Ưu tiên nguồn vốn đảm bảo tăng trưởng
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/11/2012 | 2:50:00 PM
YBĐT - Điểm nổi bật trong hoạt động ngân hàng thời gian qua là động thái cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với mọi đối tượng khách hàng của các ngân hàng thương mại.
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Yên Bái.
|
Bám sát Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/02/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thực hiện chính sách tiền tệ, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2012, các chi nhánh ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã tăng cường các biện pháp huy động vốn, thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất huy động vốn và cho vay; đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch được giao; ưu tiên vốn tín dụng cho vay lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giải ngân các dự án đã cam kết, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.
Hoạt động trong bối cảnh hết sức khó khăn nhưng tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách Xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân đến hết tháng 9 năm 2012 đạt 7.547 tỷ đồng, ước thực hiện đến hết tháng 10 năm 2012 đạt 7.590 tỷ đồng, tăng 6,81% so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn huy động dưới hình thức tiền gửi các tổ chức kinh tế và dân cư tăng 32,21%, nguồn vốn điều hoà hệ thống giảm 29,41%. Tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đến hết tháng 9 năm 2012, đạt 7.280 tỷ đồng, ước thực hiện đến hết tháng 10 năm 2012, đạt 7.330 tỷ đồng, tăng 10,93% so với đầu năm.
Trong đó, dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại tăng 11,49%, dư nợ cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng 5,1%, dư nợ cho vay của các quỹ tín dụng nhân dân tăng 25,95% so với đầu năm. Về cơ cấu tín dụng theo thời hạn cho vay trung hạn, dài hạn chiếm tỷ lệ 60,18%, tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tiêu dùng chiếm tỷ lệ 11,78%, tăng 3,83% so với thực hiện năm 2011, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ 88,22%.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng, quỹ tín dụng vẫn ở mức an toàn và ngày càng tốt lên (đến 30/9/2012 chiếm 2,62% so với tổng dư nợ, giảm 0,21% so với 31/12/2011). Điểm nổi bật trong hoạt động ngân hàng thời gian qua là động thái cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với mọi đối tượng khách hàng của các ngân hàng thương mại.
Bộ phận “một cửa” của thị trấn Yên Bình (Yên Bình) luôn tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh gọn cho khách hàng đến giao dịch.
Tính đến hết tháng 9 năm 2012, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 704 khách hàng, dư nợ cơ cấu lại 619 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11,1% dư nợ cho vay. Số khách hàng vay đã được điều chỉnh giảm lãi suất (các hợp đồng tín dụng cũ có mức lãi suất >15%/năm) về mức tối đa 15%/năm là 31.725 khách hàng, dư nợ cơ cấu lại và điều chỉnh giảm lãi suất là 4.290 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 76.87% dư nợ cho vay. 100% các khoản vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức lãi suất tối đa là 13%/năm ( đã có 917 khách hàng và 174 tỷ đồng được áp dụng mức lãi suất này).
Hiện dư nợ cho vay có mức lãi suất lớn hơn 15%/năm là 849 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 15,21% so với tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng thương mại. Thời gian còn lại của năm 2012 không nhiều, sức ép tăng trưởng kinh tế cũng như việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm là rất lớn, lĩnh vực ngân hàng vừa là mục tiêu, vừa giải pháp quan trọng của sự phát triển kinh tế.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao toàn hệ thống ngân hàng cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012; tập trung thực hiện tốt các giải pháp huy động nguồn vốn, tiếp tục thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn tín dụng cần thiết của dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; ưu tiên vốn tín dụng cho vay lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ...
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho biết: “Hiện nguồn vốn và hạn mức cho vay vẫn đủ để đáp ứng thoả mãn nhu cầu của khách hàng nói chung và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nói riêng. Vấn đề là doanh nghiệp và các khách hàng có hấp thụ được nguồn vốn nữa hay không. Hiện nay, các ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Công thương... đang đẩy mạnh cho vay với các thủ tục không quá khắt khe và lãi suất thấp, đặc biệt những doanh nghiệp có nền tài chính tốt, sản xuất kinh doanh hiệu quả và đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng sẽ được hưởng mức lãi suất rất ưu đãi”.
Tấn Đạt
Các tin khác
Việc chuyển đổi các vàng thương hiệu khác SJC sang vàng miếng SJC đã lộ ra tình trạng vàng miếng thấp tuổi khá nhiều.
YBĐT - Xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) có trên 3.000ha rừng các loại với trữ lượng lớn và nhiều loại gỗ quý hiếm nên luôn là “điểm nóng” trong khai thác, vận chuyển lâm sản.
Ngày 8-11, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, đại diện 5 Công ty Điện lực các khu vực và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã ký Hiệp định tín dụng cho Dự án Phân phối điện Hiệu quả cho Việt Nam, nhằm cấp điện chất lượng tốt và ổn định hơn cho người sử dụng điện Việt Nam, đồng thời giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua cải thiện hiệu quả lưới điện.
YBĐT - Năm 2012, Chi cục thuế Lục Yên được tỉnh Yên Bái giao dự toán thu cân đối ngân sách 45,5 tỷ đồng, dự toán phấn đấu của huyện là 47,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/10, đã thu đạt 29,3 tỷ đồng, bằng 64% dự toán tỉnh giao và bằng 62% dự toán phấn đấu của huyện, tăng 43% so cùng kỳ năm 2011.