chặng đường dài, cần phải xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực, đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng không thể làm đường bằng mọi giá mà không quan tâm đến khả năng của người dân. Xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là xã 135, cả xã có tới 67,7% là hộ nghèo, có những tuyến đường khi triển khai làm người dân phải đóng góp đến 5 triệu đồng/hộ. Hay như ở bản Bay xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ, mỗi khẩu phải đóng góp đến 500.000 đồng để làm đường do vừa mở mới vừa kiên cố hoá...

Mục tiêu phát triển GTNT là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo nhưng ở một số nơi  người dân vốn đã nghèo nay lại phải thêm gánh nặng làm đường thì lại phản tác dụng. Các xã nên học tập cách làm ở các địa phương để giảm bớt được gánh nặng này.

Mặt khác, Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2011-2015 nếu triển khai ở vùng thấp, đông dân, điều kiện kinh tế khá thì rất thuận lợi, nhiều địa phương đăng ký nhưng vẫn chưa được làm. Tuy nhiên, cũng với cơ chế đó mà triển khai ở các xã vùng cao, vốn thưa dân, đời sống khó khăn, không có nguồn tài nguyên cát, sỏi để khai thác như ở Trạm Tấu hay Mù Cang Chải thì cơ chế 60/40 lại không phù hợp. Nên chăng cần có sự điều chỉnh đề án cho hợp lý? 

 

Người dân Bản Khinh, xã Thanh Lương tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Một vấn đề nan giải mà hầu hết các địa phương đang mắc khi giao cho xã làm chủ đầu tư các tuyến đường bê tông hoá là thủ tục đầu tư và thanh quyết toán. Nhiều tuyến đường người dân đã chuẩn bị đầy đủ vật liệu cát, sỏi nhưng lại chưa có tiền để mua xi măng, chưa có tiền từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước do xã chưa hoàn thiện được các thủ tục để lấy kinh phí.

Nguyên nhân chủ yếu là do đề án mới được triển khai, phương thức thực hiện có nhiều điểm mới như giao cho xã làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện thi công, trong khi đó năng lực của cán bộ xã còn nhiều hạn chế, chưa có kinh nghiệm nên quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng. Do vậy, bên cạnh việc ban hành hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán của các ngành chuyên môn, cần có những lớp tập huấn chuyên đề về GTNT cho đội ngũ cán bộ xã.

Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2011-2015 đã khẳng định quyết tâm của tỉnh để hoàn thiện hệ thống GTNT. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức với mỗi địa phương. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau nhưng cần phải xã hội hoá công tác làm đường GTNT; huy động sức dân, giảm bớt các khoản đóng góp cho dân, tránh trường hợp có thôn 67% hộ nghèo, khi làm đường mỗi hộ phải đóng góp 4 -7 triệu đồng khiến cho người dân vốn đã nghèo lại thêm gánh nặng.

Anh Dũng

Các tin khác
Đợt thí điểm đã nâng mức năng suất được bảo hiểm đối với cây lúa lên 90% và áp dụng cho tất cả các địa phương triển khai thí điểm BHNN với cây lúa (mức cũ là 80%). (Trong ảnh: Cánh đồng lúa xã Khánh Hòa, Lục Yên đang vào vụ thu hoạch)

Ngày 16-10, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã công bố báo cáo công tác triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013.

Nguyên nhân thu hồi do gặp lỗi về điều khiển lên xuống kính cửa sổ bằng công tắc chính (công tắc nằm phía trước bên trái xe).

Giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu được dự báo sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, vật liệu xây dựng khó tăng giá do sức cầu yếu. Mặt hàng đường được dự báo sẽ giảm giá trong thời gian tới do nguồn cung dồi dào với “đóng góp” của đường nhập lậu.

Ga Sài Gòn sáng 16.10 cho biết đơn vị này sẽ giảm giá vé tàu hỏa nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Đường sắt Việt Nam (21.10).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục