Nông dân Trấn Yên thi đua sản xuất giỏi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/11/2012 | 9:52:42 AM

YBĐT - Qua phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi ở huyện Trấn Yên (Yên Bái).

Mô hình VACR của hội viên Nghiêm Công Thành, thôn Đồng Danh, xã Minh Quân hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Mô hình VACR của hội viên Nghiêm Công Thành, thôn Đồng Danh, xã Minh Quân hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Hội Nông dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) có gần 13.000 hội viên đang sinh hoạt ở 22 cơ sở xã, thị trấn với 224 chi hội. Trong nhiệm kỳ 2007-2012, hội viên Hội Nông dân huyện đã triển khai có hiệu quả các phong trào công tác, đặc biệt là trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” đã trở thành động lực quan trọng để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế.

Phong trào này đã giúp người nông dân có ý thức hơn trong quá trình sản xuất phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng các loại sản phẩm nông nghiệp và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như: vùng lúa chất lượng cao 1.700 ha, vùng sản xuất kinh doanh chè hơn 2.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm trên 100ha, vùng tre măng Bát Độ hơn 1.300 ha…

Ngoài ra, còn hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi với quy mô lớn theo hướng bán công nghiệp như nuôi lợn, gà, thỏ. Hàng năm, 100% cơ sở hội đã phát động cho trên 70% hội viên đăng ký tham gia thi đua, trong đó trên 50% số hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất kinh doanh đã có 21 cơ sở hội nhận vay vốn ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng dư nợ lên tới gần 60 tỷ đồng.

Cùng với đó, để giúp các hội viên có hướng đi đúng trong phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội đã vận động các hội viên tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lồng ghép việc trao đổi chia sẻ kinh nghiệm làm ăn giữa các hội viên với nhau trong các buổi sinh hoạt hội.

Trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các ngành tổ chức 45 lớp đào tạo nghề và trên 1.500 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho gần 70 nghìn lượt hội viên. Nhờ đó, đã có trên 1.000 hộ hội viên nông dân được giúp đỡ thoát nghèo và xóa nhà tạm cho trên 400 hội viên nông dân nghèo.

Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi như: ông Lê Công Luân, thôn Linh Đức, Trần Văn Đa, thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, Vũ Huy Quang, thôn Lương Môn, xã Lương Thịnh, Trần Văn Mỹ, thôn Quyết Tiến, xã Y Can, Triệu Phú Tiên, thôn Đồng Song, xã Kiên Thành…

Là một trong số hàng trăm hội viên có mức thu nhập cao trong sản xuất kinh, hàng năm hội viên Nghiêm Công Thành, thôn Đồng Danh, xã Minh Quân có thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Có trên 5 sào ao đầu tư nuôi thả các loại cá kết hợp với nuôi gần 200 con vịt thịt, 2 con lợn nái và gần 30 con lợn thịt cùng với chăn nuôi, ông Thành còn chăm sóc tốt 2 ha rừng, 1ha chè và mở cửa hàng tạp hóa chuyên cung cấp các loại lương thực, thực phẩm cho người dân trong thôn và các thôn lân cận. Mô hình kinh tế tổng hợp không những giúp ông thoát nghèo mà còn là gương điển hình trong phát triển kinh tế hộ được nhiều hội viên trong và ngoài xã đến học tập kinh nghiệm.

Ông Thành tâm sự: “Có được thành quả như ngày hôm nay cũng là nhờ nắm bắt được khoa học kỹ thuật qua các buổi tập huấn do hội nông dân tổ chức. Các buổi tập huấn đã giúp nông dân chúng tôi có kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Cũng làm kinh tế tổng hợp VACR, hội viên Lương Văn Đông, thôn 3, xã Cường Thịnh là một mô hình kinh tế giỏi được nhiều hội viên đến học tập và làm theo. Hiện nay, gia đình ông có 4 ha rừng, trên 1 mẫu ao nuôi cá thịt, trong chuồng lúc nào cũng có 6 con lợn nái, 30-40 con lợn thịt, trên 200 con gà các loại như: gà tre, gà thuốc, gà ta…, đặc biệt ông còn nuôi trên 100 đôi chim bồ câu giống. Mô hình kinh tế này hàng năm mang về cho gia đình ông trên dưới 100 triệu đồng. 

Có thể khẳng định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” là động lực để giúp nhiều hội viên nông dân Trấn Yên vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Nhiều người đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cho sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện gia đình, tạo nên sức mạnh của tổ chức Hội, góp phần tích cực vào phong trào xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện trên quê hương Trấn Yên anh hùng.

H.D

Các tin khác

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban chỉ đạo 127 Trung ương) có phương án đấu tranh hiệu quả đối với tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Số tiền này giúp Việt Nam giảm chất HCFCs với nguy cơ gây tình trạng trái đất nóng lên cao, giai đoạn 2013-2015.

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Văn Yên hướng dẫn thủ tục cho người dân đến nộp thuế.

YBĐT - Khó khăn chung của nền kinh tế thời gian qua đã ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến công tác thu ngân sách của huyện Văn Yên (Yên Bái). Một số nguồn thu trước đây là thế mạnh của địa phương thì nay bị giảm xuống. Chính vì vậy, huyện đang hết sức nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch giao.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 8/11, kết quả xuất khẩu gạo giao hàng từ ngày 1-8/11 đạt 138.570 tấn, trị giá FOB 66,642 triệu USD, trị giá CIF 69,677 triệu USD.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục