Ngày mới ở Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/12/2012 | 9:02:03 AM

YBĐT - Không chỉ người dân thôn Bản Mới, Tập Lăng 1, Tập Lăng 2 có đời sống kinh tế khá mà hiện nay nhiều thôn của Suối Giàng cũng có cuộc sống ổn định. Đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền địa phương sát sao quan tâm, chỉ đạo đồng bào tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, trong đó tích cực phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch.

Nuôi lợn “cắp nách” mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Suối Giàng.
Nuôi lợn “cắp nách” mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Suối Giàng.

Từ trung tâm huyện Văn Chấn, chỉ mất 20 phút đi xe máy ngược dốc chúng tôi đã có mặt ở xã Suối Giàng. Suối Giàng giờ đã đổi thay nhiều. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư khang trang, cuộc sống của 532 hộ dân nơi đây dưới sự lãnh đạo của chính quyền địa phương trong chuyển đổi  cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng thôn bản đã được cải thiện nhiều.

Chúng tôi vào thôn Bản Mới, một trong số những thôn người dân có mô hình nuôi lợn “cắp nách” mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua câu chuyện với ông Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy xã được biết, những năm trước đây, nói đến lợn “cắp nách” hầu như nhà nào cũng nuôi một vài con nhưng chủ yếu chỉ để phục vụ cho gia đình khi có công có việc. Đây là giống lợn thuần chủng, nuôi theo hình thức thả rông và tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thức ăn công nghiệp nào.

Cá biệt có những con nuôi hàng năm trời nhưng do thả rông hoang dã nên trọng lượng vẫn chỉ đủ... cắp nách. Chính vì thế những con lợn này thịt chắc, thơm, nhiều nạc và đặc biệt an toàn vệ sinh thực phẩm. Loại lợn này đang được nhiều người dưới trung tâm huyện, thị xã Nghĩa Lộ, có người ở tận ngoài thành phố cũng gửi mua….

Thấy được nhu cầu của người dân nên 2-3 năm trở lại đây xã vận động bà con nuôi lợn “cắp nách” để trở thành hàng hóa. Gia đình trưởng thôn Vàng Suối Dê là một trong số những hộ trong có kinh tế khá giả nhờ nuôi lợn. Năm 2009, anh đầu tư hơn 10 triệu đồng mua lưới B40 về quây hơn 1.000m2  đất ngay sau nhà để nuôi lợn. Hiện nay gia đình anh đang nuôi 5 lợn nái và trong vườn lúc nào cũng có gần 30 lợn thịt. Với giá bán từ 90.000-120.000/kg (tùy từng thời điểm) hàng năm cũng mang về cho gia đình anh gần 40 triệu đồng.

Anh Dê cho biết: “Kinh tế gia đình chủ yếu chỉ trông vào đàn lợn thôi, nhờ con lợn mà cuộc sống của gia đình cũng đã ổn định hơn, con cái được học hành tử tế. Thôn mình có 76 hộ thì hộ nào cũng nuôi từ 2-5 con nái như nhà Chang A Tủa, Vàng A Tống, Vàng A Săng, Mùa A Chua, Chang A Sang… Nhờ chăn nuôi mà thôn mình chỉ còn khoảng 30 hộ nghèo thôi đấy”.

Không nuôi lợn “cắp nách” như thôn Bản Mới hai thôn Tập Lăng 1 và Tập Lăng 2 lại phát triển kinh tế từ trồng rừng. Diện tích rừng của xã chủ yếu nằm ở hai thôn này. Thôn Tập Lăng 2 có trên 50 hộ, kinh tế chủ yếu dựa vào rừng trồng, trong đó có trên 60ha quế. Nay nhiều gia đình đã thoát nghèo và khá giả nhờ cây quế như Vàng A Chư, Vàng A Tồng, Chang A Lờ, Sùng A Tu A…. 

Không chỉ người dân thôn Bản Mới, Tập Lăng 1, Tập Lăng 2 có đời sống kinh tế khá mà hiện nay nhiều thôn của Suối Giàng cũng có cuộc sống ổn định. Đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền địa phương sát sao quan tâm, chỉ đạo đồng bào tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, trong đó tích cực phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch.

Nói tới Suối Giàng không thể không nói tới cây chè Shan tuyết- một thế mạnh kinh tế mũi nhọn của xã. Với diện tích chè hiện có 423 ha trong đó có khoảng 400 gốc chè cổ thụ. Hàng năm, toàn xã thu hái được khoảng 500 tấn chè búp tươi, bán với giá trung bình 7.000đồng/kg, thu về cho bà con trong xã trên 3 tỷ đồng. Giá trị kinh tế từ cây chè đem lại là rất rõ, cuộc sống của đồng bào Mông ở Suối Giàng sống chủ yếu dựa vào cây chè. Tuy nhiên, những năm gần đây chè cổ Suối Giàng đã bị chết rất nhiều, phần do già cỗi, phần sâu bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân.

 Bí thư Giàng A Đằng cho biết: “Hiện nay toàn xã có khoảng 50 ha mối xông trên 50% số cây.Trước tình trạng trên, xã đã mua thuốc bảo vệ thực vật xử lý thử nghiệm ở một số diện tích bằng cách đào xung quanh gốc chè cho cỏ, cây, gỗ xuống khoảng một tuần mối tập trung ở đấy thì phun thuốc vào, qua kiểm tra 15 ngày cây không bị mối nữa. Tuy nhiên, do diện tích chè bị sâu bệnh lớn mà xử lý theo cách này cần thời gian, kinh phí và phải xử lý đồng bộ nên xã mong muốn tỉnh, huyện, các ngành, các nhà khoa học quan tâm giúp đỡ để cứu những cây chè cổ thụ khỏi sâu bệnh. Do bị sâu bệnh nên năng suất, sản lượng và số lượng cây chè giảm hẳn, nếu như trước đây một gốc chè một lần hái cho thu từ 15-20kg thì nay chỉ còn được khoảng 10kg. Người dân Suối Giàng rất mong sớm tìm được cách cứu chữa cho những cây chè cổ thụ - cây chè hàng chục năm qua đã góp phần xóa đói giảm nghèo và làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây”.

H.D

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) phải chấm dứt hoàn toàn việc huy động vốn bằng vàng dưới mọi hình thức, kể cả gia hạn các khoản huy động vàng đến hạn.

Đó là một trong những nội dung đáng lưu ý tại quyết định sửa đổi, bổ sung quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa (theo Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 25-2-2009) mà UBND TP vừa ban hành.

Lực lượng liên ngành xã Nậm Lành (Văn Chấn) kiểm tra công tác bảo vệ rừng. (Ảnh: Xuân Tình)

YBĐT - Để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do cháy rừng gây ra, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR), lực lượng kiểm lâm luôn sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống khi xảy ra cháy rừng.

Công nhân ngành điện thực hiện công tác sửa chữa.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc vừa có công văn gửi các công ty điện lực tỉnh, thành phố; Công ty lưới điện cao thế miền Bắc về việc bảo đảm cung ứng điện ổn định, an toàn trong dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán năm 2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục