Khi lòng dân đồng thuận

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/11/2012 | 3:29:43 PM

YBĐT - Lần đầu tiên thực hiện công tác đền bù, di dời, tái định cư, khối lượng công việc lớn, nhiều vấn đề phức tạp phát sinh là thử thách nặng nề đối với Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Yên.

Nhà thầu Doosan thi công đường cao tốc tại gói thầu A6, đoạn 112.
Nhà thầu Doosan thi công đường cao tốc tại gói thầu A6, đoạn 112.

Dự án GPMB đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái dài 81km, trong đó huyện Văn Yên chiếm nhiều cái “nhất: chiều dài 54km đi qua 8 xã, tổng diện tích mặt bằng cần giải phóng gần 4,5 triệu m2 đất và 11 công trình công cộng như chợ, nhà văn hoá, trường mầm non và trường tiểu học; trên 2 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó gần 500 hộ dân của 8 xã hữu ngạn sông Hồng phải di chuyển nhà cửa. Ngoài ra, huyện còn phải di dời trên 300 ngôi mộ, di chuyển 12 công trình đường điện từ 0,4KV đến 35KV.

Lần đầu tiên thực hiện công tác đền bù, di dời, tái định cư, khối lượng công việc lớn, nhiều vấn đề phức tạp phát sinh là thử thách nặng nề đối với Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Yên.

Những ngày đầu, việc kiểm đếm, đánh giá mức độ bồi thường, lập phương án đền bù đã gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc xác định nguồn gốc đất; quá trình thi công làm ách tắc nguồn thủy lợi, thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm chết cây cối, hoa màu, động chạm đến các công trình tâm linh, tín ngưỡng…

Bên cạnh đó, thực hiện các bước đền bù cho người dân kéo dài từ năm 2008 đến năm 2012 trong khi chính sách đền bù áp giá từ năm 2008 không thay đổi, trượt giá do lạm phát khiến các hộ dân nảy sinh thắc mắc. Để hoàn thành bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, huyện Văn Yên đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) đường cao tốc, thành lập Hội đồng Bồi thường GPMB và các tổ công tác; lựa chọn cán bộ tham gia vào Hội đồng Bồi thường GPMB, các tổ chuyên trách là những người có trình độ, có kinh nghiệm, am hiểu pháp luật, có khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân, có tinh thần trách nhiệm cao và quyết đoán.

 Xác định thành công của chiến dịch GPMB đường cao tốc phải thực hiện tốt công tác “Dân vận khéo”, huyện Văn Yên đã chỉ đạo tập trung và quyết liệt, yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; khơi dậy được sự quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện xuống xã trong việc phối hợp tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường cũng như giúp người dân nắm bắt được chủ trương, chế độ, chính sách đền bù theo qui định của Nhà nước.

Bài học kinh nghiệm được Ban chỉ đạo GPMB huyện rút ra là dân vận phải khéo, phải kiên trì, vận dụng tốt chính sách, vừa vận động vừa thuyết phục, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, coi trọng quyền lợi của nhân dân để tháo gỡ các vấn đề phát sinh. Khi tư tưởng đã thông thì người dân sẵn sàng cảm thông, chia sẻ với chính quyền, khắc phục khó khăn để GPMB.

Điển hình là trường hợp của ông Đỗ Thanh Sơn, bệnh binh ở xã Xuân Ái. Mảnh đất của ông Sơn nằm trong khu vực trung tâm xã, khi áp giá đền bù theo Quyết định số 06 của UBND tỉnh thì gia đình được đền bù trên 12 triệu đồng. Cho rằng gia đình quá thiệt thòi bởi giá đền bù của Nhà nước thấp hơn so với giá đất của thị trường nên ông Sơn chưa chấp thuận. Ban chỉ đạo GPMB huyện Văn Yên cùng Đảng bộ, chính quyền xã Xuân Ái đã kiên trì gặp ông Sơn để tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng thời huyện trích ngân sách từ nguồn xã hội hỗ trợ gia đình 15 triệu đồng để tái định cư nên đã nhận được sự đồng thuận của người bệnh binh này.

Ông Sơn chia sẻ: “Đền bù của Nhà nước và hỗ trợ của huyện đối với mảnh đất của gia đình chưa được như giá cả thị trường hiện nay nhưng muốn góp phần tạo điều kiện cho xã hội phát triển, làm giàu cho quê hương, đất nước nên dù còn nhiều khó khăn, gia đình nhất trí bàn giao mặt bằng cho địa phương để thi công đường cao tốc”.

 Xã An Thịnh là một trong những địa bàn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác GPMB. Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua 5 thôn của xã An Thịnh đã khiến 312 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 107 hộ phải di chuyển tái định cư, diện tích đất thu hồi hơn 478.000m2. Trong các hội nghị họp dân, các thông tin về dự án, mức giá đền bù có liên quan đến đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc, hoa màu đều được công khai hóa, tài liệu được phát đến 100% số hộ dân liên quan.

Những vấn đề người dân thắc mắc được Ban vận động GPMB xã phối hợp với Hội đồng Bồi thường GPMB huyện từng bước tháo gỡ. Đặc biệt, xã đã mở hai đợt cao điểm tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng. Ban vận động GPMB xã còn huy động xe cơ giới của các đơn vị thi công và huy động hội viên, đoàn viên của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Đội Xung kích Chữ thập đỏ đến giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn neo đơn, gia đình chính sách tháo dỡ, di chuyển nhà cửa, đồ đạc đến nơi ở mới.

Giải quyết các thắc mắc, kiến nghị của nhân dân về chính sách bồi thường GPMB là một việc khó nhưng việc vận động nhân dân vào các khu tái định cư cũng không kém phần phức tạp. Điển hình là khu tái định cư thôn Đại An và thôn Cửa Ngòi xã An Thịnh nằm ngay bên bờ sông Hồng nhưng hai khu này rất khó khăn về nguồn nước. Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hỗ trợ mỗi hộ 6 triệu đồng đào giếng nhưng việc tìm nguồn nước sinh hoạt ở đây vẫn hết sức gian nan.

Khu tái định cư Cửa Ngòi, giếng đào sâu 12m vẫn chưa có nước, còn khu Đại An nằm trên nền đá cứng nên đào móng nhà phải dùng máy khoan đá, đào giếng nước vô cùng khó khăn. Ban chỉ đạo GPMB huyện Văn Yên đã đối thoại với người dân ở hai khu để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng đồng thời trích ngân sách huyện hỗ trợ thêm mỗi hộ 6 triệu đồng, giúp người dân đào giếng hoặc dùng đường ống dẫn nước sạch từ trên núi về. Với cách giải quyết sáng tạo và hợp lòng dân đó, người dân khu Cửa Ngòi, Đại An đã chủ động được nguồn nước sinh hoạt và chăn nuôi nên nhanh chóng chuyển vào khu tái định cư, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Giải quyết thấu đáo mọi vấn đề, huyện Văn Yên đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo GPMB, các ban, ngành chức năng của tỉnh để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Đến ngày 30/6/2012, huyện đã giải phóng xong mặt bằng sạch và 100% số hộ dân đã nhận đủ tiền đền bù với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng và 138 hộ đã được bố trí vào khu tái định cư.

Ông Hà Đức Anh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Thành công trong công tác GPMB của Văn Yên trước hết phải khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành mọi cấp, mọi ngành tham gia công tác GPMB. Bên cạnh đó là làm tốt công tác tuyên truyền về các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác bồi thường, tái định cư. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ huyện đến xã sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, khi có vấn đề phát sinh ở cơ sở thì giải quyết kịp thời, không để xảy ra bức xúc trong nhân dân. Công tác kiểm đếm, đền bù, hỗ trợ được thực hiện chính xác, khách quan, công khai, công bằng và dân chủ. Vai trò nòng cốt, đi đầu của cán bộ, đảng viên, nhất là gia đình cán bộ, đảng viên có liên quan đến GPMB, tái định cư được phát huy, từ đó đã tạo được sự đồng thuận của người dân”.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, huyện Văn Yên đã trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Yên Bái hoàn thành việc GPMB đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mặt bằng sạch đã được bàn giao cho chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đúng tiến độ. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Văn Yên tiếp tục giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thi công, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trọng điểm quốc gia mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Hồng Vân

Các tin khác

YBĐT - Những năm gần đây, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái) tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai và lao động phục vụ cho phát triển kinh tế.

YBĐT - Ngày 6/11, đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đi thăm và kiểm tra tiến độ thi công nhà máy xử lý rác thải, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại thôn Ngòi Sen, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái.

Tính đến cuối buổi sáng 6/11, giá bán ra tại các doanh nghiệp kim hoàn lớn dao động từ 46,20 đến 46,27 triệu đồng/lượng, cao hơn từ 200.000 đến 250.000 đồng/lượng so với cuối ngày 5/11.

Mô hình cầu Rồng sau khi hoàn thiện.

Với trọng lượng thân lên tới trên 1.000 tấn, cầu vòm mô phỏng hình rồng bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng sẽ được đăng ký kỷ lục Guinness thế giới là "Con Rồng thép lớn nhất".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục